C.Mác cho rằng trong quá trình trao đổi Iv (tư bản khả biến của khu vực I) lấy một giá trị tương đương của IIc (tư bản bất biến của khu vực II), thì đối với IIc, cuối cùng đã diễn ra sự thay thế hàng hóa của nhà tư bản tổng thể khu vực II bằng một giá trị tương đương của hàng hóa của nhà tư bản tổng thể khu vực I và do đó, về phía nhà tư bản tổng thể khu vực II, việc bán hàng hóa của bản thân nhà tư bản tiếp đó lại được bổ sung bằng việc mua hàng hóa của nhà tư bản tổng thể khu vực I với một giá trị ngang như thế.
Sự thay thế đó đã diễn ra; nhưng không diễn ra sự trao đổi giữa những nhà tư bản khu vực I và II trong sự chuyển hóa đó của hàng hóa của họ. IIc bán hàng hóa của nó cho công nhân của khu vực I; công nhân của khu vực I đối diện với IIc chỉ với tư cách là những người mua hàng hóa, còn IIc đối diện với công nhân chỉ với tư cách là những người bán hàng hóa, với số tiền đã thu được như vậy, IIc đối diện với nhà tư bản tổng thể khu vực I chỉ với tư cách là những người mua hàng hóa, còn nhà tư bản tổng thể khu vực I thì đối diện với họ chỉ với tư cách là người bán hàng hóa với một tổng số là Iv.(1)
Kết quả là: Chỉ có nhờ việc bán hàng hóa này mà rút cục khu vực I tái sản xuất ra tư bản khả biến của nó dưới hình thái tư bản tiền tệ. Nếu tư bản của khu vực I đối diện với tư bản của khu vực II chỉ với tư cách là người bán hàng hóa với một tổng số là Iv, thì nhà tư bản đối diện với công nhân khu vực I chỉ với tư cách là người mua hàng hóa của họ, tức là mua sức lao động của họ, và nếu công nhân khu vực I đối diện với nhà tư bản khu vực II chỉ với tư cách là người mua hàng hóa (cụ thể là với tư cách người mua tư liệu sinh hoạt), thì đối diện với nhà tư bản khu vực I, công nhân khu vực I chỉ là người bán hàng hóa, cụ thể là người bán sức lao động của họ.
C.Mác chỉ ra rằng: “muốn có thể chuyển từ tái sản xuất giản đơn sang tái sản xuất mở rộng, thì sản xuất trong khu vực I phải có khả năng chế tạo các yếu tố tư bản bất biến cho khu vực II ít hơn, nhưng lại chế tạo nhiều hơn cho khu vực I. Sự chuyển biến này - không phải lúc nào cũng không gặp khó khăn - được thực hiện dễ dàng hơn do chỗ một số sản phẩm của khu vực I có thể dùng làm tư liệu sản xuất cho cả hai khu vực. Vì vậy, nếu chỉ xét về mặt lượng giá trị, thì có thể kết luận rằng cơ sở vật chất của tái sản xuất mở rộng đã được sản sinh ra trong khuôn khổ tái sản xuất giản đơn. Đó chỉ là lao động thặng dư của công nhân khu vực I được trực tiếp dùng vào việc sản xuất tư liệu sản xuất, vào việc tạo ra tư bản tiềm thế phụ thêm của khu vực I. Vậy tư bản tiền tệ phụ thêm do các nhà tư bản A, A', A'', (khu vực I) tạo ra - do liên tục bán sản phẩm thặng dư của họ, sản phẩm thặng dư đã thu được mà không phải chi một tí tư bản tiền tệ nào - ở đây chỉ là hình thái tiền của những tư liệu sản xuất khu vực I đã được chế tạo thêm”(2)
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên nhu cầu tích lũy vốn và các nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước là vô cùng quan trọng. Nghiên cứu Bộ “Tư bản” của C.Mác (trong đó có Quyển II) giúp chúng ta có được cơ sở lý luận để đưa ra chủ trương, đường lối phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đảng ta đã đề ra.
Trong quá trình hoạt động của mỗi doanh nghiệp, hoạt động sản xuất và tái sản xuất luôn đi liền với nhau. Để có thể tái sản xuất được (dù là giản đơn hay mở rộng) thì doanh nghiệp đó vẫn cần phải có một phần cho tích lũy. Thực tế, với mỗi doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế một quốc gia nói chung, tích lũy tái sản xuất mở rộng là một tất yếu khách quan. Nếu không tích lũy và huy động nguồn lực tư bản cho quốc gia thì nền kinh tế quốc gia đó sẽ không thể phát triển và cường thịnh được. Muốn vậy, cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, trước tiên cần có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết và tính tất yếu khách quan của việc tích lũy và tái sản xuất mở rộng quy mô nền sản xuất xã hội cũng như của từng nhà sản xuất cá biệt. Có tích lũy để tái sản xuất mở rộng thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tăng cường tiềm lực kinh tế của quốc gia, cải thiện mức sống cho người lao động… Đặc biệt là với một nước có nền kinh tế lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa như Việt Nam.
Thứ hai, để có thể tái sản xuất mở rộng cần có tư bản tích lũy
Với một nhà sản xuất, muốn có tiền để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất thì cần quan tâm đến việc nâng cao năng suất lao động, tính cạnh tranh của sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ đó mới có thể thu được nhiều lợi nhuận, có điều kiện để tăng tích lũy, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất trong những năm tiếp theo. Mỗi doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất chính là cơ sở để mở rộng quy mô của nền kinh tế quốc gia. Để nâng cao năng suất lao động thì biện pháp quan trọng nhất, quyết định nhất chính là nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu tiến bộ của khoa học - công nghệ vào sản xuất; đồng thời phải nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực.
Cần tiếp tục thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo ra môi trường pháp lý bình đẳng, lành mạnh cho các thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả nhất)
Nguồn vốn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gồm 2 nguồn cơ bản sau đây:
Vốn trong nước: là cơ bản, lâu dài, quyết định (để giữ được nền kinh tế độc lập, tự chủ, là tiền đề để huy động vốn nước ngoài): có được do tăng năng suất lao động cá biệt và năng suất lao động xã hội; ngoài ra còn có được từ việc tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; tăng tích lũy từ nguồn thuế, chính sách tài chính, tiền tệ hợp lý, trái phiếu chính phủ…..Đây là nguồn vốn cơ bản, lâu dài và quyết định bởi nó có được từ nguồn nội lực trong nước, là cơ sở để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Vốn từ bên ngoài: là yếu tố quan trọng đặc biệt là trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa: cần kiện toàn hệ thống pháp luật về kinh tế đối ngoại, có các chính sách ưu đãi, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường pháp lý thông thoáng…để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Trong điều kiện tiềm lực trong nước chưa đủ lớn, cần tận dụng một cách hiệu quả những nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Đây là nguồn vốn quan trọng trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cũng cần có sự nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng các dự án đầu tư tránh gây thiệt hại hay ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và cũng tránh tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn từ nước ngoài.
Thứ ba, với một lượng vốn đầu tư nhất định phải cấu trúc nền kinh tế thế nào để tái sản xuất mở rộng quy mô nền kinh tế (tăng trưởng kinh tế theo cả chiều rộng và chiều sâu nhưng chú trọng đến chiều sâu).
Cần phân bổ nguồn vốn sao cho hợp lý giữa tiết kiệm và đầu tư, cân đối cho các mục tiêu kinh tế một cách hợp lý, tránh đầu tư dàn trải gây thất thoát, lãng phí. Tập trung phát triển mạnh các ngành và sản phẩm có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; tạo điều kiện cho tất cả các ngành, các lĩnh vực phát triển đồng thời bỏ qua một số công nghệ cũ, lạc hậu để đi thẳng vào những ngành có công nghệ cao, hiện đại phù hợp với xu thế trong nước và quốc tế. Tập trung phát triển những ngành mũi nhọn như: công nghệ thông tin, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, chế biến nông sản, năng lượng,...
Thứ tư, mặc dù việc tích lũy và tái sản xuất mở rộng diễn ra ở cả hai khu vực của nền sản xuất xã hội, song hai khu vực này cần có sự quan tâm ở mức độ không khác nhau:
+ Cần tập trung vào khu vực I (sản xuất ra tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sản xuất và sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu tiêu dùng) vì có sản xuất ra tư liệu sản xuất thì mới có thể tiến hành quá trình lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Tập trung hơn vào khu vực I không có nghĩa là dồn hết mọi sự quan tâm và nguồn lực cho khu vực này giống như chủ trương công nghiệp hóa vào những năm 60 của thế kỷ XX ở nước ta. Cho nên, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần phải vận dụng sáng tạo quy luật này để phát triển có chọn lọc một số ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
+ Tập trung vào khu vực I nhưng cũng không thể không chú ý đến khu vực II vì đây là khu vực trực tiếp sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của con người (trong khu vực II cần quan tâm đến sản xuất cả sản phẩm thiết yếu và xa xỉ nhưng sản phẩm thiết yếu phải nhiều hơn vì trong xã hội chỉ có một bộ phận tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ, phần lớn là tiêu dùng sản phẩm thiết yếu).
Lý luận về tích lũy và tái sản xuất mở rộng được C.Mác trình bày cách đây hơn một thế kỷ nhưng đến hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. C.Mác nghiên cứu về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa nhưng không có nghĩa chỉ trong chủ nghĩa tư bản mới diễn ra quá trình tích lũy và tái sản xuất mở rộng mà nó là quy luật tất yếu bất kỳ quốc gia nào cũng cần thực hiện để có thể phát triển được.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để sớm đạt được mục tiêu trở thành một nước phát triển vào năm 2045 (theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng) nên cần tích cực hơn nữa trong việc tạo lập, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước; sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Muốn tăng cường thêm nguồn vốn trong nước thì cần đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Ngoài ra cần tập trung vào các khâu đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu ha tầng). Làm tốt các giải pháp trên, chúng ta sẽ sớm xây dựng được nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội .
Lê Chí Trung
- C.Mác và Ph. Ăngghen (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, Tập 24, tr.724
2. C.Mác và Ph. Ăngghen (1994), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, Tập 24, tr.726