Tỉnh Uỷ Thái Nguyên - Trường Chính Trịhttp://truongchinhtrithainguyen.gov.vn/uploads/banners/logo.png
Thứ sáu - 14/07/2017 00:14
Nâng chất lượng dạy học là mục tiêu chung của ngành giáo dục và cũng là mục tiêu của hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc nâng cao chất lượng dạy và học luôn đòi hỏi có sự đồng bộ của nhiều nhân tố liên quan đến quá trình dạy và học, trong đó phương pháp giảng dạy có vai trò rất quan trọng.
Hiện nay, có nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau có thể mang lại hiệu quả tốt trong giảng dạy lý luận chính trị như thuyết trình, hỏi đáp, làm việc nhóm, lấy ý kiến ghi lên bảng, tình huống, chuyên gia, đàm thoại… Ở bài viết này tôi xin đề cập đến một số vấn đề về phương pháp đàm thoại. Khi bàn về phương pháp đàm thoại cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí hiểu sai về phương pháp này, có ý kiến đồng nhất phương pháp đàm thoại với hỏi đáp, phỏng vấn, tọa đàm,... Với thực tiễn quá trình nghiên cứu và giảng dạy, tôi xin đưa ra cách hiểu của mình về phương pháp đàm thoại trong giảng dạy chính trị để cùng trao đổi, làm rõ.
Chính trị là khái niệm phức tạp, tuy nhiên cũng có thể hiểu chính trị là toàn bộ hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; việc thực hiện công việc chung của đảng, nhà nước trong thực tiễn. Do đó, có thể hiểu giảng dạy chính trị là việc giảng viên sử dụng phương pháp, phương tiện giảng dạy truyền thụ tri thức chính trị đến học viên. Hay nói cách khác, nhiệm vụ người giảng viên chính trị là sử dụng phương pháp, phương tiện giảng dạy truyền thụ tri thức chính trị đến học viên có hiệu quả.
Để đạt được hiệu quả, người giảng viên phải sử dụng phương pháp phù hợp (phù hợp nội dung, đối tượng học viên, điều kiện, lượng tri thức) và kỹ năng của giảng viên, phương tiện cần thiết (các công cụ cần thiết cho việc sử dụng phương pháp đó có hiệu quả tốt) để truyền thụ tri thức chính trị đến học viên (học viên nắm chắc hệ thống tri thức truyền thụ, có niềm tin vào tri thức và thực hành tốt).
Để đạt được hiệu quả trên, về mặt lý luận và thực tiễn giảng dạy của bản thân, tôi nhận thấy phương pháp đàm thoại có thể đáp ứng được nhiệm vụ này. Tuy nhiên khi sử dụng phương pháp đàm thoại, theo tôi người giảng viện cần nắm chắc các nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, về khái niệm và phân loại đàm thoại.
Phương pháp này hiện nay cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng tựu chung phương pháp đàm thoại được hiểu là phương pháp giảng viên căn cứ vào nội dung bài học sử dụng ngôn ngữ đặt ra câu hỏi (chủ đề) cho học viên suy nghĩ, trả lời, trao đổi nhằm làm sáng tỏ vấn đề, tìm ra những tri thức mới; củng cố, mở rộng, đào sâu những tri thức đã tiếp thu, từ đó tổng kết, hệ thống hóa tri thức đã học. Phương pháp đàm thoại được chia thành các loại sau: - Đàm thoại tái hiện: Ở hình thức đàm thoại này, giảng viên đặt ra những câu hỏi yêu cầu học viện nhớ lại kiến thức đã biết và trả lời dựa vào trí nhớ, không cần suy luận. - Đàm thoại giải thích minh hoạ: Đây là hình thức đàm thoại nhằm mục đích làm sáng tỏ một vấn đề nào đó, giảng viên lần lượt nêu ra những câu hỏi kèm theo những ví dụ minh hoạ để giúp học viên dễ nhớ, dễ hiểu. (phương pháp này đặc biệt có hiệu quả khi có sự hỗ trợ của các phương tiện nghe nhìn).
- Đàm thoại tìm tòi - phát hiện (đàm thoại ơrixtic): Hình thức đàm thoại này là việc giảng viên tổ chức cuộc trao đổi ý kiến, kể cả tranh luận giữa giảng viên và cả lớp, có khi giữa giảng viên với học viên, thông qua đó học viên ôn lại tri thức cũ và hình thành các tri thức mới. Việc đàm thoại bắt đầu từ hệ thống câu hỏi của giảng viên đưa ra, các câu hỏi này mang tính chất nêu vấn đề để buộc học viên phải cố gắng phát huy trí tuệ, tự lực tìm lời giải đáp. Như vậy, thông qua hình thức đàm thoại này, học viên không những nắm vững được nội dung trí thức đã học mà còn học được tri thức mới cùng phương pháp nhận thức và cách diễn đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ. Ở hình thức đàm thoại này giảng viên đóng vai trò là người tổ chức, học viên là người tự lực ôn lại tri thức đã học và phát hiện tri thức mới. Thứ hai, về ưu điểm và nhược điểm - Về ưu điểm: Đây là phương pháp hiệu quả để điều khiển hoạt động tư duy của học viên, kích thích tính tích cực hoạt động nhận thức, bồi dưỡng cho học viên năng lực diễn đạt, thuyết trình trước đám đông, giúp giảng viên thu hút được tín hiệu ngược từ học viên một cách nhanh chóng để kịp thời điều chỉnh hoạt động của mình, ít tốn kém, có thể áp dụng với lớp đông học viên và các buổi thảo luận trên lớp. - Về nhược điểm: Dễ làm mất thời gian, ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch bài giảng, nếu giảng viên áp dụng không tốt có thể biến đàm thoại thành cuộc tranh luận giữa giảng viên và và học viên, giữa các thành viên của lớp với nhau. Thứ ba, về các bước tiến hành
Để tiến hành sử dụng phương pháp này đúng cách và hiệu quả thì giảng viên cần thực hiện theo các bước cơ bản sau: - Nêu chủ đề, câu hỏi đàm thoại: Giảng viên đưa chủ đề, câu hỏi trước hoặc chủ đề, câu hỏi trực tiếp trên lớp, nội dung liên quan đến chủ đề và câu hỏi phải đảm bảo yêu cầu học viên đã được truyền thụ - đã có tri thức cơ sở; Chủ đề đưa ra phù hợp, vừa sức, sát nội dung tri thức truyền thụ; Câu hỏi, vấn đề đưa ra là vấn đề mở, có nhiều hướng tiếp cận, có sự thảo luận về tri thức. - Định thời gian cho học viên chuẩn bị: Giảng viên cho học viên chủ đề, câu hỏi trước ở nhà thì không cần thời gian suy nghĩ trên lớp. Nếu giảng viên cho chủ đề câu hỏi trực tiếp thì căn cứ vào tổng thời gian đàm thoại, nội dung kiến thức cần đàm thoại để định thời gian cho học viên suy nghĩ, chuẩn bị. - Đàm thoại về chủ đề: Học viên trả lời theo nội dung đã chuẩn bị, giảng viên bình luận, phân tích, hỏi ý kiến học viên khác (giảng viên phải tạo ra được không khí sôi nổi, tích cực trong đàm thoại). Ghi nhớ lại nội dung đàm thoại của học viên (giảng viên có thể tự ghi hoặc nhờ học viên ghi ý kiến đó lên bảng – làm căn cứ đánh giá, tổng kết ). - Giảng viên đánh giá, đưa ra kết luận chủ đề đàm thoại: Trước hết giảng viên tập trung vào đánh giá về tinh thần, thái độ tham gia của học viên trong đàm thoại. Đánh giá về nội dung tri thức của học viên, nếu nội dung tri thức đã rõ ràng thì giảng viên có thể kết luận khái quát, còn nội dung chưa rõ thì cần định hướng nghiên cứu tiếp theo cho học viên ở các buổi học tiếp theo. Thứ tư, về một số lưu ý khí áp dụng phương pháp đàm thoại. - Muốn giảng dạy tốt, áp dụng phương pháp có hiệu quả trước hết giảng viên phải nắm chắc kiến thức, phương pháp, phương tiện khi đàm thoại.
- Giảng viên phải biết chủ động chọn nội dung đàm thoại là tri thức trọng tâm, không nên đưa nhiều nội dung đàm thoại trong một buổi đàm thoại.
- Giảng viên phải linh hoạt trong việc duy trì buổi đàm thoại, sử dụng câu hỏi định hướng làm rõ nội dung đàm thoại.
- Giảng viên chủ động trong điều hành đàm thoại - làm chủ nội dung đàm thoại, không để học viên tranh luận công kích lẫn nhau, lệnh hướng nội dung đàm thoại và luôn chủ động về thời gian.
Về mặt lý thuyết, các phương pháp giảng dạy đều phát huy được vai trò tốt trong giảng dạy, sự khác biệt giá trị của các phương pháp là ở năng lực của người sử dụng nó. Phương pháp đàm thoại cũng vậy, phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao cho giảng viên khi áp dụng nó một cách đúng đắn, hợp lý. Sự đúng đắn, hợp lý đó về cơ bản phụ thuộc vào khả năng nắm bắt tốt chuyên môn, nghiệp vụ của từng giảng viên, sự hợp lý ấy xét đến cùng phụ thuộc vào lượng chuyển hóa tri thức chuyên môn thành bài giảng và khả năng sử dụng phương pháp của từng giảng viên một cách đúng, đủ, sáng tạo trong từng bài giảng trên lớp.
Th.S Nguyễn Thành Chung
Giảng viên Khoa Lý luận Mác-LêNin, tư tưởng Hồ Chí Minh