Sự khởi sắc của một nghị quyết về công tác dân tộc

Thứ năm - 13/07/2023 22:34
Ngày 30 tháng 10 năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính Trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đây là chủ trương lớn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc theo tinh thần nội dung kết luận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 04, ngày 14/7/2021, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về công tác dân tộc đã được nâng lên. Các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cả hệ thống chính trị quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả rõ nét.
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Tăng cường đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bám sát cơ sở, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, lắng nghe ý kiến, nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, chủ động định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phòng chống những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tạo điều kiện phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ đạo các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, rà soát, bổ sung, cân đối nguồn lực để triển khai các chương tình mục tiêu quốc gia; vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên; quan tâm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Thứ hai, đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá.. Hết năm 2022, có 82% số xã vùng dan tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn (82/100), 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 92%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 là 4,35% (giảm 1,79% so với năm 2021), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 8,57% giảm hơn so với năm 2021 là 3,36%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%; tỷ lệ gia đình văn hóa trên 93%; xóm, làng, tổ dân phố văn hóa trên 94%...
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, ổn định đời sống của Nhân dân được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Trong 02 năm (2021 - 2022), toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP được công nhận mới, xếp hạng từ 03 sao trở lên. Năm 2022, toàn tỉnh có 173 sản phẩm OCOP, trong đó: có 119 sản phẩm sản phẩm OCOP của 66 chủ thể được công nhận từ 3 sao trở lên thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác, tổng hợp tư liệu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Đến nay, 17 di sản tiêu biểu của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 01 di sản được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đó là Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái.
Thứ ba, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực người DTTS dần bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ, chất lượng theo quy định. Hiện nay tỷ lệ cán bộ công chức cấp xã vùng dân tộc thiêu số có trình độ cao đẳng, đại học là 92,4%. Trong đó: Tỷ lệ cán bộ công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên là 84,9%; tỷ lệ cán bộ công chức cấp huyện có trình độ đại học trở lên là 100%. Tỷ lệ cán bộ công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy là 9,3%; tỷ lệ cán bộ công chức cấp huyện người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy là 18,9%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cấp tỉnh tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị là 18,4%; cấp huyện là 23,9%; cấp xã là 31,8%.
Thứ tư, việc phát triển các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc và miền núi được quan tâm. Hiện tại 6/6 trường nội trú đã được đầu tư xây dựng, mở rộng nâng cấp, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 8,03%. Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, hiện trên địa bàn tỉnh số lượng trường, lớp học được xây dựng kiên cố là 683/683 trường, đạt tỷ lệ 100%, trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90,3%; toàn tỉnh có 598/683 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia (đạt 87,55%), trong đó có 5/6 trường phổ thông dân tộc nội trú (đạt 83,33%) và 4/10 trường phổ thông dân tộc bán trú đạt chuẩn quốc gia (đạt 40%).
Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động, các cuộc vận động về cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phối hợp triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; quan tâm phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trong 2 năm (2021, 2022), toàn tỉnh đã vận động, huy động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được 292 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.158 nhà ở cho các hộ nghèo.
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các lực lượng theo đúng kế hoạch; tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ các cấp bảo đảm an toàn, chất lượng; công tác tuyển quân được thực hiện nghiêm túc, đạt 100% chỉ tiêu; ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, không xảy ra các điểm nóng liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Phát huy vai trò và của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 14/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thời gian tới, công tác dân tộc cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU gắn với  triển khai, thực hiện các văn bản của cấp ủy, chính quyền các cấp về dân tộc và công tác dân tộc.
Thứ hai, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khoẻ, đời sống cho nhân dân. Phát động tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Thứ ba, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Coi trọng công tác phát triển đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, xã hội vùng dân tộc và miền núi

Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời phát hiện ngăn chặn giải quyết tốt các vấn đề tồn tại, bức xúc, phát sinh liên quan đến công tác dân tộc ngay từ cơ sở.
 Thứ năm, tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác dân tộc. Phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong cộng đồng, hướng dẫn đồng bào hưởng ứng, tích cực tham gia có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào ở địa phương, từng bước nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc.
Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân tộc, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu.

Nguồn tài liệu:
       1. Báo cáo số 363-BC/TU, ngày 30 tháng 6 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương và 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”
       2. Báo cáo số 364-BC/TU, ngày 30 tháng 6 của của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 14/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

 
Lê Viết Chung
Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm114
  • Hôm nay14,450
  • Tháng hiện tại540,125
  • Tổng lượt truy cập21,022,518
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây