Đào tạo, bồi dưỡng công nhân ở nước ta đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thứ tư - 08/07/2020 23:34
Lịch sử loài người đã chứng minh, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp gắn liền với một giai đoạn phát triển nhẩy vọt của loài người. Hiện nay thế giới đang bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi cách mạng 4.0), không một dân tộc, quốc gia nào có thể đứng ngoài nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Sự phát triển mạnh mẽ, có bước đột phá của cách mạng 4.0 đã và đang ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với giai cấp công nhân ở nước ta hiện nay.
444

1. Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng công nhân ở nước ta và một số vấn đề đặt ra trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hiện nay, giai cấp công nhân chiếm khoảng 22% lực lượng lao động, đóng góp từ 60 đến 70% GDP cả nước, là “lực lượng sản xuất hàng đầu” và quyết định hướng đi của xã hội Việt Nam. Trong hơn 30 năm đổi mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng công nhân nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng.
Trình độ, năng lực của công nhân đang dần dần được nâng lên thông qua quá trình đào tạo và tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Công nhân được đào tạo ở trường lớp tập trung, tại chức, từ xa và tự đào tạo theo các khóa học khác nhau với nội dung ngày càng phong phú và toàn diện hơn. Phong trào tự học để bổ sung trình độ học vấn, bổ sung kiến thức nghề nghiệp diễn ra với những nội dung và hình thức phong phú: học bổ túc văn hóa, học ngoại ngữ, tin học, học nghề…Nhà nước và doanh nghiệp đang tập trung mở rộng, phát triển hơn nữa các trường dạy nghề, đa dạng hóa nghề nghiệp trong các trường dạy nghề để thu hút số lượng lớn học sinh phổ thông và người lao động tham gia học tập rèn luyện, góp phần trí thức hóa công nhân. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lượng công nhân, đặc biệt là công nhân trí thức (có trình độ Cao đẳng, Đại học) đang tăng nhanh. Công nhân được trang bị hệ thống tri thức phổ cập, toàn diện, tương xứng với trình độ phát triển xã hội, càng có khả năng đáp ứng yêu cầu của hoạt động thực tiễn trong việc nâng cao tay nghề, cải tiến công cụ lao động sản xuất, đấu tranh xã hội và cùng với đội ngũ trí thức tham gia sáng tạo công nghệ mới, được bồi dưỡng thường xuyên với nội dung cập nhật, mang tính thời sự với các hình thức đa dạng, phong phú hơn. Những hình thức tổ chức đào tạo lại cho công nhân ngày càng phong phú, phù hợp với yêu cầu cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và của từng người lao động. Hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức và trí thức công nhân trong giai cấp công nhân, do đó sự xích lại giữa công nhân và trí thức ngày càng gần hơn. Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm năm 2018, tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo là 22,0%, dạy nghề 5,5%, Trung cấp 3,8%, cao đẳng 3,2, đại học trở lên 9,7% ([1]).
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế làm cho chất lượng công nhân vẫn còn thấp, mất cân đối lớn giữa người lao động kỹ thuật và lao động giản đơn ở nhiều nghành, lĩnh vực…Phần lớn công nhân có trình độ học vấn cao, kỹ năng nghề nghiệp tốt vẫn còn ở mức trung bình và thấp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về chất lượng lao động được tính theo thang điểm 10, thì chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Malaysia là 5,59 điểm, Thái Lan 4,94 điểm…Còn theo kết quả khảo sát của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thì năng xuất lao động của công nhân Việt Nam thuộc vào nhóm thấp nhất của khu vực, chỉ bằng 1/5 lao động công nhân Malaysia, 1/15 của Singapore. Trong số các nước ASEAN, năng suất lao động của công nhân Việt nam chỉ cao hơn Campuchia và Lào
Nguồn lực lao động qua đào tạo của nước ta vừa thiếu lại vừa thừa, hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp của những người lao động đã qua đào tạo ngày càng cao. Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm năm 2018, tỷ lệ lao động thất nghiệp có trình độ giáo dục phổ thông là 69,9 %, lao động thất nghiệp đã được đào tạo nghề, chuyên nghiệp là 27,7%, trong đó; sơ cấp nghề 2,2%, trung cấp nghề chiếm 1,3%, chung cấp chuyên nghiệp 5,0 %, cao đẳng nghề 0,7%, cao đẳng chuyên nghiệp 6,1%, đại học trở lên 12,4% ([2]). Điều này cảnh báo về sự mất cân đối trong cơ cấu lao động qua đào tạo giữa các bậc ở nước ta
Với thực tiễn đó, cách mạng 4.0 đặt ra nhiều vấn đề mà giai cấp công nhân nước ta cần giải quyết. Trong thời đại công nghệ 4.0, nguồn lao động rồi rào giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra vạn vật kết nối, từ đó các dây chuyền sản xuất sẽ được rút ngắn, hệ thống thiết kế sản xuất thông minh, tự động hóa hàng loạt…điều này cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra tình trạng thiếu việc làm đối với một nước cơ cấu trẻ như Việt Nam. Đồng thời, sự thay đổi về cơ cấu sản xuất và nhu cầu sử dụng công nhân tại Việt Nam sẽ chuyển dịch theo xu hướng bắt nhịp của thời đại công nghệ mới vì thế sẽ là một thách thức lớn đối với số lượng lớn giai cấp công nhân giản đơn. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra một nhu cầu sử dụng công nhân khác hẳn trước đây, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu nguồn nhân lực của Việt Nam. Sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong sử dụng nguồn nhân lực từ khu vực sử dụng công nhân giá rẻ, kỹ năng thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng tốt.
Điều đấy cho thấy, những khó khăn mà giai cấp công nhân Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới là rất lớn. Vấn đề đặt ra là, để có thể đáp ứng yêu cầu cũng như đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0, giai cấp công nhân phải nâng cao trình độ, tay nghề, nhận thức được đúng đắn vai trò của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công nhân đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân” ([3]). Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là: Cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của công nhân ngang tầm với sự phát triển nền sản xuất công nghiệp hiện đại, tạo đà cho các giai đoạn phát triển cao hơn, xây dựng một xã hội học tập để nâng cao dân trí, tạo ra động lực học suốt đời cho cả người học và người dạy.
Để làm được điều đó, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, có cơ chế phối hợp, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nghề. Hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển đội ngũ nhà giáo, đặc biệt chú trọng tới đổi mới việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo. Đổ mới cơ cấu hệ thống giáo dục, đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng phần mềm phù hợp với bối cảnh đất nước và xu thế các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục nghề nghiệp. Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống phục vụ công tác quản lý và điều hành lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở giáo dục nhà nước xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo…Chú trọng đến hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu nghành nghề và trình độ dào tạo. Trên cơ sở đó, nhà nước có những điều chỉnh kịp thời về đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn.
Tăng cường các hoạt động hợp tác đa phương, song phương trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo như: nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; quản trị nhà trường; tạo điều kện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam.
Hai là: Các nhà trường cần đổi mới toàn diện quá trình đào tạo, xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo nguồn lao động nói chung và lao động công nhân nói riêng phù hợp với điều kiện khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ. Do đó, cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, trên cơ sở tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng của đội ngũ giảng viên, hướng tới chuẩn đầu ra, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động. Cần đổi mới tổ chức đào tạo theo mô đun, tín chỉ và phát triển giáo dục đào tạo trực tuyến sẽ là hướng đào tạo chủ yếu. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề. Các nhà trường cần tập trung thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng. Cùng với đó là sự đổi mới hình thức và phương thức thi, kiểm tra trong giáo dục - đào tạo theo hướng đáp ứng năng lực làm việc và tính sáng tạo của người học. Chú trọng hơn nữa phá triển ngành tự động hóa, đồng thời đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lực và vật liệu mới, công nghệ sinh học…
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở. Chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác giữa người và máy.
Ba là: Công nhân lao động phải xác định cuộc cách mạng 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể cưỡng lại được. Mỗi cá nhân người lao động không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.
Người công nhân phải nỗ lực tự vượt qua chính mình, trước hết là tư day, tập quán, lề thói tiểu nông, sau đó là tự học tập, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Người công nhân dù ở vị trí nào phải tích cực tự giác, học tập suốt đời, phấn đấu thường xuyên, rèn luyện liên tục; tự đấu tranh loại bỏ những cái lỗi thời, lạc hậu để trở thành công nhân trí thức cách mạng, phấn đấu vì lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc. Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân nước ta; nâng cao ý thức chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần yêu nước của công nhân Việt nam, nâng cao ý thức pháp luật và tác phong công nghiệp cho công nhân…Chính quá trình tự nỗ lực vươn lên của mỗi người công nhân sẽ trực tiếp quyết định trình độ, năng lực của họ, đồng thời cũng là nhân tố trực tiếp quyết định đối với quá trình nâng cao chất lượng giai cấp công nhân ở nước ta hiện nay.
Nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước phát triển kinh tế tri thức, tích cực, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao, nhất là giai cấp công nhân. Vì vậy, nâng cao chất lượng giai cấp công nhân không chỉ là nhiệm vụ riêng của giai cấp công nhân mà còn là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước. Cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để xây dựng, phát triển giai cấp công nhân, xứng đáng là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc nhất của Đảng và chế độ; lực lượng quyết định thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 Th.S Lương Thu Hà
Phó Trưởng phòng QLĐT&NCKH
 
     
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Tổng cục Thống kê, Niên gián thống kê 2018, NXB Thống kê, HN, 2018
  2. Vũ Quang Thọ, Xây dựng lối số văn hóa của công nhân Việt Nam – Lý luận và thực tiễn, Nxb Lao động, HN. 2015
  3. Vũ Quang Thọ, Không thể đem năng suất lao động ra mặc cả – Báo Lao động ngày 19/10/2015.
  4. Lan Vũ, Nguồn nhân lực Việt nam trước ngưỡng cửa hội nhập – Báo Nhân Dân 11/11/2015.
  5.  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2016.
  6. Đặng Ngọc Tùng (chủ biên), Xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, NXB Lao động, HN 2008.
 
[1] Tổng cục Thống kê, Niên gián thống kê 2018, NXB Thống kê, HN, 2018, tr 23
[2] Tổng cục Thống kê, Niên gián thống kê 2018, NXB Thống kê, HN, 2018, tr 44
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2016, tr 160

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay16,150
  • Tháng hiện tại285,132
  • Tổng lượt truy cập16,707,938
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây