Nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất” trong Hiến pháp 2013

Chủ nhật - 02/07/2023 04:09
Trong khoản 3 Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam 2013 quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, đây vừa là sự thể chế hoá các quan điểm của Đảng về sử dụng quyền lực trong bộ máy nhà nước là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Tuy nhiên, khi bàn đến nội dung “quyền lực nhà nước là thống nhất” vẫn còn có nhiều ý kiến và nhận thức chưa được đồng nhất. Có quan điểm cho rằng, quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng sự thống nhất đó tập trung vào Quốc hội. Bởi vì nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nhưng lại không thực hiện được quyền lực nhà nước một cách trực tiếp, nên đã trao quyền cho cơ quan đại diện cao nhất do mình bầu ra là Quốc hội. Do vậy, Quốc hội được Hiến pháp xác nhận là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Vì thế Quốc hội là cơ quan có toàn quyền, là cơ quan cấp trên của các quyền hành pháp và tư pháp. Đây là quan điểm đã trở thành nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung được thể hiện trong các quy định của Hiến pháp năm 1980. Nguyên tắc này có ưu điểm là bảo đảm cho quyền lực nhà nước tập trung, quyết định và thực thi quyền lực nhanh chóng, thống nhất. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là thiếu sự phân định phạm vi quyền lực nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thiếu sự kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, nhất là thiếu sự kiểm soát quyền lực nhà nước đối với quyền lập pháp. Ngày nay, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nếu hiểu theo quan điểm này và tổ chức sử dụng quyền lực nhà nước theo cách hiểu này sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng quyền lực nhà nước từ phía các cơ quan nhà nước được nhân dân trao quyền.
Ở cách hiểu khác, trong nhà nước ta, giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của một đảng, ngày càng thống nhất về lợi ích, trong nội bộ không có sự phân chia thành phe phái đối lập như trong nhà nước tư sản, nên thống nhất quyền lực nhà nước là nguyên tắc duy nhất giữ vai trò quyết định trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Quan niệm này đề cao tính thống nhất của quyền lực nhà nước, phủ nhận, xem thường hoặc hạ thấp vai trò nhân dân làm chủ và nhân dân giám sát quyền lực nhà nước. Nếu tổ chức sử dụng quyền lực nhà nước theo cách hiểu này sẽ tạo cơ hội cho sự lạm dụng quyền lực nhà nước của các cơ quan.
Những cách hiểu chưa đồng nhất này là lý do để các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền những quan điểm sai trái, phản động như: quyền lực nhà nước thống nhất là không có sự phân chia, kiểm soát, đối trọng lẫn nhau nên tất yếu dẫn đến tình trạng tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền của những người trong bộ máy nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để đem lại lợi ích cho chính họ, từ đó vi phạm quyền làm chủ và xâm hại đến lợi ích của nhân dân; Đảng đứng trên Nhà nước, thâu tóm và thao túng quyền lực nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng, lợi ích nhóm từ đó dẫn đến hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng trong quá trình vận hành đất nước, phát triển kinh tế-xã hội...
Quan điểm đúng đắn khi hiểu về quyền lực nhà nước thống là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Nhân dân trao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho Tòa án, Viên Kiểm sát, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Nhân dân thực hiện trao quyền cho Quốc hội và các cơ quan trong bộ máy nhà nước thông quan hình thức dân chủ đại diện. Điều 6 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. 
Nhân dân thực hiện quyền lực bằng dân chủ đại diện, với hình thức này Nhân dân sẽ thông qua các cơ quan đại diện để thực hiện quyền lực của mình, cụ thể là: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước cũng là các cơ quan mà Nhân dân có thể thông qua đó để thực hiện quyền lực nhà nước của mình, chẳng hạn thông qua Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp
Nhân dân trao quyền cho Quốc hội và các cơ quan trong bộ máy nhà nước thông qua hình thức bầu cử. Điều 27 Hiến pháp 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.  Bầu cử là quyền chính trị cơ bản của Nhân dân. Thông qua hoạt động này, Nhân dân lựa chọn những người đủ đức, đủ tài đại diện cho mình, thay mặt mình tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
 Mặc dù quyền lực nhà nước là thống nhất không có sự phân chia, tuy nhiên thực tế, quyền lực nhà nước được nhân dân ủy quyền cho các cá nhân, con người, tổ chức cụ thể trong bộ máy nhà nước nên luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể bị tha hóa và sử dụng sai mục đích khiến cho quyền lực đó không còn thuộc về nhân dân, không vì lợi ích của nhân dân mà thuộc về những người, những tổ chức được trao quyền lực, nắm quyền lực, cho nên vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ra như là một yêu cầu tất yếu, bắt buộc để giữ đúng bản chất dân chủ của Nhà nước. Trong Hiến pháp 2013 còn quy định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, theo đó: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, quyền lực Nhà nước Việt Nam là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuyệt đối không hề có sự mập mờ tạo điều kiện cho tình trạng lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực sai mục đích của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước.
Trần Thu Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập52
  • Hôm nay10,189
  • Tháng hiện tại482,496
  • Tổng lượt truy cập21,652,613
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây