Trên cơ sở đánh giá thực trạng xây dựng văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đề án xác định hệ thống các quan điểm và mục tiêu và giải pháp trong việc nâng cao chất lượng văn bản QPPL như sau:
1.Về quan điểm: Việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án phải quán triệt 5 quan điểm cơ bản:
– Phải thể chế hoá chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn với thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
– Nâng cao trách nhiệm của cơ quan tham mưu và chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL; định hướng công tác xây dựng và ban hành pháp luật đảm bảo trình tự, thủ tục theo Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015.
– Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng văn bản QPPL theo hướng bảo đảm số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt và kỹ năng nghiệp vụ cao. Kết hợp với phát huy sức mạnh của toàn xã hội phát huy dân chủ, tích cực tham gia đóng góp xây dựng luật.
– Khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác xây dựng văn bản QPPL của tỉnh Thái Nguyên; thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của văn bản QPPL. Xác định rõ tính hữu cơ giữa chất lượng văn bản được ban hành và việc bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản trong một chỉnh thể thống nhất.
– Các biện pháp củng cố và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không trùng lặp, chồng chéo với việc hoạch định những chương trình trong từng lĩnh vực riêng biệt đã và đang được triển khai thực hiện tại địa phương.
2. Về mục tiêu tổng quát của Đề án: xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của tỉnh Thái Nguyên đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiếp cận, thực hiện nghiêm túc và đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật phù hợp với thẩm quyền và tình hình cụ thể tại địa phương; phát huy vai trò và hiệu lực của hệ thống văn bản được ban hành theo thẩm quyền.
3. Về giải pháp: đề án đưa ra nhóm giải pháp cơ bản gồm:
– Xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách đảm bảo cho công tác xây dựng chính sách, văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh phù hợp với Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản có liên quan.
– Khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng chính sách, pháp luật; đánh giá thực trạng hệ thống văn bản QPPL ở các cấp.
– Tổ chức các hội thảo chuyên đề về công tác xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật.
– Sắp xếp, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng chính sách, xây dựng pháp luật.
– Tăng cường tập huấn, đào tạo chuyên sâu về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL.
– Tập trung kiểm tra, rà soát văn bản theo thẩm quyền; thực hiện chức năng tự kiểm tra văn bản theo quy định.
– Tổ chức thực hiện Quy chế cung cấp văn bản QPPL; kịp thời kiểm tra, rà soát, thu thập, cập nhật hệ thống văn bản QPPL cấp tỉnh trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đảm bảo phục vụ tra cứu, áp dụng, thi hành.
– Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.
Có thể thấy, Đề án nâng cao chất lượng văn bản QPPL của tỉnh nhằm tổ chức thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 có hiều quả. Thông qua triển khai thực hiện đề án, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thị Hồng Mây
Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật