Một số yêu cầu sư phạm trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh

Thứ hai - 13/11/2023 21:05
Việc ứng dụng công nghệ thông tin CNTT trong quá trình giảng dạy là một việc làm cần thiết đối với các môn thuộc khoa học xã hội nói chung và môn lý luận chính trị nói riêng. Sự tích hợp đó giúp giảng viên ở các trường chính trị tỉnh truyền đạt hệ thống tri thức nhanh chóng và hiệu quả, khắc sâu những kiến thức trọng tâm, giờ học trở nên sinh động, linh hoạt. Đối với học viên, phương tiện dạy học được sử dụng một cách hợp lí, đúng chức năng sẽ tăng sức hấp dẫn, cuốn hút vào bài giảng
Với mục đích phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của học viên; tăng cường khả năng tương tác giữa giảng viên với học viên, giữa học viên với học viên; đồng thời, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm của học viên trong quá trình lĩnh hội tri thức, việc ứng dụng CNTT trong dạy học lý luận chính trị cần quán triệt một số yêu cầu cơ bản sau:
– Một là, việc khai thác, sử dụng tư liệu từ internet phải đảm tính Đảng, tính cách mạng, khoa học; phải đứng trên lập trường, quan điểm mácxít để lựa chọn tài liệu, phản ánh chân xác, đúng đắn quan điểm, chủ trơng, đường lối của Đảng. Tham khảo các bài viết, công trình nghiên cứu đòi hỏi phải có sự phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu; phải biết chọn lựa những nội dung bản chất, phù hợp với các bài học, chuyên đề trong chương trình giảng dạy.
– Hai là, phải nắm vững kiến thức, cách thức và nguyên tắc sử dụng phương tiện dạy học, có kĩ năng tra cứu thông tin và kiến thức tin học phổ thông; biết sử dụng thành thạo máy tính, cách thức soạn thảo văn bản, thiết kế bài giảng và biết kết hợp nhuần nhuyễn các phương tiện dạy học.
– Ba là, hình ảnh, âm thanh, sơ đồ, biểu đồ được sử dụng để giảng dạy phải đảm bảo tính xác thực, độ thẩm mỹ, không cầu kì, phức tạp. Không sử dụng nhiều thông tin, hình ảnh, đoạn phim mang tính phản diện, phản cảm. Hình ảnh, đoạn phim đăng tải phải mang tính giáo dục, định hướng chính trị và góp phần hình thành ý thức, tình cảm, thái độ cho học viên; hình ảnh, phim tư liệu, các băng đĩa phục vụ giảng dạy phải được phê duyệt, được phát hành bởi các xuất bản có uy tín, có tư cách pháp nhân
 – Bốn là, sử dụng phương tiện dạy học phải đáp ứng được mục tiêu và phù hợp với nội dung của bài học, đề cao vai trò hoạt động chủ động, tích cực của người học; sử dụng phương tiện dạy học phải đúng lúc, đúng chỗ, đủ cường độ, tránh sử dụng một cách lạm dụng các phương tiện dạy học; kết hợp nhiều phương tiện dạy học khác nhau; đảm bảo sự tương tác đa chiều trong quá trình thiết kế và giảng dạy.
– Năm là, không lạm dụng kĩ thuật trình diễn và thiết đặt các hiệu ứng trong quá trình thiết kế và trình bày bài giảng. Dạy học là một quá trình tương tương tác chứ không phải là nơi người dạy “phô diễn” các sản phẩm bằng các slide trình chiếu. Việc quá lạm dụng kĩ thuật soạn thảo, trình chiếu sẽ gây ra hiện tượng “trình diễn” nhiều hơn, quá trình dạy học mất đi bản chất vốn có của nó. Người học chỉ chăm chú vào hình ảnh, phim, những chi tiết đồ họa hơn nội dung và ý nghĩa của bải giảng.
 – Sáu là, phải xây dựng ý tưởng sư phạm cho mỗi bài học, tiết học. Điều này quyết định đến chất lượng của bài thiết kế cũng như chất lượng của tiết học. Giảng viên phải lựa chọn các đơn vị kiến thức trọng tâm; sử dụng các phần mềm, hình ảnh, đoạn phim cần thiết, sơ đồ, biểu đồ có tính khái quát cao… Quá trình xây dựng ý tưởng sư phạm tiến hành chu đáo, có đầu tư sẽ là nhân tố quyết định thành công cho một tiết dạy.
 – Bảy là, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải giỏi về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ, nắm vững và sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với nội dung bài học, với từng đối tượng học viên và phương tiện dạy học. Sự vững vàng về chuyên môn cho phép người giảng viên định hướng việc thiết kế bài giảng, lựa chọn phần mềm, phương tiện dạy học, sưu tầm các sơ đồ, biểu đồ, tranh ảnh, phim tư liệu để phục vụ cho bài dạy…
– Tám là, với tư cách là người hướng dẫn, chuyên gia về “cách học”, giảng viên phải xây dựng các bài giảng phù hợp với từng đối tượng học viên viên, lớp học; sử dụng có hiệu quả các phương pháp giáo dục phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên.
– Chín là, ứng dụng CNTT vào dạy học lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh phải hướng đến các hoạt động nhận thức cho người học, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tăng cường học tập độc lập kết hợp chặt chẽ với học tập hợp tác.
Ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng dạy và học tập lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học viên là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học không chỉ dừng lại trên lí thuyết mà còn chú trọng đổi mới việc thiết kế bài giảng cho đến việc truyền thụ tri thức trên lớp bằng các phương pháp và phương tiện dạy học khác nhau. Người giảng viên không chỉ chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, phần mềm dạy học; nắm vững tri thức môn học, kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm mà còn phải nắm vững kiến thức về thiết kế bài dạy học, kiến thức tin học phổ thông, đặc biệt là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại nhằm đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.
Nguyễn Thị Kim Ngân, Phòng QLĐT&NCKH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập239
  • Hôm nay20,380
  • Tháng hiện tại240,804
  • Tổng lượt truy cập20,723,197
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây