Vai trò công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống góp phần trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay

Thứ năm - 30/11/2023 22:56
1. Sự phát triển về nhận thức và tư duy lý luận của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa đã xuất hiện từ rất lâu đời, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực[1]; là biểu hiện tập trung nhất của sự “tha hóa” quyền lực; quyền lực càng cao thì nguy cơ tham nhũng càng lớn. Không chỉ ở Việt Nam, tham nhũng được coi là bệnh nan y của nhiều nước trên thế giới, cả nước phát triển và nước đang phát triển. Ngày nay, ở nhiều quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, tham nhũng chính là rào cản khó khăn nhất đối với việc xóa đói, giảm nghèo và cũng là cản trở lớn nhất trong phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì thế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được coi là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức và ngày càng xác định rõ hơn về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, coi tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”[2]. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, dù phải tập trung cao độ cho việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách của cách mạng nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn không sao nhãng công tác đấu tranh phòng, chống tệ tham nhũng, tiêu cực. Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”[3] (Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”[4] (Đại hội XI); “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”[5] (Đại hội XII). Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”[6] và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”[7] (Đại hội XIII). Điều đó cho thấy Đảng ta luôn nhận thức rõ về nguy cơ và tác hại của tệ tham nhũng. Do vậy, Đảng ta thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng được ban hành thể hiện sự phát triển về nhận thức và tư duy lý luận của Đảng, với nhiều bước đột phá, sáng tạo, là tiền đề, cơ sở tạo sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn.
2. Vai trò công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống góp phần trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay
Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Nhận diện rõ những thách thức và hệ lụy trên, trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Do đó, nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả.
Từ việc làm rõ mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực, cũng như hệ quả khôn lường của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời, chỉ rõ các biểu hiện, hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên như sợ trách nhiệm, móc ngoặc, tham ô... chính là căn nguyên của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trọng tâm phòng, chống tiêu cực là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bởi nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng.
Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, không chỉ phòng chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Do đó, trong cuốn sách“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến một chân lý, đó là: Suy cho cùng mọi thành bại đều do con người; sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên. Từ đó, khẳng định vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống góp phần trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay.
Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đạt được kết quả khá toàn diện, có những bước chuyển biến mạnh mẽ, nhất là công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Một trong những giải pháp đó là chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị và năng lực công tác. Hằng năm, các cơ quan, địa phương, đơn vị thường xuyên rà soát và cử cán bộ, công chức tham gia các chương trình đào tạo lý luận chính trị theo kế hoạch và quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, công chức. Quá trình tổ chức tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, đã chủ động cập nhật kiến thức, quan điểm, quy định mới của Đảng, Nhà nước đảm bảo thông tin, định hướng kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở mỗi vị trí, vai trò công tác…
Có thể nói, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã tạo sức lan tỏa lớn đến xã hội, nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân; củng cố lòng tin của người dân tin tưởng vào Đảng và chế độ. Việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ đó góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thời gian tới, để nâng cao vai trò công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống góp phần trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết, Kết luận Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc học tập, sinh hoạt chính trị tư tưởng nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng và toàn xã hội về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và ý thức trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên trong việc học tập, làm theo Bác. Đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục; quan tâm tới công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội.
Đào Quỳnh Thơ
 
[1] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr.15.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.362.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr.353.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.196.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.60, tr.72.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.93.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập341
  • Hôm nay20,380
  • Tháng hiện tại252,179
  • Tổng lượt truy cập20,734,572
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây