Quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thứ sáu - 21/04/2017 03:43

Quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015. Luật được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Một trong những điểm mới của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 là việc quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền.  Luật đã dành 04 điều (Điều 11, 12, 13, 14) xác lập quy định vừa mang tính nguyên tắc nhưng vẫn đảm bảo rất rõ ràng trong việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền quản lý hành chính nhà nước.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền, luật xác định 6 nguyên tắc gồm: Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia ; phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn lãnh thổ; việc phân định thẩm quyền phải phù hợp điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác; chính quyền địa phương được bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.

Về phân quyền, luật quy định: Việc phân quyền cho mỗi cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật; chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương; các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 và phù hợp với các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quy định trong luật chính quyền địa phương.

Về phân cấp, luật quy định: Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp. Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.

Về ủy quyền: Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác, thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. 

Qua các quy định cụ thể về phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thấy: Phân cấp, phân quyền là trao cho các cơ quan thuộc một cấp Chính quyền địa phương nhất định những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn dựa trên cơ sở quy định của văn bản pháp luật do cấp trên ban hành (những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó thuộc về Chính quyền địa phương). Ủy quyền là việc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trao những nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới thực hiện trong một giới hạn xác định về thời gian và các điều kiện cụ thể.

Như vậy, quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền được  cụ thể hóa trong luật Chính quyền địa phương  vừa đáp ứng  nhu cầu khách quan của hoạt động quản lý nhà nước với xu hướng ngày càng phức tạp vừa đáp ứng  nhu cầu phát triển của mỗi địa phương.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong thực tế cần chú ý đến khả năng thực hiện của Chính quyền địa phương, tránh tình trạng giao nhiều quyền quá sẽ không thực hiện hết nhiệm vụ hoặc giao ít quyền quá thì hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương sẽ không cao, xuất hiện tình trạng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

Nguyễn Thị Hồng Mây

Trường Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập115
  • Hôm nay16,827
  • Tháng hiện tại542,502
  • Tổng lượt truy cập21,024,895
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây