Góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn trong giai đoạn hiện nay

Chủ nhật - 28/07/2019 05:39
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của phương thức lãnh đạo và yêu cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị như Báo cáo chính trị được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII thông qua nhấn mạnh: “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước. Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Coi trọng xây dựng văn hoá trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị.
Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm”.  Vì vậy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở là công việc quan trọng đòi hỏi phải được thực hiện theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng.
Trong những năm qua Ban Bí thư đã ban hành những qui định về chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng trong đó có Quy định số 127-QÐ/TW, ngày 01/3/2018 của Ban Bí thư Qui định về “Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn”. Quy định này thay thế Quy định số 94-QÐ/TW, ngày 03-3-2004  và Quy định số 95-QÐ/TW, ngày 03-3-2004 của Ban Bí thư khóa IX. Đây là văn bản qui định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác chung cho loại hình đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, không có sự tách biệt đảng bộ xã riêng, đảng bộ phường, thị trấn riêng như trước đây nên về tổng thể các nội dung trong qui định đều thể hiện khái quát, có nhiều nội dung bổ sung, điều chỉnh phù hợp với qui định hiện hành của Đảng và Nhà nước. Cụ thể:
Về chức năng: “Đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn là hạt nhân chính trị ở cơ sở; chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của địa phương và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả; chủ động và phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, xã, phường, thị trấn giàu đẹp, văn minh”.
Về nhiệm vụ:  đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn thực hiện 5 nhiệm vụ, gồm: Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng; Lãnh đạo xây dựng đảng bộ, chi bộ và công tác tổ chức, cán bộ; Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
  Quy định 127-QĐ/TW gồm một số một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị: “Cấp ủy thường xuyên nghiên cứu, vận dụng và tổ chức thực hiện sáng tạo, có hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở”, đồng thời nêu rõ việc lãnh đạo xây dựng chính quyền cùng cấp phải theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả theo Hiến pháp và pháp luật; kiện toàn, sắp xếp thôn, tổ dân phố theo quy định.
Thứ hai: Nội dung công tác tư tưởng của đảng bộ xã, phường, thị trấn cần gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Thứ ba: Nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng đảng bộ, chi bộ và công tác tổ chức, cán bộ, các đảng bộ xã, phường, thị trấn cần khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng. Công tác xây dựng đảng bộ, chi bộ phải gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cấp ủy thực hiện công tác tổ chức, cán bộ theo phân cấp, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục quy định. Lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.
Thứ tư: Nhiệm vụ lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo quy định cũ là một phần trong công tác xây dựng tổ chức đảng, nay được tách ra thành một nhiệm vụ riêng với các nội dung cụ thể.
Thứ năm: Qui định về các mối quan hệ công tác, Quy định mới không nêu quan hệ của đảng bộ, chi bộ cơ sở với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị cùng cấp như trước mà quy định về mối quan hệ công tác với cấp uỷ cấp trên; với các tổ chức trong hệ thống chính trị cấp trên và với các tổ chức khác có trụ sở đóng trên địa bàn.
Đây là những vấn đề mới đòi hỏi cấp ủy xã, phường thị trấn cần căn cứ vào Quy định 127-QĐ/TW và hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, theo chúng tôi cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, chính quyền nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó cần đặc biệt chú ý làm tốt một số công việc:  Cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Xây dựng và hoàn thiện qui chế hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng; qui chế phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức đảng, quản lý của chính quyền và  phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo trong hoạt động của chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở.
Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt.
 Cấp uỷ đánh giá đúng thực trạng chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được phân công; đồng thời, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; kịp thời đưa những cán bộ không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ ra khỏi vị trí công tác, xử lý kịp thời và nghiêm minh những cán bộ vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, thoái hoá, biến chất, chuyên quyền, độc đoán làm cản trở công việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Ba là, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cấp uỷ trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng; động viên các đoàn thể nhân dân tham gia vào quá trình đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở
Các cấp uỷ đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; từ đó nêu cao trách nhiệm, rèn luyện phong cách lãnh đạo, lề lối
làm việc phù hợp với điều kiện mới. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị, cấp uỷ, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định hình thức, phương pháp thực hiện có hiệu quả, nhất là lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với chính quyền, Mặt trận  tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội.
Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo và sự giúp đỡ của cấp uỷ cấp trên trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở
Cấp uỷ cấp trên cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra tổ chức đảng cơ sở trong việc quán triệt và thực hiện phương thức lãnh đạo, kịp thời uốn nắn những sai sót, lệch lạc; có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường đội ngũ cán bộ cho cơ sở; hướng dẫn cơ sở lựa chọn những hình thức, phương pháp lãnh đạo phù hợp, đúng với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức đảng ở cơ sở; thường xuyên tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng ở các cơ sở trong địa phương, đơn vị mình để trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Như vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị là một nhiệm vụ quan trọng. Đó là một đòi hỏi tất yếu khách quan của thực tiễn trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn hiện nay.
 
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.50.
Đặng Triệu Hùng
Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập97
  • Hôm nay21,427
  • Tháng hiện tại547,102
  • Tổng lượt truy cập21,029,495
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây