1. Kết quả hoạt động tổng kết thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên
Trong những năm qua, Nhà trường luôn quan tâm và thực hiện đồng bộ các khâu, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổng kết thực tiễn của. Từ năm 2020 đến nay, Nhà trường đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp trường, hội thảo chuyên đề cấp khoa; chủ trì, bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học cấp trường; tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế của giảng viên, Nhà trường đã tổng kết và góp ý xây dựng Luật, xây dựng chính sách; có những ý kiến, kiến nghị với địa phương, với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển địa phương, góp phần hoàn thiện các quy định, quy chế của Học viện. Cụ thể như:
- Từ kết quả nghiên cứu thực tế về hoạt động quản lý đất đai, địa giới hành chính, xây dựng, văn hóa… tại địa phương, góp ý xây dựng Luật Đất đai;
- Từ hoạt động tổ chức các lớp bồi dưỡng, mời giảng viên thỉnh giảng tại Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên, đề xuất, góp ý với các cơ quan tham mưu trong xây dựng chính sách đối với giảng viên thỉnh giảng (tiêu chuẩn, chế độ của giảng viên thỉnh giảng); chế độ đối với học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường.
- Từ kết quả tham luận, thảo luận tại các hội thảo khoa học, có ý kiến kiến nghị, đề nghị trong thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng chính quyền địa phương, cải cách hành chính…
- Từ kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học, trên cơ sở tổng kết thực trạng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu có gắn với địa phương, góp phần phát triển địa phương, như: phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Định Hóa, khảo sát đánh giá kết quả và đề xuất giải pháp thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông giữa cấp xã và cấp huyện tại thành phố Thái Nguyên; thực trạng và giải pháp đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành ở tỉnh Thái Nguyên hiện nay; xây dựng đội ngũ cán bộ cáp xã người dân tộc thiểu số ở huyện Võ Nhai…
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá thực trạng, nghiên cứu đặc điểm người học và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương, Nhà trường biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để thực hiện trên thực tế, trong đó, có nhiều sản phẩm nghiên cứu đã được in thành sách tham khảo, tài liệu bồi dưỡng sử dụng trong đào tạo, bồi dưỡng, phục vụ hoạt động nghiên cứu của giảng viên và học viên. Cụ thể như: Tài liệu học phần Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã tại tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021-2026; tài liệu bồi dưỡng Bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, công chức chuyên môn cấp xã; cán bộ Hội Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ, Người cao tuổi…, xây dựng một số tình huống quản lý nhà nước ở cơ sở…
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực tế của giảng viên ở cơ sở, giảng viên, Nhà trường có những ý kiến đóng góp xây dựng và phát triển địa phương, như: góp ý trong công tác xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Như vậy, có thể thấy, hoạt động tổng kết thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên luôn gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, trong khuôn khổ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, hai hoạt động này bổ sung cho nhau, bổ trợ cho nhau.
Hơn thế nữa, những năm gần đây, Nhà trường đều xây dựng Báo cáo tổng kết thực tiễn hàng năm nộp Tỉnh ủy, trong đó, tổng kết hoạt động thực tiễn của Nhà trường, đề xuất các ý kiến, kiến nghị đối với hoạt động xây dựng và phát triển tỉnh Thái Nguyên nói chung, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Thái Nguyên trong phạm vi thẩm quyền của Nhà trường nói riêng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tổng kết thực tiễn của Nhà trường còn những hạn chế nhất định. Kết quả hoạt động chủ yếu mới dừng lại ở cung cấp các thông tin, số liệu làm báo cáo và tài liệu tham khảo cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy; chưa trở thành cẩm nang chỉ dẫn cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Nhà trường tuy đã bước đầu đi vào nền nếp song vẫn còn chưa thực sự bài bản, khoa học và kịp thời. Phạm vi tổng kết thực tiễn còn chủ yếu giới hạn trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
2. Yêu cầu, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổng kết thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Để nâng cao chất lượng hoạt động tổng kết thực tiễn tại Trường chính trị tỉnh Thái Nguyên, giảng viên của Nhà trường cần nỗ lực rèn luyện, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, cụ thể là nâng cao khả năng lựa chọn, xác định đúng và trúng vấn đề cần tổng kết, nâng cao khả năng thu thập, xử lý thông tin cho vấn đề tổng kết, nâng cao khả năng tổ chức lực lượng tổng kết và nâng cao khả năng vận dụng các bài học kinh nghiệm vào tổ chức thực tiễn. Việc nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài trong đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên nói chung, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn nói riêng.
- Một là: Xác định đúng vấn đề cần tổng kết. Thực tiễn cho thấy các giảng viên gặp nhiều khó khăn trong việc xác định vấn đề cần tiến hành tổng kết. Để xác định đúng và trúng vấn đề cần tổng kết, trước tiên cần xác định tính cấp thiết của vấn đề. Việc xác định vấn đề tổng kết phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn giảng dạy, yêu cầu phát triển địa phương, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật…
- Hai là: Nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin cho vấn đề tổng kết. Thông tin nói lên bản chất của vấn đề, cho nên thông tin cần khách quan, chính xác. Việc thu thập thông tin phải đa dạng, thông tin phải từ nhiều nguồn, phải tiến hành khảo sát kỹ lượng, nguồn thông tin phải chính thống, uy tín. Việc xử lý thông tin rất quan trọng, cách xử lý thông tin phụ thuộc vào mục đích của giảng viên tiến hành.
- Ba là: Nâng cao khả năng lập kế hoạch tổng kết thực tiễn. Lập kế hoạch tổng kết thực tiễn là việc sắp xếp công việc, xác định thời gian, lựa chọn lực lượng tiến hành, dự kiến phân công và phối hợp tổng kết thực tiễn. Kế hoạch tổng kết phải rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, đảm bảo tiến độ, phải rõ các nguồn lực và điều kiện cần thiết cho quá trình tổng kết.
- Bốn là: Nâng cao khả năng tổ chức thực hiện kế hoạch tổng kết thực tiễn. Đây là hoạt động đóng vai trò quyết định. Nếu xây dựng kế hoạch tổng kết thực tiễn là xác định đúng mục tiêu và lực lượng tổng kết thì thực hiện kế hoạch tổng kết thực tiễn là hiện thực hoá mục tiêu thông qua lực lượng, là hành động thực tiễn. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện kế hoạch tổng kết thực tiễn phải được tiến hành bài bản, khoa học, đảm bảo quy trình, khách quan và đúng tiến độ.
- Năm là: Nâng cao khả năng khái quát tri thức thu được từ hoạt động tổng kết thực tiễn thành các bài học kinh nghiệm của giảng viên. Mục tiêu của tổng kết thực tiễn là tìm ra tri thức mới để bổ sung làm phong phú lý luận, cho nên giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cần phải trau dồi khả năng khái quát những tri thức thu thập được từ tổng kết thực tiễn để xây dựng những bài học kinh nghiệm, bổ sung vào lý luận, kiến nghị để bổ sung và sửa đổi chính sách cho phù hợp.
Muốn làm được điều đó, giảng viên Nhà trường cần từng bước nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ tư duy lý luận chính trị; tăng cường đi nghiên cứu thực tế, đi sâu, đi sát vào hoạt động thực tiễn để thấy được các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên không chỉ dừng lại ở mức độ quan sát mà cần nâng lên ở tầm trải nghiệm. Muốn vậy, ngoài việc tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế, Nhà trường còn cần tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, để giảng viên được quan sát và thực tế tham gia làm các công việc khác nhau, tại các đia phương khác nhau.
- Sáu là: Nâng tầm kết quả tổng kết thực tiễn của Nhà trường trước khi xây dựng văn bản tổng kết thực tiễn, Nhà trường cần lấy ý kiến chuyên gia, lãnh đạo đia phương, lãnh đạo ngành, lĩnh vực… về kết quả của những vấn đề được tổng kết, có thể qua hình thức xin ý kiến trực tiếp, tổ chức hội nghị xin ý kiến đánh giá.
- Bảy là: Tăng cường hoạt động lãnh đạo, quản lý, phối hợp trong hoạt động tổng kết thực tiễn.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu kịp thời quán triệt các văn bản, nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ. Tiếp tục tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo hướng phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ, các sở ngành nhằm tăng cường các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cấp tỉnh; Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng nghiên cứu và sử dụng phát huy có hiệu quả các sản phẩm của hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Thị Kim Ngân