Một số giải pháp nâng cao thói quen đọc sách cho thanh niên hiện nay

Thứ ba - 18/05/2021 04:27
Sách đóng vai trò vô cùng to lớn trong đời sống của con người. Triết gia Thomas Carlyle (Scotlen) đã từng phát biểu: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”.Triết giaV. Ra-xi-lep-xcai (Nga) cũng đã từng nói: “Sách là người bạn chân tình và sáng suốt. Nó chỉ cho bạn con đường đúng đắn, nó giữ cho bạn khỏi bị lầm lạc. Có sách bên mình thì cả trong thời thơ ấu, cả giữa lúc thanh xuân và cả khi đã về già, bạn không thấy mình cô độc, bạn thấy mình mạnh mẽ”. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là một phương tiện dùng để ghi chép, lưu giữ và lưu truyền tri thức trong xã hội loài người. Mỗi quyển sách là một động lực phát triển văn minh xã hội.
Với ý nghĩa như vậy, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm làm “Ngày Sách Việt Nam” nhằm mục đích khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trên toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đọc sách đối với việc rèn luyện kỹ năng, nhân cách con người cũng như phát triển đất nước.
Với thế hệ thanh niên, việc đọc sách càng là cần thiết. Trong “Thư gửi các bạn thanh niên” ngày 12/8/1947, Bác viết: “Thanh niên là rường cột nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”, khẳng định vai trò của thanh niên vô cùng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Đất nước có phát triển được hay không là dựa vào thế hệ thanh niên. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lý tưởng cách mạng, lối sống cho thế hệ thanh niên thì việc nâng cao tri thức, trình độ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại là điều hết sức quan trọng.Việc đọc sách, học sách sẽ giúp thanh niên bổ sung những kiến thức còn thiếu, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, hoàn thiện bản thân cả về chân, thiện, mỹ.

Ngày nay, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên có nhiều kênh thông tin để giải trí nên đa số thanh niên quen dần với thói quen đọc tin tức trên mạng và việc lạm dụng mạng internet khiến cho văn hóa đọc sách của thanh niên rơi vào tình trạng đáng báo động. Theo số liệu khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) khi được hỏi thanh niên dùng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số thanh niên được phỏng vấn trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách.Có 2 nguyên nhân chủ yếu được đưa ra khiến thanh niên ít đọc sách, đó là không có thời gian (áp lực học hành, áp lực công việc căng thẳng, Facebook, game chiếm nhiều thời gian) và đọc sách không có sự tương tác nên dễ gây nhàm chán.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ kỹ năng đọc kém, đọc không có chọn lọc, đọc hời hợt, theo phong trào, không mang tính ứng dụng vào thực tiễn. Những loại sách có tác dụng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lịch sử bị thay thế bởi các loại truyện tranh, những tiểu thuyết ngôn tình ủy mị, thiếu lành mạnh… Hệ quả là ngày nay nhiều người trẻ không đọc sách làm cho tâm hồn khô héo, thiếu cảm xúc; nhiều bạn trẻ ngày càng trở nên cộc cằn, ứng xử thiếu lịch sự, không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; hay đơn giản nhất là viết sai chính tả, không phân biệt được lỗi phát âm, diễn đạt vụng về.
Thanh niên là rường cột của nước nhà, là người quyết định đến sự thành công hay thất bại của đất nước thì việc nâng cao nhận thức, tri thức, trí tuệ là điều vô cùng quan trọng. Do đó, để nâng cao thói quen đọc, kỹ năng đọcsách cho thanh niêncần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Trong việc hình thành thói quen đọc sách cho thanh niên:
- Tạo thói quen đọc sách: Bắt đầu từ việc đọc những gì mình thích. Khi tìm hiểu những điều mình quan tâm điều này sẽ tạo việc thích thú, hấp dẫn cho người đọc. Sau khi đã hình thành được thói quen đọc sách chúng ta có thể mở rộng thể loại sách mình đọc, không chỉ đọc những cuốn sách mình thích mà cả những cuốn mình cần, không chỉ những cuốn dễ mà ngay cả những cuốn khó. Dần dần việc đọc sách sẽ trở thành một phần tất yếu của cuộc sống như một thói quen sinh hoạt hàng ngày.
- Cắt giảm thời gian dành cho Internet: Thay bằng việc dành thời gian cho internet để lướt web, xem phim, chơi game hay facebook, zalo… chúng ta có thể cắt giảm thời gian đó và thay bằng việc đọc thêm một vài trang sách mỗi ngày
-Việc đọc sách ngày nay không nhất thiết là đọc trang sách in hay ngồi trong phòng. Không chỉ giới hạn ở việc đến thư viện để tìm đọc sách mà mọi người có thể đọc sách điện tử bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu bằng các ứng dụng đọc sách online như: Kho sách nói, Ibooks; BlueBook…
- Tham gia các diễn đàn, hội nhóm dành cho người thích đọc sách để vừa hình thành thói quen đọc sách hàng ngày vừa trao đổi các loại sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau,trao đổi kinh nghiệm đọc, phương pháp đọc, sự hiểu biết của mình về mỗi cuốn sách.
Nâng cao kỹ năng đọc sách cho thế hệ thanh niên:
- Phân loại tài liệu đọc: Việc đầu tiên là xác định mục đích đọc của mình để phân loại tài liệu: Đọc để giải trí? Để có thêm thông tin, tri thức? Để ứng dụng? Để phục vụ học tập hay nghiên cứu? Khi xác định được mục đích đọc sẽ giúp chúng ta lựa chọn được tài liệu phù hợp, biết đọc cuốn nào,đọc nội dung nào và đọc như thế nào.
- Đọc tóm tắt, lời mở đầu, mục lục trước khi đọc chi tiết: Đây là công việc quan trọng ngay từ khâu chọn sách, nó giúp chúng ta trả lời cuốn sách này đáp ứng mục đích nào của mình (học tập, nâng cao sự hiểu biết, kỹ năng sống hay giải trí…) nó phù hợp với sở thích của mình hay không. Và khi lựa chọn để đọc thì việc đọc qua nội dung ở phần tóm tắt đã giúp chúng ta nắm bắt được cái cốt, cái hồn của cuốn sách, điều này giúp chúng ta đọc nhanh hơn, dễ hiểu vấn đề hơn.
          - Tập trung cao độ khi đọc: Khi chúng ta tập trung cao độ cho việc đọc sách thì hiệu quả mang lại mới cao. Vì vậy khi đọc sách cần gạt bỏ các yếu tố gây sao nhãng việc đọc điều này giúp chúng ta tiếp nhận được thông tin, tri thức nhanh hơn, tiết kiệm thời gian đọc hơn.
          - Đọc, viết và áp dụng: Đọc nhưng cần phải tư duy, sau khi đọc xong phải rút ra được điều gì từ nội dung cuốn sách, chúng ta có thêm kiến thức gì, kinh nghiệm gì cho bản thân để từ đó áp dụng vào cuộc sống, vào công việc. Đọc phải đi liền với áp dụng thì mới phát huy được hiệu quả của việc đọc và giúp chúng ta nhớ được lâu.
          Khi đọc sách có thể chuẩn bị một cuốn sổ ghi lại những vấn đề mình chưa hiểu rõ, những vấn đề mình muốn tìm hiểu sâu hơn để đọc lại hoặc tìm kiếm ở cuốn sách khác. Đây là cách rất hiệu quả để ghi nhớ lâu hơn, sâu hơn các vấn đề mà mình đã đọc. Ngoài ra, khi đọc sách có thể sử dụng bút màu để đánh dấu những vấn đề quan trọng sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tìm lại nội dung cần quan tâm một cách dễ dàng.
          - Đọc lại nhiều lần: Đọc một lần chúng ta có thể chưa hiểu trọn vẹn được ý nghĩa, giá trị của cuốn sách. Do đó, chúng ta có thể đọc lại nhiều lần để hiểu rõ hơn những thông điệp mà cuốn sách muốn chuyển tải. Tuy nhiên, đọc sách phải có tư duy phản biện, tránh bị chìm đắm trong thế giới mà sách tạo nên, dẫn đến xa rời thực tế, tránh sa vào lý thuyết suông.
- Trao đổi với bạn bè, gia đình, người có chuyên môn để mở rộng thêm nhiều khía cạnh, sự hiểu biết đối với nội dung mình muốn tìm hiểu.Nên tham gia vào những câu lạc bộ sách,đây là nơi chúng ta có thể trao đổi sách với nhau, mượn trả hay bình phẩm về một cuốn sách.Điều này giúp ta có thêm nhiều tri thức hơn và đồng thời cũng có những nhận thức mới về những cuốn sách mình dự định sẽ đọc.
Ngoài công việc giảng dạy, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên còn thường xuyên thực hiện công việc nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, đọc sách, nghiên cứu tài liệu là một trong những kỹ năng không thể thiếu, cần phải thường xuyên rèn luyện. Các cán bộ, giảng viên Nhà trường đều đã có ý thức đọc sách, thường xuyên đọc sách; tuy nhiên, việc tạo ra một diễn đàn để trao đổi những kiến thức thu được từ việc đọc sách, chia sẻ cảm xúc khi đọc sách… vẫn chưa được thực hiện; có chăng, chỉ là trao đổi gắn với chuyên môn, về chuyên môn, tức là chỉ trong vấn đề công việc. Đó là một điều thực sự đáng tiếc, không khai thác hết được tiềm năng của thư viện Nhà trường.
Trong thời gian tới, để hình thành thói quen đọc sách trong Nhà trường, góp phần khai thác hiệu quả sách trong thư viện, cần tập trung vào một số hoạt động sau:
Một là: Đầu tư, làm phong phú hơn số lượng đầu sách, loại hình, chủ đề sách trong thư viện trường và quản lý hiệu quả số sách này. Ngoài việc làm phong phú danh mục sách mua hàng năm, có thể phát động cán bộ, giảng viên, học viên tham gia góp sách, tặng sách thuộc các loại hình, chủ đề khác nhau cho thư viện.
Hai là: Phát động phong trào đọc sách, tạo nên các diễn đàn trực tiếp, online để trao đổi các vấn đề học thuật, các vấn đề trong cuộc sống… gắn liền với yêu cầu của công việc và nhu cầu tâm lý, tình cảm của cán bộ, giảng viên, học viên. Nòng cốt của hoạt động này là Đoàn Thanh niên.
Ba là: Giới thiệu sách và phát động phong trào đọc sách trong học viên đang tham gia học tập tại trường.
Bốn là: Có thể thêm mục giới thiệu sách trên website Nhà trường. Người viết những bài giới thiệu, chia sẻ… được hưởng nhuận bút đối với các bài đăng.  
Việc đọc sách có vai trò quan trọng đối với mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay. Đọc sách giúp mỗi thanh niên lĩnh hội được những thành tựu của nhân loại, có vai trò quan trọng trong việc định hình tư duy, phát triển trí tuệ, tri thức đồng thời còn là phương pháp rèn luyện nhân cách, tình cảm, tâm hồn cao đẹp và lối sống lành mạnh. Việc hình thành thói quen đọc sách là rất cần đối với thanh niên nói chung và cán bộ, giảng viên (trong đó, đặc biệt là giảng viên trẻ trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên) nói riêng.
Vũ Thị Nhàn - Lục Thị Minh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 2.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay17,633
  • Tháng hiện tại507,235
  • Tổng lượt truy cập21,677,352
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây