Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh (19/5/1959 -19/5/2024)

Thứ bảy - 18/05/2024 23:32
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã từng khai thông nhiều con đường để mở mang bờ cõi, bảo vệ đất nước. Nhưng có lẽ con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh là con đường vĩ đại nhất - Đó là con đường sáng tạo, đột khởi, làm thay đổi cục diện thế lực cách mạng và đi tới thắng lợi vẻ vang.
Đoàn xe qua bến phà X trên đường vào Trường Sơn. Từ năm 1965 đến 1972, đường Trường Sơn phát triển mạnh mẽ, tiến lên cơ giới hóa toàn tuyến vận tải quân sự. Ảnh: TTXVN

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Để giữ vững liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta mới chỉ có một tuyến liên lạc qua miền tây Quảng Trị. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển. Đầu năm 1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Đảng đã đề ra nhiệm vụ cơ bản cho cách mạng là giải phóng miền Nam; việc nhanh chóng mở đường vận chuyển chi viện chiến lược cho các chiến trường trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Thực hiện chủ trương ấy, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - mang phân hiệu Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.
Đường Trường Sơn hay “đường mòn” Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược xuyên qua 20 tỉnh từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam; chạy qua nước bạn Lào và Campuchia; vắt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuyên xuống miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Hệ thống giao thông này đóng vai trò cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho quân giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 16 năm (1959 - 1975) của thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc… Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy… được xây dựng trong một thế trận ngày càng hoàn chỉnh, mở khúc ruột nối các tuyến vận tải của hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường. “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, quân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, dũng cảm, kiên cường chống trả cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của Mỹ - ngụy. Thời gian này, chúng đã ném xuống đây hơn 3,5 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn số lượng bom đạn Mỹ đã sử dụng trong đại chiến thế giới lần thứ hai.
Nhờ tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử mà quân đội ta đã thực hiện được những cuộc hành quân lớn, cùng xe tăng, pháo hạng nặng vào tận Tây Nguyên, bất ngờ tiến công mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, lần lượt đập tan các quân khu, quân đoàn ngụy, thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, kết thúc 30 năm chiến tranh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một tuyến đường vận tải chiến lược mang tầm vóc lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh, cũng chính là biểu tượng ý chí sắt đá, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả được hun đúc, kết tinh từ truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước trải qua hàng nghìn năm của dân tộc, truyền thống yêu nước và cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, biểu tượng của tinh thần quốc tế bằng khối đoàn kết, kề vai sát cánh ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và sự giúp đỡ vô tư, rất có hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ngời sáng về sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự và bản lĩnh, trí tuệ của Đảng và tinh thần dũng cảm kiên cường, mưu trí sáng tạo của đội ngũ tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ, những người dân, những thanh niên xung phong trực tiếp có mặt trên tuyến đường này. Nhờ đó chúng ta đã thắng quân đội Mỹ, quân đội của một siêu cường có tiềm lực mạnh về kinh tế, quân sự và nền khoa học-kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới đã chịu thua. Đó là thành công lớn của sự chỉ đạo chiến lược bằng quyết sách đúng, kịp thời, sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta.
Đường mòn Hồ Chí Minh là một kỳ tích vĩ đại thể hiện sâu sắc ý Đảng lòng dân, biểu tượng của khối đoàn kết liên minh 3 nước Đông Dương. Từ con đường trên bộ, đã có trên đường Hồ Chí Minh trên biển, đường Hồ Chí Minh trên không, vượt lên sự phong tỏa, ngăn chặn, hướng về miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh chính là con đường của những con đường, con đường gợi mở, tiếp nối những con đường. Nhìn chặng đường 65 năm của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh chúng ta càng thấy rõ, sâu đậm tính huyền thoại, biểu tượng của ý chí, tinh thần độc lập, tự do của Nhân dân như Bác Hồ từng nói: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, tự do cho Tổ quốc”. Và tư tưởng đó, ý chí đó, khát vọng đó là phải quét sạch kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được Nhà nước đầu tư rất lớn, một công trình xuyên thế kỷ và mở rộng giao lưu với nước ngoài. Khi hoàn thành, con đường hiện đại chạy dọc từ Cao Bằng đến Mũi Cà Mau, các dòng sông suối được bắc cầu bê-tông kiên cố. Nhiều đoạn qua miền Trung, Tây Nguyên đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Đó là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đường mở đến đâu kinh tế - xã hội các địa phương phát triển đến đó, tạo điều kiện cho kinh tế đất nước phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Để có con đường lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ấy cũng đã có bao nhiêu chiến sĩ, người con của quê hương Thái Nguyên đã hi sinh cho Tổ quốc. Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại là dịp để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc những công lao của những người đi mở đường Trường Sơn và tri ân những người đã nằm xuống trên con đường huyền thoại ấy để đưa sức người, sức của ra chiến trường; giành đại thắng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.
Ma Trần Thu Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay8,901
  • Tháng hiện tại481,208
  • Tổng lượt truy cập21,651,325
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây