Sự cần thiết đối với việc bồi dưỡng chức danh Chủ tịch HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay

Thứ sáu - 13/10/2023 05:17
Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Chất lượng hoạt động của HĐND các cấp phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, năng lực lãnh đạo, quản lý của Thường trực HĐND nói chung, Chủ tịch HĐND nói riêng.

Muốn HĐND hoạt động hiệu quả, thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, là nơi bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đòi hỏi hoạt động của Chủ tịch HĐND và các đại biểu HĐND phải luôn đổi mới, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo, nâng cao nhận thức và trình độ mọi mặt, nắm vững các quy định của pháp luật và phải có kỹ năng trong từng hoạt động của người đại biểu.
Như vậy, để chất lượng hoạt động của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên thì ngoài việc chú trọng bồi dưỡng cho đại biểu HĐND thì việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực của người đứng đầu HĐND là rất quan trọng, nhất là Chủ tịch HĐND cấp xã.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 177 xã, phường, thị trấn. Chủ tịch HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phần lớn (khoảng 74%) đồng thời là Bí thư Đảng ủy, khoảng 20% Chủ tịch HĐND đồng thời là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy. Thực tiễn công tác bồi dưỡng đối với các chức danh của chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tính đến năm 2022 cho thấy: Hầu hết các chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, công chức chuyên môn được tiến hành thường xuyên, tối thiểu 01 lần trong 01 nhiệm kỳ như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Trưởng, phó các đoàn thể và các công chức chuyên môn. Tuy nhiên, đối với HĐND mới dừng lại ở việc bồi dưỡng cho các đại biểu HĐND vào đầu các nhiệm kỳ, chưa tiến hành bồi dưỡng, nâng cao năng lực đối với chức danh Chủ tịch HĐND cấp xã.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Chủ tịch HĐND cấp xã có các nhiệm vụ, thẩm quyền đó là: Lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với Thường trực HĐND: Triệu tập các kỳ họp của HĐND; phối hợp với UBND trong việc chuẩn bị kỳ họp của HĐND; chỉ đạo việc đôn đốc, kiểm tra UBND và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương thực hiện các nghị quyết của HĐND; chỉ đạo giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban của HĐND; xem xét kết quả giám sát của các Ban của HĐND khi xét thấy cần thiết và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất; giữ mối liên hệ với đại biểu HĐND; tổng hợp chất vấn của đại biểu HĐND để báo cáo HĐND; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tại phiên họp Thường trực HĐND; tổ chức để đại biểu HĐND và bản thân tiếp công dân theo quy định của pháp luật; đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân để báo cáo tại kỳ họp HĐND; phê chuẩn danh sách Ủy viên của các Ban của HĐND trong số đại biểu HĐND và việc cho thôi làm Ủy viên của Ban của HĐND theo đề nghị của Trưởng ban của HĐND; trình HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; quyết định việc đưa ra HĐND hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND; báo cáo về hoạt động của HĐND cùng cấp lên HĐND và UBND cấp trên trực tiếp; giữ mối liên hệ và phối hợp công tác với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; mỗi năm 02 lần thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về hoạt động của HĐND.
Lãnh đạo Thường trực HĐND họp ít nhất mỗi tháng một lần để kiểm điểm việc thực hiện các nghị quyết của HĐND và các quyết định của mình, đề ra nhiệm vụ công tác tháng sau. Quyết định việc họp bất thường của Thường trực HĐND nếu thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của các thành viên Thường trực HĐND.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, để có thể lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND và của HĐND đòi hỏi Chủ tịch HĐND không chỉ am hiểu, thành thạo những công việc, kỹ năng như: Giám sát của HĐND tại kỳ họp, giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND cả về nguyên tắc, đối tượng, nội dung, hình thức giám sát để lãnh đạo công tác giám sát về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở địa phương - chức năng cơ bản của HĐND; Kỹ năng xây dựng và ban hành văn bản; Kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; phân tích, thẩm tra và phê duyệt báo cáo dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; thu thập và xử lý thông tin trong hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân... mà còn phải có năng lực quản lý, điều hành hoạt động của HĐND như: Khả năng viết, nói và thuyết trình trong các hội nghị, cuộc họp và tiếp xúc với quần chúng; khả năng điều hành có chất lượng các cuộc họp, hội nghị theo chương trình đề ra; khả năng vận dụng, nắm bắt và dự báo đúng tình hình và có phương án giải quyết hiệu quả kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với phong tục truyền thống ở địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ; khả năng tập hợp, vận động quần chúng, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức và các cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ; có tác phong làm việc khoa học, hiệu quả; có chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện có kết quả chương trình, kế hoạch công tác đề ra...
Từ đòi hỏi đối với vai trò, vị trí công tác cũng như thực tế đào tạo bồi dưỡng  Chủ tịch HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, năm 2023, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức bồi dưỡng 01 lớp dành cho Chủ tịch HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh. Nội dung bồi dưỡng đã bảo đảm theo hướng cơ bản, cụ thể, sát với thực tiễn, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng. Bên cạnh việc bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản như kỹ năng giám sát, kỹ năng xây dựng và ban hành văn bản; kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; phân tích, thẩm tra và phê duyệt báo cáo dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; thu thập và xử lý thông tin... đã chú trọng bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng quan trọng, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu HĐND cấp xã như kiến thức, kỹ năng phân tích văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng điều hành cuộc họp, hội nghị; kỹ năng chất vấn, thuyết trình,  kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch...
Cuối khóa bồi dưỡng, Nhà trường đã tổ chức lấy ý kiến đánh giá của các học viên tham dự lớp học về chương trình bồi dưỡng bằng phiếu. Kết quả, được các học viên tham gia lớp học đánh giá là rất cần thiết, phù hợp với vị trí công tác, đánh giá cao cả về nội dung, phương pháp và thời gian thực hiện.
Có thể nói rằng, việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lãnh đạo cấp xã là rất cần thiết, nhất là bồi dưỡng cho chức danh Chủ tịch HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng thường xuyên (tối thiểu 01 lần trong 01 nhiệm kỳ) cho chức danh này. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã trên địa bàn tỉnh.
TS. Nguyễn Phúc Ái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập106
  • Hôm nay14,817
  • Tháng hiện tại540,492
  • Tổng lượt truy cập21,022,885
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây