Xây dựng "văn hóa liêm, chính" theo tinh thần tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ hai - 25/12/2023 06:34
 “Văn hoá liêm, chính” là nét đẹp trong ứng xử của cá nhân, cộng đồng, thể hiện ở tinh thần chính trực, ngay thẳng, công bằng, vì lợi ích của cộng đồng, tập thể. Xây dựng văn hóa liêm chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
 

1. Sự cần thiết của việc xây dựng “văn hoá liêm, chính” trong phòng chống tham nhũng, lãng phí của nước ta hiện nay
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xây dựng văn hóa liêm chính là một trong bốn nội dung quan trọng trong xây dựng cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Đó là: “Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”[1].
Việc xây dựng, hình thành, thực thi tốt “văn hoá liêm, chính” trong nền hành chính công vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; góp phần kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chính trực; đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, tư cách đạo đức tốt, tinh thần gương mẫu, tiên phong, tận tuỵ, trung thành với Đảng, với Nhân dân; sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích của tập thể, cộng đồng.
Trong nền hành chính công vụ, “văn hoá liêm chính” có ý nghĩa quan trọng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và quản trị quốc gia; tạo môi trường khách quan, minh bạch góp phần xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên đội ngũ liêm chính, hệ thống liêm chính. Đây chính là gốc rễ, nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Mặt khác, thực hiện nghiêm văn hoá liêm chính sẽ đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực bảo đảm sự kỷ luật, kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
2. Thực tiễn tổ chức xây dựng  “văn hóa liêm chính” trong phòng chống tham nhũng, lãng phí của  nước ta hiện nay
Việc, vận dụng, triển khai và thực hiện văn hoá liêm chính trong những năm qua, được Đảng ta đặc biệt quan tâm và chú trọng nhằm phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, xây dựng lòng tin trong Nhân dân. Tiêu biểu là các Nghị quyết về xây dựng Đảng như:
Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay;
Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;
Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII (năm 2021) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã ban hành các quy định cụ thể như:
Quy định số 101-QÐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp;
Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương;
Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên;
Quy định số 37-QĐ/TW (thay thế Quy định số 47-QĐ/TW), ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm;
Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ;
Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ;
Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Đảng, Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng, đổi mới bộ máy và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn đang đặt ra; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường làm việc trong sạch với những giá trị nhân văn, tiến bộ; khắc phục, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Đánh giá khái quát về quá trình thực thi văn hóa liêm chính, tiết kiệm, trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội; xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân. Chỉ đạo tổng kết việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội”[2].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật trong xây dựng văn hoá liêm chính vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm thậm chí có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Thời gian qua, có một số cán bộ vì chạy theo lợi ích vật chất, tham vọng cá nhân, nể nang, né tránh… đã bất chấp danh dự, chà đạp lên giá trị liêm chính, đi ngược lại lý tưởng, mục tiêu cao đẹp của Đảng, của Nhân dân; làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cơ quan, tổ chức, làm phai nhạt niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị.
3. Giải pháp xây dựng, thực thi “văn hóa liêm chính” theo tinh thần tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng chống tham nhũng, lãng phí của Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, đối với tổ chức Đảng, cấp ủy, tổ chức chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.
Liêm chính phải bắt đầu từ hai phía, một là người cán bộ phải thực sự tu dưỡng theo chuẩn mực văn hóa, đạo đức; ngược lại, cũng phải kiểm soát quyền lực thật tốt để không tạo ra môi trường để tham ô, tham nhũng. Vì vậy, song song với việc đề cao tính liêm chính trong cán bộ, đảng viên, ngay bản thân Đảng cũng phải hoàn thiện về mặt pháp luật để kiểm soát quyền lực cho tốt, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh đó là "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế"[3], để từ đó, cán bộ sẽ không muốn, không dám tham nhũng.
Trong từng tổ chức Đảng, cấp ủy, tổ chức chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, điều quan trọng nhất để bảo vệ cán bộ liêm chính đó là phải biết nhận diện, phát hiện được những cán bộ liêm chính, biết trọng danh dự, nhân phẩm, tư cách đạo đức người cộng sản. Sau khi nhận diện được họ thì mới nghĩ đến việc ngăn chặn được "phần tử xấu"  làm hại cán bộ tốt.
Bên cạnh đó, để bảo vệ cho văn hóa liêm chính trong bộ máy nhà nước, cũng cần tiếp tục thúc đẩy mạnh công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Phải tăng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình sẽ đẩy lùi các ý đồ "bất liêm", "bất chính". Đặc biệt, phải bảo vệ chính trị nội bộ thật tốt để tránh những phần tử cơ hội len lỏi vào bên trong phá hoại bộ máy của Đảng, của Nhà nước nhất là trong các cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm lâm, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, cơ quan thuế, cảnh sát biển, kiểm toán nhà nước… Cán bộ làm việc trong các cơ quan này phải được sàng lọc, tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy trình chặt chẽ hơn, có chế độ chính sách phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, có chế độ bảo vệ nội bộ chặt chẽ hơn; xử lý, kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật nếu vi phạm pháp luật, bảo kê, tiếp tay cho tội phạm, vi phạm đạo đức công vụ có lối sống không lành mạnh.
Cùng với đó, việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, trọng danh dự sẽ góp phần tôn vinh văn hóa liêm chính của đội ngũ cán bộ và tạo bầu không khí lạc quan trong cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ, hệ thống chính trị các cấp cần có những hình thức tôn vinh những hành động liêm chính, gương người tốt việc tốt, những việc tử tế trong đời thường góp phần hình thành văn hóa liêm chính trong đời sống xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng cần có chuyên trang, chuyên mục giáo dục liêm chính, tôn vinh gương người tốt, việc tốt để thông tin về liêm chính, đạo đức, việc tử tế phải lấn át tin tức về quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bất liêm, bất chính trong hoạt động của hệ thống chính trị hằng ngày.
Thứ hai, đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”[4]; cho nên, đức “liêm”, đức “chính” phải là hai trong nhiều đức để mỗi cán bộ, đảng viên trở thành một công bộc chân chính của nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức học tập, rèn luyện và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư sẽ trở thành nòng cốt, bảo đảm cho xây dựng nền văn hoá liêm chính, hệ thống chính trị liêm chính, nền chính trị liêm chính. 
Trước tiên, phát huy hơn nữa việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị trong việc giữ gìn phẩm chất liêm chính sẽ là "đầu tàu" mạnh mẽ kéo theo sự tự giác của quần chúng trong cơ quan. Với từng cá nhân đảng viên cần nhấn mạnh ý thức liêm chính - trong đó có danh dự, liêm sỉ, đạo đức của mình - để có bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và dũng khí chống lại tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã  nhắc nhở: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”[5].
Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự soi, tự sửa”, tự xây dựng văn hóa liêm chính, lòng tự trọng và nhân phẩm; xem đó là những giá trị cốt lõi nhất, cao quý nhất để theo đuổi trong cả cuộc đời. Văn hóa liêm chính sẽ góp phần ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực và trong những lúc khó khăn nhất, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ trở thành tấm gương giữ gìn tài sản của đất nước, của Nhân dân.
Tư tưởng về “xây dựng nền văn hoá liêm chính” được đề cập trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng nhất để xây dựng nền văn hoá liêm chính trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đó là sự quyết tâm chính trị lớn của hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân; phát huy vai trò của Nhân dân trong thực hành liêm chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng nền chính trị liêm chính, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc./.
ThS. Nguyễn Tuấn Anh, Hà Quang Duy
Lớp TCLLCT K51 hệ tập trung
Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.37
[2] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.34
[3] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.139
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.134
[5] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.143

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay10,199
  • Tháng hiện tại482,506
  • Tổng lượt truy cập21,652,623
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây