Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng

Thứ hai - 11/12/2023 21:54
Lợi dụng những sai lầm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của các đảng cộng sản cầm quyền các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản. Vì vậy, việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nhận thức, giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng theo Quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra: “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Chính Đảng cộng sản là một chỉnh thể thống nhất do toàn thể đảng viên hợp thành theo một nguyên tắc nhất định. Đó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này kết hợp những đảng viên phân tán thành một tổ chức, liên kết các tổ chức lại thành một chỉnh thể thống nhất, hình thành chính đảng của giai cấp vô sản đầy sức sống và sức chiến đấu. Nguyên tắc tập trung dân chủ là một nguyên tắc cơ bản của chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc.
  Nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm mục đích tập hợp lực lượng và phát huy trí tuệ của những người vô sản tiên tiến thành một chính đảng có tổ chức “chặt chẽ nhất, thống nhất nhất, tập trung nhất” để thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Đây là nguyên tắc cơ bản thể hiện bản chất của một chính đảng cách mạng chân chính, khác với các kiểu chính đảng khác.
   Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ rõ: Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, những liên minh của giai cấp công nhân cũng phát triển dần từ nhỏ lẻ trở thành những liên minh lớn hơn, những hội liên hiệp công nhân mang tính toàn quốc, có bộ máy thường trực để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của liên minh, không chỉ về mặt kinh tế mà cả chính trị, tư tưởng. Chính vì có chung lợi ích mà các công nhân đã liên kết lại với nhau để việc tổ chức “những người vô sản thành giai cấp và do đó thành chính đảng”[1]. Trong tổ chức đó, “Chế độ dân chủ vốn có của các tổ chức công liên không cho phép các ban chấp hành quyết định một vấn đề quan trọng nào mà không có sự thảo luận trước của tất cả các phân hội”[2]. Như vậy, nguyên tắc của sự tập hợp những người công nhân lại thành các liên minh, hiệp hội và thành chính đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là một đòi hỏi tất yếu của thực tiễn khách quan trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.
Cùng với sự liên minh chính trị là đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, phù hợp với mục đích, nguyện vọng, ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tất cả vì sự nghiệp giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột. Trong quá trình đó, nguyên tắc tập trung dân chủ vừa phản ánh đặc trưng của cuộc cách mạng, vừa là một phương tiện hữu hiệu để phát huy thế và lực của đông đảo quần chúng lao động phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân.
Cách mạng càng phát triển thì nguyên tắc tập trung dân chủ cũng sẽ phát triển thêm về nội dung, hình thức và phương pháp cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Khi Đảng lãnh đạo chính quyền, nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ được thực hiện trong nội bộ Đảng mà nó còn được thực hiện trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
Như vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ có nguồn gốc khách quan sâu xa, vững chắc, đó là sự thống nhất về địa vị kinh tế - xã hội và lợi ích của giai cấp công nhân, là xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giai cấp công nhân không những có khả năng tập hợp, thống nhất lực lượng của giai cấp mình, mà còn có khả năng tập hợp, thống nhất lực lượng của các giai cấp lao động và các tầng lớp quần chúng tiến bộ khác. Nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng cộng sản được xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn khách quan của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản, là một yêu cầu tất yếu của sự phát triển, tiến bộ của lịch sử.
Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo xây dựng tổ chức và mọi hoạt động của Đảng, bảo đảm cho toàn Đảng thống nhất ý chí và hành động, là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết thống nhất toàn dân tộc. Nguyên tắc này vừa tạo nên sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, vừa tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc - động lực chủ yếu để đưa cách mạng đi đến thắng lợi. Tuân thủ và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng, là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là vấn đề cơ bản bảo đảm sự tồn tại và phát triển của Đảng.
Tập trung và dân chủ trong nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng là hai phạm trù có mối quan hệ thống nhất nội tại, không tách rời nhau. Dân chủ là để phát huy trí tuệ, phát huy sức mạnh của toàn thể cán bộ, đảng viên, tạo thành trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của Đảng. Thực hành dân chủ nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Đảng, của Điều lệ Đảng, tránh dân chủ hình thức, dân chủ tự do, vô chính phủ. Tập trung là tập trung trí tuệ, sức mạnh của toàn Đảng trên cơ sở phát huy dân chủ của mỗi cán bộ, đảng viên. Tập trung bảo đảm cho sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, nâng cao vai trò và tính tiên phong của Đảng. Thực hành tập trung nhưng phải bảo đảm tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chống tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền.  
Khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định tại Điều 9, Điều lệ Đảng khoá XI với 6 nội dung như sau:
1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).
3. Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
Để thực hiện tốt các nội dung trong nguyên tắc tập trung dân chủ hiện nay cần một số giải pháp sau:
Một là, nhận thức đúng đắn và sâu sắc về nguyên tắc tập trung dân chủ
Điều kiện thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ là mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về tính tất yếu phải thực hiện nguyên tắc đó trên cơ sở tính khoa học. Vì vậy, để thực hiện tốt các nguyên tắc của Đảng nói chung và nguyên tắc tập trung dân chủ nói riêng phải trên cơ sở nhận thức tự  giác, không thụ động, có niềm tin trên cơ sở khoa học về các nguyên tắc đó thì mới có kết quả cao. Tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ vừa qua của một bộ phận đảng viên và tổ chức đảng trước hết là do nguyên nhân không nhận thức đúng đắn và đầy đủ về nguyên tắc. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với mọi đảng viên và tổ chức đảng là phải không ngừng học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc vai trò, nội dung, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ. 
Qua học tập, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc này. Mỗi tổ chức đảng và đảng viên đều phải nhận thức đúng đắn và thống nhất về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Theo đó, dân chủ phải đi đôi với tập trung; phát huy dân chủ phải đồng thời gắn liền với chống dân chủ cực đoan không tuân theo kỷ cương, phép nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ phải được thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng và trong mối quan hệ đồng bộ với các nguyên tắc khác, như tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong Đảng...
Hai là, tiếp tục hoàn thiện quy chế hoá, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng
 Cần Quy chế hoá nguyên tắc cho phù hợp chức năng, nhiệm vụ từng tổ chức Đảng, để thực hiện nghiêm túc, chống hình thức khắc phục sự lơi lỏng do trình độ nhận thức của một bộ phận cán bộ và phòng ngừa những biểu hiện cố tình vi phạm, tổ chức Đảng cần có sự  nghiên cứu, trên cơ sở phát huy dân chủ để xây dựng những quy định, quy chế bảo đảm cho nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện trên tất cả các mặt công tác về chính trị, tư tưởng, đạo dức, tổ chức và cán bộ. Cụ thể hóa các nội dung cơ bản của nguyên tắc trong Điều lệ Đảng bằng những văn bản hướng dẫn cụ thể để các tổ chức đảng và đảng viên thực hiện. Cấp ủy, tổ chức Đảng rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và liên thông với quy chế làm việc của cấp ủy cấp trên và quy định của Trung ương có liên quan; xây dựng quy chế tổ chức và quản lý sinh hoạt tư tưởng; quy trình chuẩn bị, thảo luận, thông qua nghị quyết của cấp ủy; quy định về việc xem xét, kết luận các đơn, thư khiếu nại, tố cáo...
Ba là, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật và tăng cường kỷ cương trong Đảng
Phát huy dân chủ đi đôi với giữ  vững kỷ luật và tăng cường kỷ cương thực chất là tinh thần cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ. Mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cần thường xuyên, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng lợi dụng dân chủ hoặc tập trung để mưu cầu lợi ích riêng, làm suy yếu Đảng; nêu cao tinh thần cảnh giác với sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là đối với nguyên tắc tập trung dân chủ. mở rộng dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Xây dựng các thiết chế, cơ chế cho phép phát huy thật sự mạnh mẽ dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Đồng thời, với mở rộng dân chủ, phải củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải nghiêm túc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng.
Bốn là, thực hiện tốt chế độ tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, đề cao, phát huy vai trò của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với giữ vững và chủ động, tích cực phòng, chống tình trạng xa rời nguyên tắc này. Làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Xử lý nghiêm, kịp thời những tổ chức đảng và đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những hành vi dung túng, bao che cho khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; công khai kết quả xử lý. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống... Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước, các đơn vị kinh tế và các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm.

 Đặng Triệu Hùng

 

 


[1] Lênin, Toàn tập, tập 4, tr.609.

[2] SĐD, tập 16, tr.728.

 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập103
  • Hôm nay25,340
  • Tháng hiện tại536,546
  • Tổng lượt truy cập21,018,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây