Phát huy giá trị nghệ thuật quân sự Việt Nam vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thứ sáu - 22/12/2023 03:44
Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023)

Nghệ thuật quân sự Việt Nam đã hình thành, phát triển trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Nghệ thuật quân sự bao gồm lý luận và thực tiễn chuẩn bị tiến hành chiến tranh, chủ yếu là đấu tranh vũ trang. Gồm có chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và nghệ thuật chiến thuật. Lý luận nghệ thuật quân sự là bộ phận chủ yếu của khoa học quân sự, nghiên cứu các quy luật và tính chất, đặc điểm của chiến tranh, xác định những nguyên tắc và phương thức tiến hành đấu tranh vũ trang. Trong hoạt động thực tiễn, nghệ thuật quân sự chỉ đạo và thực hành đấu tranh vũ trang ở quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến đấu... Nghệ thuật quân sự Việt Nam ra đời và phát triển trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, chống các kẻ thù xâm lược thường lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần.
“Nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; quán triệt tư tưởng tiến công; giành và giữ quyền chủ động; phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; lấy ít địch nhiều, nhỏ thắng lớn, đồng thời biết tập trung lực lượng khi cần thiết, luôn đánh địch trên thế mạnh;...”[1]. Nghệ thuật quân sự nhằm tạo ra sức mạnh để chiến thắng đối phương trong điều kiện có lợi nhất. Do đó, nghệ thuật quân sự của mỗi quốc gia có những nét độc đáo riêng vì nó phụ thuộc vào yếu tố địa lý, truyền thống văn hóa dân tộc, thể chế chính trị...
Nghệ thuật quân sự Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, tích cực chủ động tiến công địch luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình hoạt động quân sự để kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi nhất. Tư tưởng tích cực chủ động tiến công địch luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động quân sự. Trong hoạt động quân sự của ta có tiến công, phòng ngự, nhưng “tiến công, phòng ngự không sơ hở và tiến công là chủ yếu. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, kẻ thù của đất nước ta có tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, nhưng do tiến hành chiến tranh xâm lược, phi nghĩa, nên chúng sẽ bộc lộ nhiều sơ hở. Nhận định trên của Đảng ta, đã tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân tích cực chủ động tiến công địch mọi lúc, mọi nơi để giành chiến thắng từng phần, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Như vậy, trên cơ sở không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, phát huy lòng dũng cảm, trí thông minh sáng tạo của con người, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa con người và vũ khí, nắm vững tư tưởng tích cực tiến công, chúng ta hoàn toàn có thể giành quyền chủ động trên chiến trường và kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi nhất.
Thứ hai, tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc. Tinh thần yêu nước của nhân dân là nền tảng vững chắc của chiến tranh, tạo ra sức mạnh của dân tộc để thắng kẻ thù xâm lược. Toàn dân đánh giặc là một trong những nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự, xuất phát từ lòng yêu nước của nhân dân ta và tính chất tự vệ. Mỗi thôn, xóm, bản, làng là một pháo đài diệt giặc. Cả nước là một chiến trường, tạo ra thế trận liên hoàn, vững chắc làm cho địch rơi vào trạng thái bị động, lúng túng và bị sa lầy. Trên từng hướng chiến lược hoặc khu vực tác chiến cụ thể, các đơn vị quân đội ta đã tận dụng địa hình và “thế trận làng nước”, vận dụng sáng tạo cách đánh của nhiều lực lượng, nhiều thứ quân làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía. Mặc dù thời gian đã lùi xa, nhưng thắng lợi của những trận đánh như: Him Lam, Độc Lập, Ấp Bắc, Núi Thành, Vạn Tường, la Đrăng, Thành cổ Quảng Trị, Chiến dịch phòng không Hà Nội (1972), Chiến dịch Hồ Chí Minh,... đặc biệt những trận đánh của lực lượng Biệt động Sài Gòn tiến công vào hang ổ của kẻ thù vẫn trường tồn cùng lịch sử của dân tộc. Thắng lợi đó là kết quả của nghệ thuật quân sự Việt Nam được vận dụng sáng tạo trên nền tảng tư tưởng “dám đánh và quyết thắng kẻ thù” mà quân và dân ta đã bồi đắp qua nhiều thế hệ.
Thứ ba, chủ động tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu để đánh địch. Trong hoạt động quân sự, phải biết kết hợp chặt chẽ các yếu tố lực lượng, thế trận, thời cơ và mưu trí, sáng tạo. Muốn giành thắng lợi, phải biết dùng mưu kế, hạn chế cái mạnh của địch, phát huy cái mạnh của ta. Mưu là để “lừa” và “điều địch”, tạo điều kiện cho ta lập thế trận (thế chiến thuật, chiến dịch) trên nền tảng thế trận chiến tranh nhân dân. Nghệ thuật quân sự của ta đã làm tốt “nghi binh lừa địch”, đánh bất ngờ, tạo hiệu quả diệt địch, nhất là trong điều kiện lực lượng quân sự địch mạnh, có vũ khí công nghệ cao. Đồng thời, biết đánh giá đúng và triệt để khai thác các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đó là nghệ thuật nắm bắt và phát huy sức mạnh của thời đại, phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước, con người Việt Nam. Trong đó rất chú trọng “nhân hòa”, vì có “nhân hòa” mới có lực lượng vững mạnh, mới có thế trận vững chắc, mới tạo ra được thời cơ và tranh thủ thời cơ giành được thắng lợi lớn như các chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ tác chiến của bộ đội chủ lực và chiến tranh nhân dân địa phương, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Nghệ thuật quân sự Việt Nam là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh của các binh đoàn chủ lực. Đây là nội dung rất cơ bản của chiến tranh nhân dân, thực hiện toàn dân đánh giặc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chiến lược chiến tranh cách mạng của Đảng ta là một chiến lược tổng hợp, kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn. Trong khi đẩy mạnh đấu tranh chính trị, phát triển chiến tranh du kích, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng bộ đội chủ lực thành những binh đoàn mạnh “trở thành những quả đấm thép” đủ sức giáng cho địch những đòn tiêu diệt lớn, quyết định chiến trường”. Như vậy với quan điểm trên đã góp phần thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam bao gồm: chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực.
Thứ năm, phát huy cao độ nhân tố chính trị tinh thần trong hoạt động quân sự, kết hợp chặt chẽ các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao và binh vận. Nhân tố chính trị tinh thần đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta vượt qua mọi thử thách, khó khăn, gian khổ để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao cho và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới. Nhân tố chính trị là nguồn của những chiến công hiển hách đó bắt nguồn từ nhiều yếu tố trong đó chính trị tinh thần là điểm khởi đầu cho tư tưởng “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược”. Mặt trận quân sự rất quyết liệt, thực hiện tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, quyết định thắng lợi trực tiếp của chiến tranh, tạo đà, tạo thế cho các mặt trận khác phát triển.
Một số nội dung đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam được đúc rút qua thực tiễn giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự vẫn còn giữ nguyên giá trị để chúng ta tiếp tục nghiên cứu và vân dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới.
Kế thừa luận điểm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của các kỳ đại hội trước đó, trong tình hình mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[2].
Để góp phần nâng cao hiệu quả vận dụng nghệ thuật quân sự vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng công tác dự báo, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng để xử lý các tình huống nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Việc nâng cao chất lượng công tác dự báo là yêu cầu rất cao đối với tất cả các cơ quan nghiên cứu chiến lược, tham mưu với Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng dự báo tình hình của các cấp nhất là ở địa bàn cơ sở để chủ động dập tắt những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch từ trong trứng nước, không để Tổ quốc và mỗi địa phương bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Hai là, tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Đồng thời với các biện pháp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, chúng ta phải tích cực chuẩn bị kế sách và lực lượng để đối phó với các tình huống quốc phòng có thể xảy ra (cả tình huống đất nước phải chống chiến tranh xâm lược). Cụ thể: Tiến hành các cuộc diễn tập của các đơn vị binh chủng hợp thành, các quân chủng, binh chủng trong tác chiến quy mô lớn. Tổ chức các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ của các huyện, tỉnh, thành phố để nâng cao khả năng “tự bảo vệ” và độc lập xử trí các tình huống của từng địa phương trong tình hình hiện nay.
Ba là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm vũ khí, trang bị và mọi cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra.
Tiềm lực quốc phòng là sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Do đó, phải thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng về nhận thức, kiến thức quân sự, quốc phòng, an ninh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cho các ngành, các cấp, các địa phương, làm cho mọi người nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của - thế lực thù địch và sẵn sàng đập tan mọi hành động chống phá của chúng. Xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học quân sự; tích cực tổng kết để ngày càng hoàn thiện nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở kế thừa những tinh hoa quân sự của ông cha ta và những bài học kinh nghiệm của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để phát triển lý luận nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao để huấn luyện bộ đội đạt kết quả tốt nhất.
Tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nâng cao quyết tâm chính trị, dự báo chính xác tình hình, chủ động thích ứng với mọi tình huống, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 
 

[1] Bộ Quốc phòng: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H.1996, tr.544-545.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.155-157.
Ma Trần Thu Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập193
  • Hôm nay20,380
  • Tháng hiện tại251,842
  • Tổng lượt truy cập20,734,235
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây