Tư tưởng của Lão Tử về tự nhiên – những gợi mở định hướng giải quyết mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư - 29/05/2024 21:25
Lão Tử (571 TCN - 471 TCN) được coi là người sáng lập học thuyết Đạo gia của Trung Quốc cổ đại. Sách Đạo Đức Kinh là tác phẩm lưu lại tư tưởng triết học của Lão Tử. Đây là một hệ thống quan niệm tương đối hoàn chỉnh về tự nhiên, về xã hội và về sự nhận biết các sự vật, hiện tượng và cách ứng xử của con người. Trong hệ thống quan điểm đó, quan điểm về tự nhiên được coi là cơ sở của những quan điểm về nhân sinh, về phương pháp hành xử của con người trong thế giớ tự nhiên. Quan điểm này phản ánh mối liên hệ hữu cơ giữa các thành tố của tự nhiên, xã hội, con người. Đây cũng là cống hiến đáng kể của Lão Tử trong việc hình thành thế giới quan của con người trong việc ứng xử với thế giới tự nhiên. Bài viết này tập trung trình bày tư tưởng cơ bản của ông về thế giới tự nhiên và qua đó thấy được những gợi mở định hướng giải quyết mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên trong giai đoạn hiện nay.
1. Về nguồn gốc tự nhiên
Theo Lão Tử, vũ trụ bao gồm những tạo vật vốn tồn tại hiện hữu, do “đạo” tự sinh chứ không phải do một lực lượng siêu  nhiên  thần  bí  nào  tác  thành. Trong  tác  phẩm Đạo Đức Kinh ông miêu tả: “đạo là  cái nhìn  không  thấy  gọi  là  “di”,  nghe  không thấy gọi  là  “hi”,  nắm  không được gọi là “vi”. Ba cái đó (di, vi, hi) truy cứu đến cùng cũng không biết được gì, chỉ thấy hỗn độn làm thành một thể. Ở trên không sáng, ở dưới  không tối, thâm viễn, bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật. Nó thấp thoáng mập mờ. Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì  không  thấy đuôi”[1].  Nghĩa là, về cái thể của đạo, chúng ta không thể miêu tả nó một cách rõ ràng, song nó đầy khắp vũ trụ và làm ngọn nguồn, gốc rễ cho muôn loài.  Đạo là vô thuỷ, vô  chung  (không  đầu, không cuối). Ông nói rõ rằng: “Đạo bản thể thì hư không mà tác dụng thì cơ hồ vô cùng... Nó sâu kín mà dường như trường tồn.. Ta không biết nó là con ai” [2].
Lão Tử còn dùng hình ảnh ẩn dụ để diễn tả sự rộng lớn đến mức cùng cực của đạo và vai  trò “sinh thành vạn vật” của nó. Ông viết: “Hình vuông cực lớn thì không có góc (nói về không gian), nó không có góc vì không biết góc nó ở đâu; cái khí cụ cực lớn (Đạo) thì không có hình trạng cố định; thanh âm cực lớn thì không nghe thấy, Đạo lớn thì ẩn vi, không thể giảng được. Chỉ có Đạo là  khéo  sinh  và tác thành  vạn vật” [3]. Như vậy Lão Tử cho rằng nguồn gốc của tự nhiên là từ đạo, thiên nhiên, thế giới vận hành theo đạo (đạo trời)[4]
2. Về sự vận hành của tự nhiên
  Theo Lão Tử tự nhiên không phải là các sự vật, hiện tượng hỗn độn, đó là tổ hợp những sự vật, hiện tượng tác động qua lại với nhau và vận hành theo hệ thống các quy luật khách quan. Lão Tử cho rằng: “Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước tự nhiên” [5]. Lão Tử không những khẳng định tính cách tự nhiên của đạo mà còn cho rằng con người cần phải bắt chước tự nhiên, phải tuân theo trật tự tự nhiên. Làm được như vậy, thì  mọi việc sẽ tốt đẹp. Để làm  theo  tự nhiên, con người cần: Một  là, cần thuận theo sự sắp đặt tự nhiên, không chống đối, không miễn cưỡng với tự nhiên. Hai  là, hành động một cách hồn nhiên, tuỳ thuận bản tính và quy luật vốn có của sự vật. Ba là, trừ bỏ những gì thái quá, nâng đỡ những gì  bất cập để  lập lại thế quân bình của tự nhiên. 
     Lão Tử cho rằng mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng (tự nhiên) và sự biến đổi của chúng là một quá trình tuân quy luật tất yếu. Ông viết: “Cây lớn một ôm, khởi sinh từ cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất; đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân” [6]; “gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào  không  suốt  ngày”[7]; “Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết thì khô cứng” [8]. Sự liên hệ, biến đổi diễn ra trong mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội, mọi sự vật, hiện tượng tuy liên hệ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đều có mối liên hệ với cội nguồn (đạo), với hữu và vô.
  Tư tưởng về sự liên hệ, biến đổi của chuỗi các sự vật, hiện tượng còn được làm rõ hơn khi Lão Tử đề cập đến luật phản phục (luật vận hành của vạn vật). Ông viết: “Hết sứ giữ được cực hư, cực tĩnh xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được quy luật phản phục” [9]; “Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu (trở lại gốc)” [10]. Lão Tử khẳng định rằng, phản phục là quy luật tất yếu của vạn vật nên con người phải làm theo mới là hợp đạo và tồn tại lâu dài, nếu không sẽ gặp hậu quả xấu.
Lão Tử còn khẳng định, nếu con người nhận thức được đạo (quy luật vốn có của vạn vật) thì sẽ hành động sáng suốt, ngược lại sẽ lầm lạc và gây ra tai họa. Lão Tử đã chỉ ra một quy luật phổ biến của tự nhiên là luật “phản phục” và yêu cầu con người không làm trái quy luật. Ông cho rằng, đạo là thể thống nhất giữa hữu và  vô và chúng  là hai mặt đối lập trong đạo “Vạn vật trong thiên hạ sinh ra từ hữu, sinh ra từ vô” [11]. Hai mặt vô và hữu cùng đồng thời xuất hiện: hữu vô tương sinh, hữu và vô làm nên  nhau, thống nhất hữu cơ với  nhau, không có cái này thì không có cái kia và ngược lại. Hữu và vô mặc dù tên gọi khác nhau nhưng đều là hai mặt của đạo cũng như của mỗi vật (hữu vô là thống nhất) và chúng có vai trò như nhau.
Lão Tử đã thể hiện quan niệm về sự tồn tại vốn có của các mặt đối lập và chỉ  ra sự thống nhất hữu cơ giữa chúng. Theo ông, mỗi sự vật, hiện tượng đều bao gồm hai mặt đối lập thống nhất hữu cơ với nhau. “Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương, điều hòa bằng khí trùng hư” [12]. Sự vật tồn tại là do có các mặt đối lập thống nhất với nhau: dựa vào nhau, làm căn cứ của nhau chứ không tồn tại một cách tách rời thuần tuý; chúng điều hòa, cân bằng nhau bằng khí trùng hư. Lão Tử viết: “Có khó là do có dễ, có tốt là do có  xấu, có cao là có thấp, có dài là do có ngắn. Đó là vì các mặt đối lập của sự vật còn chứa đựng lẫn nhau, tiềm ẩn trong nhau. Bởi thế, “họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ  nấp của họa”[13]
 Lão Tử đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất hai mặt đối lập của một chỉnh thể, trong đó hữu và vô là hai mặt bao trùm nhất, phổ biến nhất, tồn tại không tách rời nhau mà  làm nên công dụng của muôn vật. Đây thực sự là một nét đặc sắc của tư tưởng biện chứng Lão Tử. Ông đã chỉ rõ trong mỗi mặt đối lập đều chứa đựng mầm mống của mặt đối lập kia và ngược lại: trong cái phúc có cái họa, trong cái thất bại có mầm mống của thành công, trong hạnh phúc lẩn khuất bất hạnh và ngược lại. Vì vậy, cần phải nhận thức đầy đủ điều này để có hành động và thái độ phù hợp. Lão Tử cho rằng, ranh giới của các mặt đối lập (họa phúc, được mất, may rủi...) là tương đối và có thể chuyển hoá lẫn nhau tạo nên sự biến đổi của sự vật. Ông viết: “Họa phúc không có gì nhất định. Chính có thể biến thành tà, thiện có thể trở thành ác. Loài người mê hoặc (không hiểu được lẽ đó) đã  từ lâu rồi” [14].
Về phương thức biến đổi sự vật, Lão Tử cho rằng: “Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Như vậy là sâu kín mà sáng suốt” [15]. Sự chuyển hoá giữa các mặt đối lập của sự vật không phải ngẫu nhiên mà là theo các quy luật tự nhiên vốn có: luật phản phục (quay trở về cội rễ ban đầu) và luật quân bình (cân bằng, điều hòa). Như vậy, Lão Tử đã gợi ý cách giải quyết mâu thuẫn và điều kiện cho sự chuyển hoá các mặt đối lập. Các mặt đối lập chỉ có thể chuyển hóa cho nhau khi nó phát triển hết mức độ của nó.
Lão Tử khuyên con người phải biết sống tri túc (biết đủ thì không nhục), tri chỉ (biết dừng thì không sợ hiểm nguy), biết đề phòng và ngăn ngừa hậu họa khi nó còn mới  manh nha, chưa định hình. Điều đó chứng tỏ ông đã có nhận thức về lượng của sự vật cũng như giới hạn tồn tại của sự vật hay độ của nó. Lão Tử cho rằng, nói lắm hay cùng lý, chẳng bằng giữ lấy cái vừa mức (nói vừa phải đủ độ); gỗ cứng thì dễ gãy, quân đội  mạnh tất yếu ẩn họa diệt vong (mộc cứng tắc chiết, binh cường tắc diệt). Vì vậy, con người nên giữ mức trung bình, hài hòa giữa hai thái cực để được bền lâu. Tinh  thần này của Lão Tử cũng được Trang Tử  tiếp tục khi ông khuyên con người nên xóa  nhòa ranh giới của mọi chuẩn mực xã hội (thị  phi, thiện ác, đẹp xấu...), giữ lấy thái độ hành xử lưỡng hành (không thái quá về mặt nào) trong nhân thế. Ông cho rằng, “Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ, vì việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ khởi từ lúc còn nhỏ. Do đó, thánh nhân không làm việc lớn mà thực hiện được việc lớn” [16]. Hơn nữa, theo ông, cần phải thật sáng suốt, nhờ đức hư tĩnh để thấy trước cái loạn sắp xảy ra. Ông viết: “Cái gì an định thì dễ nắm, điều chưa hiện thì dễ tính. Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình” [17]. Theo Lão Tử, vạn vật cũng như mỗi mặt đối lập trong nó đều biến đổi không ngừng từ nhỏ đến lớn, từ chưa định hình đến hiện hữu, từ điều bất ổn đến đại họa; vì  vậy, muốn trừ họa phải trừ mầm mống, muốn xoá bỏ kết quả phải trừ bỏ nó từ khi nó còn là nguyên nhân. Như vậy chúng ta thấy Lão Tử đã nhìn thấy các chu kỳ của sự phát triển và sự lặp lại của các chu kỳ đó.
Nhìn chung quan điểm của Lão Tử bước đầu đã tìm ra quy luật của sự phát triển thế giới, tư tưởng đó thể hiện tính biện chứng. Tuy nhiên, chưa có được nhận thức đúng đắn về sự phát triển, với ông phát triển chỉ là sự lặp lại, phát triển không diễn ra theo đường thẳng hoặc xu hướng tiến lên mà là khuynh hướng vòng tròn khép kín. Đây là một hạn chế lớn của tư tưởng Lão Tử cũng là hạn chế chung của các nhà triết học trước Mác.
Như vậy, thông qua những nội dung trình bày trên, chúng ta có thể thấy tư tưởng về tự nhiên của LãoTử là một tư tưởng biện chứng tự phát, chưa triệt để nhưng cũng gợi mở nhiều giá trị biện chứng sâu sắc. Theo đó, thế giới xung quanh tồn tại tự nhiên, không phụ thuộc một lực lượng siêu nhiên nào. Thế giới ấy không đứng yên mà luôn vận động, biến đổi theo những trật tự nhất định và sự vận động, chuyển hoá của các mặt đối lập là vốn có của vạn vật. Con người muốn sống yên ổn thì cần phải thuận theo tự nhiên, không nên cải tạo thái quá để có cuộc sống hài hòa, yên ổn [18].
3. Gợi mở định hướng giải quyết mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên trong giai đoạn hiện nay
Hiện nay, tình hình thiên nhiên trên phạm vi toàn thế giới đang diễn biến, biến đổi ngày càng phức tạp, thảm họa lũ lụt, động đất, hạn hán, ô nhiễm môi trường, cháy rừng, dịch bệnh…. có xu hướng tăng và quy mô và cường độ, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng đối với con người và môi trường sinh thái. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, phân tích và tìm ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những biến đổi trên, trong các nguyên nhân đó thì cách ứng xử thô bạo của con người với tự nhiên được coi là nguyên nhân cơ bản nhất. Để khắc phục những tác động tiêu cực này và đưa thế giới tự nhiên phát triển bền vững thì con người cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong các giải pháp đó theo Ông William Ripple, Giáo sư sinh thái học tại Đại học Lâm nghiệp bang Oregon Mỹ cho rằng: “Chúng ta cần chấm dứt việc coi tình trạng khẩn cấp về khí hậu như một vấn đề độc lập, hiện tượng nóng lên toàn cầu không phải là dấu hiệu duy nhất. Các chính sách để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu phải giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của chúng: sự khai thác quá mức của con người đối với hành tinh này”.
Với những gì con người đang đối mặt với sự “nổi giận” của tự nhiên và cách sử dụng các biện pháp giải quyết hiện nay của con người càng cho thấy chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng tốt các thành tựu khoa học hiện đại vào cải tạo các vấn đề phát sinh từ tự nhiên. Đồng thời, cần tiếp tục nghiến cứu, phát triển và vận dụng hệ thống các quan điểm lý luận trong kho tàng lịch sử văn minh nhân loại, trong số các quan điểm ấy tư tưởng của Lão Tử về tự nhiên được coi là một trong những tư tưởng có tính định hướng đúng đắn. Để “thiên, nhân hợp nhất”, phát triển bền vững thì chúng ta cần nghiên cứu, vận đụng sáng tạo quan điểm của Lão Tử về tự nhiên, qua đó có những định hướng để giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong giai đoạn hiện nay. Nội dung định hướng đó cần thấm nhuần quan điểm của Lão Tử “Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng. Trở về căn nguyên thì tĩnh, trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”. “Trở về mệnh là luật bất biến của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết thì vọng động mà gây họa. Biết luật bất biến thì bao dung, bao dung thì công  bình, công bình  thì bao khắp, bao khắp thì phù hợp với tự nhiên, phù hợp với tự nhiên  thì  phù  hợp với đạo, hợp với đạo  thì  vĩnh  cửu,  suốt  đời  không  nguy”.
Xuất phát từ quan điểm trên của Lão Tử về mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên, trong hoạt động thực tiễn chúng ta cần tập trung chú ý vào các điểm sau:
 Thứ nhất, hoạt động thực tiễn của con người cần hoà thuận với tự nhiên, không tác động thô bạo vào thế giới tự nhiên. Thứ hai, coi sự phát triển bền vững của tự nhiện là điểm khỏi đầu và cũng là tương lai phát triển của con người. Thứ ba, lấy sự tuần hoàn, phát triển của tự nhiên làm vòng khâu vận động phát triển của con người và luôn coi đó là quy trình khởi nguồn của sự phát triển.  
Tài liệu tham khảo
  1. Cao  Xuân  Huy  (1995), Tư tưởng phương Đông  gợi  những  điểm  nhìn  tham  chiếu, Nxb Văn học, Hà Nội.
  2. Cung Thị Ngọc, Tư tưởng biện chứng của Lão Tử về tự nhiên, Tạp chí Khoa học xã hội Việ Nam, số 6, 2016
  3. Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
  4. Lão  Tử  (1999), Đạo  Đức  Kinh,  Nxb Văn học, Hà Nội.
  5.   Lão  Tử  (2001), Đạo  Đức  Kinh,  Nxb Văn học, Hà Nội.
  6.  Nguyễn Tài Thư (1982), “Thử tìm hiểu vị trí ba đạo”, Tạp chí Triết học, số 1.
 
 

[1] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.184 -185
[2] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.169
[3] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.227
[4] Cung Thị Ngọc, Tư tưởng biện chứng của Lão Tử về tự nhiên, Tạp chí Khoa học xã hội Việ Nam, số 6, 2016
[5] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.202
[6] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.256
[7] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.199
[8] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.270
 
[9] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.188
[10] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.225
[11] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.225
[12] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.228
[13] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.248
[14] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.248
[15] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội. tr.218
 
[16] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
[17] Nguyễn Hiến Lê  (chú  dịch và  giới thiệu) (1994), Lão Tử -Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
     [18] Cung Thị Ngọc, Tư tưởng biện chứng của Lão Tử về tự nhiên, Tạp chí Khoa học xã hội Việ Nam, số 6, 2016
Nguyễn Thành Chung
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập215
  • Hôm nay16,795
  • Tháng hiện tại457,603
  • Tổng lượt truy cập18,566,405
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây