Những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trong Nghị định 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ

Chủ nhật - 04/12/2016 12:12
Ngày 01/9/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2016 và thay thế cho nghị định 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 về nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ.
Những quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trong Nghị định 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ


So với Nghị định 36/2012/NĐ-CP, Nghị định 123/2016/ NĐ-CP bổ sung nhiều quy định mới. Đáng chú ý là các quy định về vị trí, vai trò và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.
Về vị trí, vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ:
Nghị định dành một điều (điều 5) trong phần quy định chung để quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động của Bộ. Theo đó Bộ được tổ chức, hoạt động theo 4 nguyên tắc cơ bản:
– Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ.
– Tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
– Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
– Công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của Bộ.
Nghị định quy định rõ ràng và đầy đủ hơn về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ trên các lĩnh vực và sửa đổi, bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
-Về pháp luật (Điều 6); trong 8 quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ được bổ sung làm rõ 2 nhiệm vụ đó là quyền Trình Chính phủ có ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ và quyền Ban hành thông tư liên tịch với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để quy định việc phối hợp giữa Bộ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
– Về quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực (Điều 10): Làm rõ và bổ sung một số thẩm quyền: Trình Chính phủ ban hành cơ chế, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý. Ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công; quy định về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý. Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý.
– Về doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác (Điều 11): Bỏ quy định: thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác được quy định trong NĐ 36/2012/NĐ-CP.
– Về tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 13): Nghị định bổ sung, làm rõ thẩm quyền hướng dẫn của Bộ với các nội dung: Hướng dẫn việc phân loại, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;hướng dẫn danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Có thể thấy sự ra đời của Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ với những quy định được bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ chính là sự cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, của luật Tổ chức Chính phủ 2015 và hướng tới việc xây dựng một Hệ thống hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Nguyễn Thị Hồng Mây

Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập105
  • Hôm nay14,298
  • Tháng hiện tại539,973
  • Tổng lượt truy cập21,022,366
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây