Quan điểm xuyên suốt của Đảng về chăm lo xây dựng con người Việt Nam là đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống. Giá trị con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Những chuẩn mực con người Việt Nam được thiếp lập nhằm hướng tới định hướng phát triển con người Việt Nam toàn diện, phù hợp xu hướng phát triển của thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay.
Định hướng xây dựng các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam hiện nay là kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của con người và văn hoá Việt Nam trong lịch sử. Đề cập đến vấn đề này, từ Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII (năm 1998) đến nay, Đảng ta ngày càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời kỳ Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “ Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Vậy hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam hiện nay gồm những giá trị nào? Trên cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như nhận thức của Đảng về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị chuẩn mực con người hiện nay được xác định gồm 7 giá trị cụ thể sau:
Thứ nhất: Yêu nước, đây là giá trị đứng đầu trong bảng giá trị truyền thống Việt Nam, mọi giá trị khác phải lấy yêu nước là giá trị chuẩn để soi chiếu, đánh giá. Trước đây, yêu nước gắn với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc. Hiện nay, tinh thần yêu nước có bước phát triển mới, hoàn chỉnh – đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, quyết tâm phấn đấu vì một Việt Nam hùng cường.
Thứ hai: Nhân ái, đây là giá trị tinh thần cơ bản trong văn hoá truyền thống của người Việt. Nó hiện hữu trong các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội, từ cuộc sống đời thường đến sản xuất, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Lòng nhân ái qua các thời kỳ khác nhau có sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên về cơ bản vẫn giữ được bản sắc riêng, là cơ sở quan trọng để thiết lập mối quan hệ giữa người với người.
Thứ ba: Đoàn kết, đây là một giá trị văn hoá truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hình thành và phát triển qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài. Đoàn kết là cuội nguồn sức mạnh vô địch, giúp dân tộc ta giành được thắng lợi trước các cuộc xâm lăng của những đội quân hùng mạnh. Đoàn kết tạo ra động lực to lớn và mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của dân tộc.
Thứ tư: Trách nhiệm, tinh thần tách nhiệm là kết quả của quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tự giác tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tinh thần trách nhiệm không chỉ thể hiện bằng lời hứa mà là trong những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày. Tinh thần trách nhiệm không chỉ là bổn phận của mỗi người với tổ chức, với Đảng mà còn là trách nhiệm trước dân, trước tập thể, những người xung quanh và với chính mình.
Thứ năm: Kỷ luật, ý thức kỷ luật thể hiện ở việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Giá trị này giúp cho con người Việt Nam rèn luyện được bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường, không dao động trước mọi khó khăn, thử thách.
Thứ sáu: Sáng tạo, được hiểu là khả năng giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra cái mới, bằng cách thức mới nhưng đạt kết quả cao, hoặc khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả dựa trên sự phân tích, lựa chọn các giải pháp tốt nhất có thể. Tư duy sáng tạo là cách nhìn nhận vấn đề theo cách thức khác với cách nhìn nhận thông thường.
Thứ bẩy: Trung thực, đây là một khía cạnh đạo đức con người, là sự ngay thẳng, thật thà. Trung thực là tôn trọng lẽ phải, không dối trá từ lời nói đến hành vi. Người trung thực sẽ là người không biết nói dối, sẵn sàng dũng cảm nói lên sự thật, bảo vệ sự thật. Người trung thực sẽ không làm những việc trái đạo đức, lương tâm. Vì vậy, họ sẽ nhận được sự kính trọng và tin tưởng của mọi người trong xã hội.
Hội nhập quốc tế là quá trình trao đổi, chia sẻ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần giữa các quốc gia. Quá trình này có thể biến đổi, loại bỏ những cái cũ, lạc hậu thay thế bằng các giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế văn hoá, chính trị đã, đang và sẽ có những tác động to lớn, đa chiều tới hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Việc xây dựng hệ giá trị này là một đòi hỏi tất yếu trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam. Để quá trình này đạt được hiệu quả cao, chúng ta cần lưu ý một số yêu cầu cơ bản sau: Những chuẩn mực về con người cần cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Hệ chuẩn mực con người Việt Nam cần được triển khai trong thực tiễn một cách đồng bộ, hiệu quả bằng nhiều phương pháp, hình thức phù hợp. Quá trình xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người cần bám sát điều kiện thực tế của Việt Nam, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống, tiếp thu, bổ sung có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại.
Đảng ta xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, cần phải đảm bảo sự gắn kết, phát triển đồng bộ ba lĩnh vực trên để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Nhận thức tầm quan trọng của xây dựng văn hoá nói chung và xây dựng hệ chuẩn mực con người Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu, tìm tòi, phát huy những giá trị văn hoá, chuẩn mực con người Việt Nam được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc và cả những giá trị đang được hình thành trong cuộc sống ngày nay. Có như vậy, hệ giá trị con người Việt Nam mới đầy đủ và toàn diện.
Trần Thị Thanh Huyền