Thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới

Thứ hai - 24/07/2023 03:36
Chính sách dân tộc của Đảng, nhà nước Việt Nam là những quyết sách của Đảng, Nhà nước tác động trực tiếp đến các dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo  quốc phòng, an ninh  nhằm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các vùng và các dân tộc ở Việt Nam.Kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân tộc, đặc biệt chú trọng đến chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Lễ hội Lồng tồng năm 2023 tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: thainguyentv.vn)
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã khẳng định: “Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết, giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc. Kiên quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đánh đổ âm mưu gây thù hằn chia rẽ dân tộc của đế quốc và lũ Việt gian. Cải thiện đời sống cho các dân tộc thiểu số, giúp họ tiến bộ về mọi mặt, đảm bảo để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong việc giáo dục ở các địa phương thiểu số”[1].
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc.
 Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”[2]. Trong thời kỳ đổi mới, quan điểm của Đảng, nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc được thể hiện qua các văn bản như: Nghị quyết số 22- NQTW ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế- xã hội miền núi; Quyết định số 72 –HĐBT ngày 13-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách cụ thể kinh tế- xã hội miền núi; Nghị quyết số 24- NQTW ngày 12-3-2003 của Ban chấp hành Trung ương về công tác dân tộc; Nghị định số 05/2011 NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị số 28/CT- TTG ngày 10-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc...Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn các chương trình của Nhà nước đều tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo như: Chương trình 143, Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình phân bổ đất rừng và trồng rừng; các chính sách về giáo dục, y tế,...
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy đề cập những biện pháp cụ thể đối với một số vùng đặc thù có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống như:  việc định hướng dài hạn và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; về phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh đặc biệt khó khăn ở vùng miền núi phía Bắc; về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long,… Nhờ vậy, tất cả mọi công dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đều bình đẳng về chính trị, bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống và trước pháp luật, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, các công trình trường học, y tế,… cho vùng dân tộc thiểu số được quan tâm, đầu tư phát triển, văn hóa các dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện.
Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các dân tộc ở Việt Nam có sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội, đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số vẫn còn những hạn chế nhất định, cả trong việc xây dựng chính sách và việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống dân sinh, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung vẫn còn thấp so với mặt bằng chung, một số quy định còn mang tính chung chung nên khó cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện, một số văn bản mới chỉ dừng lại ở mức Nhà nước có chính sách hỗ trợ (đầu tư) cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.  Để thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
* Về chính trị
 Một là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc nhằm tăng cường sự tham gia vào bộ máy nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đủ mạnh. Chú trọng, làm tốt công tác quy hoạch dự nguồn cán bộ dân tộc thiểu số để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, hình thành đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đông về số lượng, giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Xây dựng đội ngũ trí thức người dân tộc, chính sách đối với người tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Cụ thể hóa thêm chính sách cán bộ đối với một số vùng nhóm dân tộc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
 Hai là, xây dựng chế độ trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm mỗi người có thể phát huy hết năng lực cá nhân; đồng thời, xác định cụ thể trách nhiệm của mình trong quá trình thực thi công vụ, giảm thiểu nguy cơ có thể xâm phạm các quyền của công dân, quyền con người đối với đồng bào dân tộc là các đối tượng có trình độ, năng lực pháp lý hạn chế, dễ bị tổn thương và ít có khả năng tự bảo vệ.
* Về kinh tế
 Một là, tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là giao thông, điện, trường học và thủy lợi; gắn với bố trí, sắp xếp lại dân cư, giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, đất phục vụ cộng đồng, nước sinh hoạt, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên. Chú trọng tới những hộ đồng bào thiếu đất sản xuất, các điểm nóng về di cư tự phát, dự án tái định cư thủy lợi, thủy điện.
 Hai là, tập trung phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình quan hệ sản xuất mới, phát triển doanh nghiệp xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, tăng dần mức thu nhập cho người dân; tạo điều kiện và cơ hội giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao mức sống.
Ba là, tiếp tục thể chế hóa những chính sách ưu tiên thúc đẩy việc làm đối với nhóm lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là đối với lao động là người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, lao động tự do... nhằm tăng cường tính bền vững đối với việc làm ở các khu vực này, vì đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện, môi trường làm việc, thu nhập và thiếu tính ổn định hơn so với khu vực chính thức.
* Về văn hóa - xã hội
Một là, khai thác và sử dụng hợp lý tri thức địa phương. Đánh giá, phát hiện các vấn đề thuận lợi để khai thác, điểm hạn chế cho phát triển để điều chỉnh, khắc phục, tránh trở ngại, hoặc định hướng, dẫn dắt sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo chiều thuận mà không tạo nên những xung đột văn hóa, tâm lý xã hội.
Hai là, phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, thông tin phù hợp. Đẩy mạnh và phát huy hiệu qủa công cụ phát thanh, truyền hình phù hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số. Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng, thực sự phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy hiệu quả thực sự của các thiết chế văn hóa.
Ba là, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới trong các vùng dân tộc thiểu số. Tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, gắn liền với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng. Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng với xóa đói, giảm nghèo.
Bốn là, phát triển giáo dục ở tất cả các cấp học, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng trí thức dân tộc thiểu số. Tăng cường hiệu quả các chính sách dạy nghề nhằm nâng cao kỹ năng lao động cho người dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh niên.
 Năm là, tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế, khám chữa bệnh; bảo đảm thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ờ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Xây dựng các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt quan tâm tới đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho nhân dân vùng nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn.
* Về an ninh, quốc phòng
Một là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội ở vùng dân tộc và miền núi. Tiếp tục xây dựng, phát triển nhanh các khu kinh tế kết hợp quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tôn giáo ở các vùng dân tộc.
Hai là, tiếp tục xây dựng phát triển nhanh các khu kinh tế kết hợp quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Ba là, tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tôn giáo ở các vùng dân tộc. Xử lý đúng những vụ việc, những tình huống hoặc điểm nóng có thể xảy ra do việc lợi dụng quan hệ cùng dòng tộc, kích động chia rẽ đoàn kết của đồng bào các dân tộc.
Có thể thấy, quan điểm “vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược. Đó là vấn đề cơ bản, lâu dài, song cũng là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam”. Việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ quan điểm này là tiền đề, là điều kiện quan trọng để giải quyết thành công vấn đề dân tộc, thực hiện tốt công tác dân tộc ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các dân tộc Việt Nam “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”.
Hồ Bích Ngọc
*Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, Phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
2. Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19-6-2020, Phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -  xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
3. Bộ Chính trị: Kết luận số 57- KL/ TƯ ngày 3-11-2009 về công tác dân tộc, tôn giáo
 
[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.13, tr.261.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. H. 2021,t1,tr 170.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập355
  • Hôm nay20,380
  • Tháng hiện tại240,997
  • Tổng lượt truy cập20,723,390
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây