Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên thực hiện đổi mới các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng bài giảng

Thứ tư - 10/01/2024 04:02
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và thường xuyên quan tâm giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm Đường kách mệnh năm 1927, Người viết “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động...[1] . Nhận thức sâu sắc vai trò của giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm công tác giáo dục lý luận chính trị nhằm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ. Đối với những người làm công tác giảng dạy lý luận chính trị việc nâng cao chất lượng bài giảng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ CNH, HĐH ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên hiện nay có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy một số môn học, phần học thuộc chương trình Trung cấp lý luận chính trị dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Xuất phát từ đặc điểm học viên phong phú, đa dạng, chủ yếu là cán bộ, công chức đã có thời gian công tác lâu năm, có quá trình trải nghiệm thực tế trên nhiều lĩnh vực; việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng bài giảng là một yêu cầu đặt ra bức thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Những năm qua, việc đổi mới nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên khoa Xây dựng Đảng luôn được lãnh đạo khoa quan tâm và có kế hoạch triển khai hoạt động một cách hiệu quả. Cụ thể:
Thứ nhất, về việc phân công bài giảng gắn với năng lực nghiên cứu của từng giảng viên luôn được coi trọng.
Đầu năm, căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ của Nhà trường cũng như chức năng, nhiệm vụ của khoa, lãnh đạo khoa tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện như: kế hoạch phân công giảng dạy, kế hoạch nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; kế hoạch dự giờ, thao giảng; kế hoạch sinh hoạt chuyên môn. Đây là căn cứ để lãnh đạo khoa tổ chức thực hiện kế hoạch một cách khoa học trong quá trình kiểm tra, giám sát.
Phân công bài giảng là hoạt động đầu tiên trong kế hoạch giảng dạy của mỗi giảng viên, qua việc phân công bài giảng tới từng giảng viên sẽ giúp mỗi giảng viên chủ động trong việc tìm kiếm tài liệu, phù hợp với năng lực. Trong việc phân công giảng dạy, Khoa luôn chú ý “bố trí đúng người, đúng việc”, phân công bài giảng cho giảng viên đảm bảo phù hợp với chuyên ngành được đào tạo để giảng viên chủ động về mặt tri thức, từ đó giúp giảng viên lựa chọn, đổi mới phương pháp giảng dạy đạt kết quả cao hơn.
Thứ hai, thông qua bài giảng góp phần thực hiện tốt việc soạn giáo án, bài giảng và các buổi sinh hoạt chuyên môn
Đối với tất cả các bài giảng do khoa Xây dựng Đảng đảm nhiệm, trước khi lên lớp các giảng viên trong khoa đều phải soạn và được thông qua giáo án cho từng bài giảng và từng đối tượng học viên. Việc tổ chức góp ý, thông qua giáo án được thực hiện tại tất cả các buổi sinh hoạt chuyên môn hằng tháng với nguyên tắc giáo án từng bài giảng của giảng viên phải thống nhất chung về mục đích, yêu cầu, nội dung kiến thức những kiến thức trọng tâm, cần thiết và phương pháp dạy và học.
Thứ ba, giảng viên khoa Xây dựng Đảng không ngừng đổi mới phương pháp và sử dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy. Tăng cường và duy trì tổ chức tốt việc dự giờ, thăm lớp, lựa chọn, động viên giảng viên tham gia thao giảng cấp khoa, cấp trường.
Các giảng viên khoa Xây dựng Đảng đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, chuyển từ phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực lấy người học làm trung tâm, chuyển từ phương pháp giảng dạy thuyết trình một chiều truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực như: phương pháp phỏng vấn nhanh, nêu ý kiến ghi bảng, thảo luận nhóm… Đồng thời, tăng cường thời gian thảo luận, tự học, tự nghiên cứu, các giảng viên trong khoa đã chủ động yêu cầu học viên chuẩn bị kỹ bài trước khi lên lớp, tăng cường phát vấn, tương tác với người học. Nhờ đó, hoạt động giảng dạy đã trở nên sôi nổi, tạo sự chủ động, sáng tạo và hứng thú cho học viên. Bên cạnh đó, đa số các giảng viên trong khoa đã áp dụng công nghệ hiện đại vào bài giảng, đưa kiến thức, hình ảnh, âm thanh giúp bài giảng trở nên phong phú hơn, sinh động hơn, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động dự giờ và tổ chức rút kinh nghiệm được khoa tổ chức nghiêm túc, kịp thời, tập trung góp ý vào nội dung bài giảng và phương pháp giảng dạy nhằm giúp giảng viên chủ động nâng cao chất lượng bài giảng ở các tiết giảng, buổi giảng sau đó. Thông qua việc tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp, bản thân mỗi giảng viên có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, cũng như rút được kinh nghiệm cho bản thân trong hoạt động giảng dạy.
Thứ tư, khoa đã chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu và chất lượng giảng dạy. Đồng thời quan tâm tới việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên.
Việc nghiên cứu và thực hiện các đề tài khoa học cấp trường của khoa Xây dựng Đảng luôn được quan tâm và nghiên cứu kỹ lưỡng các đề tài trước khi đăng kí với Nhà trường. Với sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, các đề tài của khoa Xây dựng Đảng luôn được đánh giá có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, kết quả đánh giá nghiệm thu được Hội đồng khoa học Nhà trường đánh giá từ Khá trở lên. Nhiều giảng viên trong khoa đã hoàn thành vượt định mức giờ nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đã được áp dụng vào quá trình giảng dạy, qua đó góp phần nâng cao chất lượng bài giảng.
Việc quan tâm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên được xác định là nhiệm vụ quan trọng và tác động tới chất lượng giảng dạy. Trình độ chuyên môn chính là kiến thức, sự hiểu biết và năng lực của giảng viên trong một lĩnh vực cụ thể, cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng bài giảng và công việc được giao của mỗi giảng viên. Việc tập trung nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân, để khẳng định năng lực của mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình giảng dạy lý luận chính trị là một yêu cầu tất yếu đặt ra hiện nay đối với mỗi giảng viên. Do đó, ngay từ đầu năm, lãnh đạo khoa nói riêng, lãnh đạo nhà trường nói chung luôn chỉ đạo giảng viên chủ động đăng kí kế hoạch tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực giảng dạy cho giảng viên. Đồng thời, khoa còn động viên các giảng viên chủ động nâng cao trình độ bằng các hình thức tự học, tự nghiên cứu, nghe giảng trong các buổi lên lớp của các đồng nghiệp trong khoa, trong trường cũng như giảng viên của các Học viện khi có lớp mở tại Nhà trường.
Có thể thấy, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của từng giảng viên cũng như tập thể khoa Xây dựng Đảng, chất lượng bài giảng của khoa thời gian qua không ngừng được nâng lên. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của khoa cũng như của Nhà trường. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tập thể khoa Xây dựng Đảng tiếp tục xác định:
Một là: tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, động viên mọi giảng viên cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là: thực hiện tốt việc phối hợp giữa khoa chuyên môn và chi bộ, tổ công đoàn để nắm vững tình hình, tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các bộ môn, làm tốt hơn nữa công tác quản lý chuyên môn.
Ba là: tiếp tục tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện chương trình Trung cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bốn là: khuyến khích giảng viên trong khoa tham gia dự giờ, rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Bảo đảm mỗi giảng viên được khoa tổ chức dự giờ rút kinh nghiệm tập thể ít nhất 02 lần/năm. Tiếp tục tổ chức tốt việc thao giảng cấp khoa để bồi dưỡng và lựa chọn những giảng viên có chuyên môn tốt để bồi dưỡng và lựa chọn giảng viên tham gia dự thi giảng viên dạy giỏi cấp Trường, cấp Học viện.
Bốn là: đối với công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện tốt các hoạt động được đăng kí từ đầu năm của khoa. Khuyến khích các giảng viên trong khoa tham gia viết bài nghiên cứu tại các Hội thảo trong và ngoài tỉnh, Hội thảo cấp quốc gia, cũng như viết bài cho các tạp chí chuyên ngành, trang web, Thông tin lý luận và thực tiễn của Nhà trường./.
 
Bùi Thanh Thảo

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2011, tập 2, tr. 112

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập66
  • Hôm nay16,777
  • Tháng hiện tại439,757
  • Tổng lượt truy cập16,862,563
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây