Giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45-NQ/TW của Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Thứ ba - 26/12/2023 21:43
Ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, đội ngũ trí thức luôn luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn hơn nhiều”. [1] Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 03/9/1945, Người đã nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức"; "Trí thức là vốn quý của Dân tộc. Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế".[2]

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trí thức rất sâu sắc, toàn diện. Cách phát hiện và sử dụng đội ngũ trí thức của Người cũng vô cùng tinh tế và hiệu quả. Theo Người: “Muốn phát triển văn hóa thì phải cần có thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư…” [3]. Người khẳng định trí thức đáng trọng phải là trí thức “hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” [4]
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ tình hình thực tế trong nước và quốc tế, Đảng ta rất coi trọng phát triển và chăm lo đến đội ngũ trí thức; xác định đội ngũ trí thức là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực. Đặc biệt, trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, tiêu biểu như Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đã khẳng định: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của Dân tộc, sức mạnh của Đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững".
Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục khẳng định “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thoả đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Điều đó đã chứng minh Đảng ta rất chú trọng đến xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
 Ngay sau khi Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, trong đó có Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã thảo luận, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Trong chương trình hành động của tỉnh đã xác định các mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu phấn đấu xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn mức 1 trong năm 2024, đạt chuẩn mức 2 trước năm 2030.
Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW. Nhà trường xác định cần chú trọng tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên ngày càng giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh luôn gương mẫu, trách nhiệm, uy tín, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển tỉnh Thái Nguyên.
Hiện nay Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên có 34 giảng viên trong tổng số 44 cán bộ, viên chức của Trường (77,2%); trong đó: Giảng viên 18 người (52,9%); giảng viên chính: 15 người (44,1%); chuyên viên cao cấp cao cấp 01 người (3%). Hiện có 07 giảng viên đã đủ các điều kiện đề nghị tỉnh xét thăng hạng giảng viên chính.
Đội ngũ giảng viên: 100% giảng viên có trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên, trong đó có 02 tiến sĩ (5,8%); thạc sĩ: 29 người (85,2%). Trên 97% giảng viên có trình độ cao cấp và tương đương. Đội ngũ giảng viên luôn cố gắng nỗ lực, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng và hơn hết là chủ động tự học, tự nghiên cứu để nâng cao năng lực bản thân; có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; có đạo đức và lý tưởng cách mạng, luôn yêu nghề, gắn bó với nghề.
Trong những năm gần đây, mỗi năm Nhà trường đào tạo, bồi dưỡng từ 60-73 lớp, với trên dưới 4.000 lượt học viên. Ngoài các giáo trình, tài liệu do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ biên soạn, Nhà trường đã nghiên cứu biên soạn nhiều tài liệu bồi dưỡng các chức danh, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, chú trọng gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên của Nhà trường còn tích cực trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Hằng năm Nhà trường tổ chức nghiên cứu gần chục đề tài khoa học cấp cơ sở, chủ trì đề tài khoa học cấp tỉnh và tham gia các đề tài khoa học cấp Bộ. Các công trình nghiên cứu đều đạt kết quả tốt, thiết thực
Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn và Đề án số 11-ĐA/TU ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn, Nhà trường đã và đang quyết tâm duy trì và thực hiện tốt các tiêu chí đã đạt, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, để về đích chuẩn mức 1 vào năm 2024, chuẩn mức 2 trước năm 2030.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 45-NQ/TW của Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; thực hiện thành công Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn và xây dựng đội ngũ trí thức của Trường phát triển, Nhà trường xác định cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt để đội ngũ giảng viên của Trường hiểu rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thái Nguyên, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, gắn việc chỉ đạo xây dựng đội ngũ trí thức với việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là với việc xây dựng trường chính trị chuẩn. Xác định xây dựng đội ngũ trí thức của Trường vững mạnh toàn diện chính là để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh. Động viên đội ngũ trí thức Nhà trường nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, từ đó xác định trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, với Tổ quốc và Nhân dân.
Hai là, đội ngũ giảng viên của Nhà trường phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Đảng thể hiện trong Nghị quyết số 45-NQ/TW, quyết tâm phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn sâu về từng chuyên ngành, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; yêu nước, yêu nghề, có đạo đức và lý tưởng cách mạng; đồng thời là một trong những lực lượng đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh và đất nước.
Ba là, đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là đội ngũ lãnh đạo; gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; chú trọng xây dựng môi trường làm việc văn hóa, giữ gìn và phát huy văn hóa Trường Đảng.
Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ trí thức của Trường một cách hiệu quả. Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức vừa giảng dậy, vừa tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao trình độ, năng lực, đồng thời đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, đề xuất các giải pháp làm cơ sở cho tỉnh đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề liên quan.
Năm là, tiếp tục chú trọng xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Trường, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Thu Huyền
 
[1]  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG.H.1995, tr 236
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG.H.2000, tr 184
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXBCTQG.H.2000, tr.53
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXBCTQG.H.2000, tr.53
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay9,229
  • Tháng hiện tại481,536
  • Tổng lượt truy cập21,651,653
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây