Đất nước Việt Nam luôn hướng tới khát vọng lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ:
“Phát triển con người toàn diện…khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.”.
Trong xã hội phong kiến, con người toàn diện được thể hiện ở mẫu người đàn ông “quân tử”: “trung với vua, hiếu với cha mẹ”, “văn võ song toàn”, mẫu người phụ nữ “Công, dung, ngôn, hạnh”, “Cầm, kì, thi, họa”, “Tam tòng, Tứ đức”. Như vậy, xã hội phong kiến đã rất coi trọng việc xây dựng mô hình nhân cách con người toàn diện nhằm phục vụ cho ý chí và mục tiêu kiến quốc và trị quốc.
Cho đến nay, có nhiều nghiên cứu khác nhau về cấu trúc mô hình nhân cách con người toàn diện như: Triết học, Tâm lí học, Đạo đức học, Liên ngành khoa học xã hội,... Điểm chung của các nghiên cứu này cho thấy rằng, nhân cách con người gồm hai mặt cơ bản là Phẩm chất và Năng lực hay theo quan điểm của Hồ Chủ Tịch là Đức và Tài, trong đó Đức là gốc. Một số nghiên cứu về cấu trúc nhân cách con người toàn diện chỉ ra các yếu tố cụ thể hơn như: Đức, Trí, Thể, Mĩ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình của nhân cách con người toàn diện cả về thể lực, đạo đức, trí tuệ, tài năng và thẩm mỹ. Điểm đặc trưng nổi bật trong nhân cách toàn diện Hồ Chí Minh là phẩm chất đạo đức cao đẹp, là tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trí lực và tài năng của người không dừng lại ở bình diện nhận thức, mà còn được thể hiện bằng hành động ý chí đến cùng để đạt mục đích. Người còn là một Nhà sáng tạo nghệ thuật, góp phần đưa những giá trị thẩm mĩ của Việt Nam và thế giới lên tầm cao mới. Không chỉ vậy, tư tưởng phát triển con người toàn diện của Người đã và đang cho chúng ta những chỉ dẫn sáng suốt để xây dựng thành công chiến lược con người toàn diện trong điều kiện mới ở nước ta. Con người toàn diện theo tư tưởng của Người là “hồng thắm” và “chuyên sâu”, “có đức” và “có tài” phải được kết hợp chặt chẽ với nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Người nêu luận điểm nổi tiếng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Kế thừa tư tưởng và thực hiện tâm nguyện của chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ các nội dung cơ bản để phát triển con người toàn diện, đó là:
- Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống cho người dân; Xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; Nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân; Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam; Nâng cao tinh thần đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới…Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”
Những năm gần đây, chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 33/47 nhóm các nước có chỉ số HDI trung bình. Đến năm 2018, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 02/37. Đến năm 2020, thứ hạng HDI của Việt Nam trong các quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới tiếp tục được cải thiện. Trong Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố sáng 9/9/2022, Chỉ số Phát triển con người HDI Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên vị trí 115/191 quốc gia. Thật tự hào, Việt Nam đã gia nhập nhóm các quốc gia có chỉ số HDI cao.
Trong thực tiễn cuộc sống, những nét nhân cách tốt đẹp của con người Việt Nam được hiện thực hóa tạo nên bức tranh sinh động về con người Việt Nam toàn diện và được thể hiện qua những hình ảnh tốt đẹp, những câu chuyện xúc động như:
Những ngày tháng đất nước phải gồng mình chống lại dịch bệnh Covid - 19. Trong hoàn cảnh cam go, một lần nữa đạo đức, tài năng, sức lực, trí tuệ của con người Việt Nam được phát huy cao độ; trở thành minh chứng sống động về nhân cách toàn diện của con người Việt Nam, được cả thế giới ghi nhận. Đó là sự vào cuộc hết mình của cả hệ thống chính trị với mệnh lệnh chống dịch như chống giặc, là quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ kép, dập dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đó là những câu chuyện cảm động về sự hi sinh, cống hiến thầm lặng của những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch. Đó là những thùng trà đá miễn phí, thùng bánh mỳ “ai cần cứ lấy”, quán cơm 2.000, những chuyến xe nhân ái, những ATM gạo, Siêu thị 0 đồng...Tất cả những sự kiện đó như một cuốn sổ ghi chép không có trang cuối, khiến chúng ta tự hào về con người Việt Nam trước bạn bè thế giới;
Những tấm gương hiếu học và thành công đáng để chúng ta khâm phục vì sự toàn diện về trí tuệ, đạo đức, nghị lực và sự sáng tạo. Người “Anh hùng của đồng ruộng”, “Cha đẻ” của giống gạo ngon nhất thế giới ST25-Hồ Quang Cua; Người nông dân Nguyễn Văn Ro đã chế tạo thành công máy cày đầm tôm công nghiệp trước sự ngỡ ngàng và tự hào của người dân Việt Nam. Hiệp sĩ công nghệ số Nguyễn Công Hùng, chuyên gia về công nghệ dù chỉ với một ngón tay có thể cử động được. Lòng quyết tâm và sự cần cù, ham hiểu biết đã giúp những học sinh vùng quê nghèo, miền núi, hải đảo xa xôi để chinh phục “cái chữ”…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, sự phát triển con người không chỉ là chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn cho nhân dân mà còn phải chú ý bồi dưỡng toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách cho con người nhằm tạo tiền đề cho việc phát huy nguồn lực với sự phát triển bền vững. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là những mắt xích quan trọng trong tổng thể các thành tố vận hành hệ thống chính trị của đất nước. Cán bộ, công chức, viên chức giữ vai trò thực hiện hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đời sống xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp trong công tác cán bộ trong đó trú trọng các giải phát triển văn hóa, con người một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh, quyết tâm thực hiện mục tiêu Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế - công nghiệp hiện đại của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng, phát triển văn hóa, con người một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh và đất nước. Trong đó tập chung vào các giải pháp như sau:
Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường giáo dục trong Đảng và xã hội những chuẩn mực đạo đức cách mạng…
Hai là, đối với môi trường văn hóa - giáo dục phải lành mạnh, tiến bộ, giàu tính nhân văn…
Ba là, Để tiếp tục đưa các quy định về nêu gương đạo đức đi vào cuộc sống…
Bốn là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực …
Vị thế của quê hương cách mạng đang ngày càng được khẳng định. Trong chặng đường tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cầm quyền đầy bản lĩnh, độc lập, sáng tạo - một đảng vì dân - Đảng Cộng sản Việt Nam, các cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, bồi dưỡng và phát triển nhân cách toàn diện, viết tiếp những bản anh hùng ca thực hiện khát vọng tự cường dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Giảng viên phòng QLĐT&NCKH