Bàn về hoạt động giám sát của đại biểu hội đồng nhân dân

Chủ nhật - 04/12/2016 12:21
Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) là chức năng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hiệu quả giám sát của HĐND được đảm bảo bằng hiệu quả giám sát tại kỳ họp, giám sát của Thường trực HĐND, của các ban HĐND và của Đại biểu HĐND.
Bàn về hoạt động giám sát của đại biểu hội đồng nhân dân


Thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung giám sát khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch, có sự tham gia ý kiến của nhân dân, sự tham gia, phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập: có lúc, có nơi còn lúng túng về phương pháp, giám sát mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả giám sát còn thấp, chưa có biện pháp hữu hiệu để theo dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập đó, ngày 20/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với 05 chương và 91 điều, luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Một trong những điểm mới đáng chú ý của luật là bổ sung quy định về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND. Cụ thể, điều 83 quy định rõ về các hoạt động giám sát của đại biểu HĐND gồm có:
Chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp;
Giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp;
Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương;
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Như vậy, việc bổ sung, làm rõ hình thức giám sát của đại biểu HĐND là cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao chất lượng giám sát của HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Điều này cũng đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng đại biểu HĐND trong đó chú trọng việc bồi dưỡng, phát triển kỹ năng giám sát cho đại biểu.
Để hoàn thiện kỹ năng giám sát, trước hết là việc rèn luyện kỹ năng chất vấn cho đại biểu. Chất vấn là việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu. Đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND là những người đứng đầu cơ quan nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Vì vậy để chất vấn có hiệu quả, đại biểu HĐND phải có hiểu biết về lĩnh vực mình nêu vấn đề chất vấn và có kỹ năng tiếp xúc cử tri, thu thập, phân tích, xử lý thông tin để lựa chọn vấn đề chất vấn có trọng tâm, trong điểm.
Với hoạt động giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp, và giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, đòi hỏi người đại biểu ngoài việc tình hình kinh tế xã hội của địa phương là là kiến thức quản lý, kiến thức pháp luật sâu rộng để đánh giá, theo dõi, xem xét việc thi hành pháp luật. Hơn thế nữa đại biểu còn kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân là một lĩnh vực rất nhạy cảm liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Thực hiện hoạt động này, người đại biểu nắm rõ những quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo để hướng dẫn công dân, nghiên cứu và chuyển hồ sơ đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết cũng như theo dõi, đôn đốc việc giải quyết.
Với những kiến thức, kỹ năng cần có để thực hiện hoạt động giám sát đó đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức bồi dưỡng đại biểu HĐND cho phù hợp. Việc bồi dưỡng cần được tập trung vào các kiến thức, kỹ năng cụ thể, đặc biệt là phát triển và hoàn thiện kỹ năng; nên có sự phân loại đại biểu trong bồi dưỡng, chú trọng đến bồi dưỡng đại biểu mới trúng cử, đại biểu không chuyên trách để đảm bảo sự đồng đều về chất lượng đại biểu.
Có thể thấy, nâng cao chất lượng giám sát của đại biểu HĐND chỉ là một trong các nội dung nâng cao chất lượng đại biểu HĐND song góp phần từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND. Mặt khác trong quá trình thực hiện giám sát, sẽ đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực với các ban HĐND và với đại biểu HĐND, làm cho hoạt động HĐND trở nên “thực chất” và “thực quyền” hơn.

Nguyễn Thị Hồng Mây

Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay14,110
  • Tháng hiện tại310,486
  • Tổng lượt truy cập16,733,292
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây