Bàn về thuật ngữ “Chung sống như vợ chồng” theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Chủ nhật - 04/12/2016 12:17
Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam ngoài việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân, gia đình còn điều chỉnh cả quan hệ “chung sống như vợ chồng”. Thuật ngữ “chung sống như vợ chồng” được  sử dụng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật năm 2000) và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật năm 2014), tuy nhiên, theo tôi, việc thống nhất cách hiểu về thuật ngữ này vẫn còn là một câu chuyện dài.
Bàn về thuật ngữ “Chung sống như vợ chồng” theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Luật năm 2000 có những quy định về việc chung sống như vợ chồng, tuy nhiên lại không có quy định cụ thể để giải thích về thuật ngữ này, dẫn đến những cách hiểu không thống nhất.

Để làm rõ điều này, Trong thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001, tại tiểu mục 3.1, Mục 3 hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999, đã có quy định:  “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”

Đây là hướng dẫn được đưa ra để thống nhất cách hiểu về hành vi chung sống như vợ chồng, làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng trong hôn nhân và gia đình, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong suốt một thời gian dài (từ năm 2001 đến năm 2014), cũng không có thêm văn bản pháp lý nào có quy định giải thích thêm về thuật ngữ này. Từ đó cho đến bây giờ, nhìn chung, thuật ngữ này được hiểu là việc: Nam, nữ chung sống với nhau; có thể có con chung hoặc tài sản chung.

Để khắc phục hạn chế của Luật năm 2000, Luật 2014 có đưa ra khái niệm chung sống như vợ chồng trong Điều 3 – Giải thích từ ngữ: “7. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.”

Từ quy định này, chúng ta có thể  thấy việc chung sống như vợ chồng phải hội tụ đủ hai dấu hiệu: 1.Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung; 2. Khi nam, nữ tổ chức cuộc sống chung, họ coi nhau là vợ chồng.

Thứ nhất, đối với nội dung “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung”, có thể hiểu:

+ Việc sống chung giữa hai người đồng giới không thuộc trường hợp chung sống như vợ chồng.

+ Việc sống chung của người nam, nữ có thể diễn ra công khai hoặc không công khai.

+ Việc chung sống như vợ chồng có thể là không vi phạm pháp luật (VD: trường hợp người nam và người nữ đều đã từ đủ 16 tuổi trở lên, tự nguyện); có thể là vi phạm pháp luật ( VD: một trong hai bên chưa đủ 16 tuổi; một trong hai bên hoặc cả hai bên đang trong tình trạng hôn nhân…).

+ Họ có thể có con chung, có tài sản chung…

Thứ hai, khi nam nữ tổ chức cuộc sống chung, họ “coi nhau là vợ chồng”.

Thế nào gọi là “coi nhau là vợ chồng”? Việc “coi nhau là vợ chồng” được biểu hiện ra dưới dạng hành vi như thế nào? Hay nó chỉ đơn thuần là “tình cảm”? Nếu nam, nữ tổ chức cuộc sống chung mà không “coi nhau là vợ chồng”, chỉ coi nhau là “người ở cùng”, là “bạn tình” thì quan hệ giữa họ có phải là chung sống như vợ chồng hay không?

Theo tôi, nội dung thứ hai trong khái niệm “chung sống như vợ chồng” theo quy định của Luật năm 2014 là chưa rõ ràng. Nó sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.

Lấy ví dụ, nếu chỉ 1 trong 2 bên nam, nữ yêu cầu tòa án giải quyết quan hệ tài sản của nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; bên kia không đồng ý vì không coi đây là chung sống như vợ chồng” (dù có “tổ chức cuộc sống chung” nhưng họ không “coi nhau là vợ chồng”) thì liệu tòa án có áp dụng Điều 16 (Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn) để giải quyết được không hay phải chuyển sang hướng áp dụng quy định về chia tài sản chung trong luật dân sự để giải quyết? Nếu muốn chứng minh thực tế là họ có “coi nhau là vợ chồng” vậy phải chứng minh như thế nào? Phải chăng lại cần phải có một hướng dẫn nữa của cơ quan có thẩm quyền để làm rõ thế nào là “coi nhau là vợ chồng” ?

Một thuật ngữ pháp lý nói riêng và các quy định pháp lý nói chung cần đảm bảo tính chính xác cao vì đó chính là cơ sở để áp dụng pháp luật hiệu quả. Thuật ngữ “chung sống như vợ chồng” từ năm 2000 đến nay vẫn là một nỗi băn khoăn đối với người nghiên cứu, người thực hiện pháp luật. Từ chỗ chưa có quy định trong Luật năm 2000, đến có quy định trong Luật năm 2014, thuật ngữ này có lẽ vẫn còn cần thêm thời gian để được làm rõ hơn, quy định chính xác hơn.

Ths. Lê Minh Hường

                                             Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập69
  • Hôm nay10,993
  • Tháng hiện tại498,058
  • Tổng lượt truy cập21,668,175
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây