Những điểm mới về phát triển giáo dục và đào tạo trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Thứ năm - 20/05/2021 22:03
Vấn đề giáo dục - đào tạo luôn được Đảng ta coi là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước. Kế thừa tinh thần của các kỳ đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng rất quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục - đào tạo, nhấn mạnh vai trò của giáo dục - đào tạo và có những điểm mới nổi bật, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
         

           Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập trung đề cập đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở mục V, Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Từ tên tiêu đề đến nội dung đều có những điểm mới rất quan trọng so với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”. Đáng chú ý là, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đồng thời đưa sứ mạng “phát triển con người” cùng với sứ mạng “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của giáo dục và đào tạo. Cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định sự bổ sung này là cần thiết, phù hợp, thể hiện sự nhất quán, kế thừa, phát triển quan điểm của các nhiệm kỳ trước và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đảng ta khẳng định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển. Có hai lĩnh vực then chốt để phát triển con người là giáo dục và văn hóa. Vì vậy, sứ mạng trước hết, trên hết của giáo dục là phát triển con người. Thực tiễn cho thấy, những hạn chế, yếu kém về phát triển con người dẫn đến các hạn chế, yếu kém trên nhiều lĩnh vực khác trong nhiệm kỳ qua đều liên quan trực tiếp đến chất lượng, kết quả của giáo dục và đào tạo. “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người” là nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục và đào tạo những năm tiếp theo nhằm thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển của đất nước. Phương hướng, nhiệm vụ bao trùm được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định là “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”[1]. Đây là điểm mới, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa quan điểm về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo trong thực tiễn.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về lĩnh vực giáo dục - đào tạo trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được trình bày cô đọng, phản ánh khách quan cả về thành tựu và hạn chế của công tác giáo dục, đào tạo trong nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, Báo cáo chính trị đã đánh giá cụ thể hơn về mặt thành tựu của ngành giáo dục - đào tạo ở các cấp bậc học: “Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả… Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang tích cực triển khai; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực chất, hiệu quả hơn. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến”[2]. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta xác định chủ trương lớn là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; Báo cáo chính trị đã đánh giá: “Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới. Cơ chế tự chủ, cơ chế cung ứng dịch vụ công trong giáo dục và đào tạo được thể chế hóa và đạt kết quả bước đầu”[3]. Đồng thời, Báo cáo chính trị khẳng định: “Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng”.
          Về mặt hạn chế, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhận định: “Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế. Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệu, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định”[4]. Trước những vấn đề nảy sinh về giá trị đạo đức như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội…Báo cáo chính trị bổ sung thêm hạn chế về: “Giáo dục “làm người”, đạo đức lối sống còn bị xem nhẹ”. Đồng thời, cảnh báo “nguy cơ tái mù chữ có xu hướng tăng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
          Ở Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nội dung giáo dục và đào tạo được đề cập ở mục “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ”; đến Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, giáo dục và đào tạo đã được để ở mục riêng. Đặc biệt, trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đã gắn nội dung phát triển giáo dục - đào tạo với đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đây là điểm mới rất quan trọng, thể hiện cụ thể ở các nội dung cơ bản sau:
          Thứ nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội[5]; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã cụ thể hóa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”[6]. Cần “phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”. Chú ý “đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” - đây là điểm mới trong vấn đề trọng dụng, đãi ngộ, sử dụng nhân tài.
          Thứ hai, “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động”[7]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII mới chỉ dừng lại ở việc “đẩy mạnh dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp”; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề cao giáo dục nghề nghiệp, vẫn trên tinh thần bảo đảm thống nhất chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nhưng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Nội dung này vừa có sự kế thừa các đại hội trước, vừa xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ như cũng như quá trình hội nhập quốc tế. Nội dung chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức phù hợp với chủ trương định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 “cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”[8].
          Thứ ba, “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”[9]. Điểm mới trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề cập nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa; chuyển đổi các hình thức giáo dục và đào tạo nhờ công nghệ thông tin; quan tâm không chỉ kỹ năng sống mà còn kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)... phù hợp với thực tiễn của đất nước trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
          Thứ tư, “Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”[10]. Đổi mới giáo dục, đào tạo phải bắt đầu từ đổi mới giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, vì vậy phải thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc, quan tâm nhiều tới giáo dục phổ thông. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định sẽ đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Những nội dung này nhằm đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là những điểm mới so với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Đồng thời, xuất phát từ thực tế Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng thẳng thắn đặt ra nhiệm vụ là giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
          Thứ năm, “Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới”[11]. Nội dung này tập trung vào sắp xếp hệ thống trường học, trong đó có các trường công lập và các trường ngoài công lập, các trường đại học và cao đẳng. Trong nội dung sắp xếp lại hệ thống trường học, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII chỉ nêu quan tâm phát triển giáo dục, dạy nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chú ý đầy đủ, toàn diện hơn bao gồm cả vùng biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đặt ra nhiệm vụ "Thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư phát triển"[12], Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề xuất chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư. Đây là bước phát triển về quan điểm giáo dục đào tạo công lập và ngoài công lập. 
            Thứ sáu, “Thực hiện cơ chế tự chủ một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện; thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của lao động. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”[13]. Nội dung theo hướng mở cho phát triển giáo dục phổ thông. Đặc biệt lần đầu tiên, Đảng ta xác định lộ trình phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
           Trên đây là những điểm mới thể hiện quan điểm cốt lõi, cơ bản nhất của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nếu thực hiện tốt các nội dung này, chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Ma Trần Thu Hường
Khoa Xây dựng Đảng
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, tr.136.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, tr.63.
[3] Sđd, tr.63.
[4] Sđd, tr.82
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr295-296.
[6] Sđd, tr.231.
[7] Sđd, tr.232.
[8] Sđd, tr.115.
[9] Sđd, tr.232-233.
[10] Sđd, tr.233.
[11] Sđd, tr.233.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.297.
[13] Sđd, tr.234.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập371
  • Hôm nay20,380
  • Tháng hiện tại241,085
  • Tổng lượt truy cập20,723,478
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây