Nhu cầu, quan điểm tăng cường thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở trong cơ quan nhà nước

Thứ hai - 10/07/2023 03:43
Dân chủ là thước đo của sự phát triển, cũng là mục tiêu mà tất cả các quốc gia hướng tới trong quá trình xây dựng nhà nước và xã hội, là mục tiêu đấu tranh của con người trong quá trình khẳng định vị thế của các cá nhân trong tổ chức, tại địa phương, quốc gia. Chính vì vậy, có thể nói, việc tăng cường thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở (DCCS) trong  cơ quan nhà nước (CQNN) là nhu cầu của Nhà nước, của CQNN và của mỗi cán bộ, công chức.

1. Nhu cầu tăng cường thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan nhà nước

Việc tăng cường thực hiện pháp luật DCCS trong CQNN không chỉ là yêu cầu của Nhà nước, của xã hội đối với CQNN mà còn là một nhu cầu tự thân của chính CQNN và cán bộ, công chức trong CQNN.
Mỗi quyết định, hành vi của CQHCNN đều ảnh hưởng trực tiếp đến các cá nhân, tổ chức. Pháp luật có được thực hiện hiệu quả hay không chính là dựa vào hệ thống CQNN. Nếu CQNN hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy hữu hiệu sự phát triển của quốc gia, địa phương. Ngược lại, nếu CQNN hoạt động không hiệu quả, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật sẽ xâm phạm đến lợi ích của công dân, tổ chức, địa phương và quốc gia. Chính vì thế, nâng cao hiệu quả hoạt động của CQNN là một nhiệm vụ của nhà nước, của mỗi CQNN.
Có thể nói các CQNN dù đã và đang tích cực nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra của xã hội. Thời gian vừa qua, hàng loạt đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Trong số đó, có nhiều cá nhân vi phạm là người đứng đầu, người có thẩm quyền trong CQNN. Cùng với đó là không ít các hành vi vi phạm pháp luật khác của CQNN, người có thẩm quyền trong CQNN đã gây tổn thất cho ngân sách quốc gia; tổn hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; gây mất niềm tin của nhân dân với chính quyền.
Để xây dựng được hệ thống CQNN đủ mạnh, đầu tiên, là phải đẩy mạnh dân chủ, đẩy mạnh thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN, từ đó, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả hoạt động của CQNN trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Như vậy, đẩy mạnh thực hiện pháp luật về DCCS là nhu cầu của CQNN. Hơn nữa, hiệu quả hoạt động của CQNN không phải chỉ phụ thuộc vào một vài cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan. Trách nhiệm xây dựng cơ quan, đóng góp vào sự phát triển của cơ quan cũng không phải chỉ là trách nhiệm của riêng người đứng đầu hoặc người đang giữ chức vụ mà là trách nhiệm chung của toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan.
Được biết các thông tin, được bàn các công việc quan trọng, được giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan… vốn là mong muốn, nhu cầu của mỗi cán bộ, công chức. Đối với cán bộ, công chức trong CQNN, thực hiện pháp luật về DCCS là một cách thức để thực hiện quyền làm chủ trong cơ quan. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức trong CQNN mới thực sự phát huy hết năng lực để, tâm huyết để cống hiến cho công việc. Đẩy mạnh thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN cũng chính là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan.
Các CQNN đều nắm trong tay quyền lực thực tế rất lớn. Mỗi quyết định, hành vi hành chính của CQNN, người có thẩm quyền, cán bộ, công chức trong CQNN đều tác động, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy, nếu đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN, đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả  hoạt động, tính minh bạch, công minh, hợp pháp của các CQNN thì các tổ chức, cá nhân trong xã hội đều được hưởng lợi; từ đó, bảo vệ tốt hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN còn là nhu cầu của các tổ chức, cá nhân công dân trong xã hội.
Thực tế cho thấy, đã không ít những vi phạm pháp luật về DCCS đã diễn ra trong CQNN như tình trạng lợi ích nhóm, chia bè kéo phái, mượn danh dân chủ để mưu cầu lợi ích riêng,… gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động của cơ quan; gây mất niềm tin trong cán bộ, công chức; phương hại nghiêm trọng đến quyền lợi của cán bộ, công chức và tổ chức, cá nhân; vi phạm pháp chế. Nếu không đẩy mạnh việc thực hiện thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN thì các vi phạm pháp luật này sẽ càng có nguy cơ tăng lên và nghiêm trọng lên. Cùng với đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí, lạm quyền, lộng quyền... trong CQNN cũng sẽ ngày càng có nguy cơ phát triển.
Xuất phát từ nhu cầu khách quan và chính đáng đó, việc đẩy mạnh thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN cần được quan tâm hơn và đẩy mạnh hơn ở Việt Nam; đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Quan điểm đẩy mạnh thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan nhà nước
Có thể thấy, để tăng cường thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN trong thời gian tới cần thực hiện như sau:
Thứ nhất, thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN phải tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chi ủy; trên cơ sở pháp luật về DCCS trong CQNN; bảo đảm pháp chế XHCN.
Thứ hai, xác định thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN là một nhiệm vụ quan trọng của CQNN, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan.
Thứ ba, tăng cường thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “tập trung dân chủ”; gắn liền với cải cách hành chính.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN đi liền với đẩy mạnh thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở tại tại xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp.
Thứ năm, thực hiện pháp luật về DCCS trong CQNN phải đúng theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ sáu, tăng cường thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở phải đi liền với việc đảm bảo ngày càng tốt hơn thu nhập cho cán bộ, công chức; nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức trong CQNN.
TS. Lê Minh Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập396
  • Hôm nay20,380
  • Tháng hiện tại241,146
  • Tổng lượt truy cập20,723,539
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây