Quan điểm của Khổng Tử về nhiệm vụ của người thầy

Thứ năm - 16/11/2023 19:59
Khổng Tử (551-479TCN) tên là Khâu, tự Trọng Ni, người ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay), ông là một nhà tư tưởng lỗi lạc, đứng đầu trường phái Nho gia dưới thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Quan điểm về đào tạo, giáo dục con người của ông đã đặt cơ sở cho sự nghiệp giáo dục của xã hội phong kiến phương Đông sau này. Nghiên cứu quan điểm của Khổng Tử về nhiệm vụ của người thầy không những giúp chúng ta hiểu biết những tư tưởng làm nên sự nghiệp giáo dục dưới thời phong kiến mà còn hiểu được ý nghĩa của chúng đối với sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Khổng Tử cho rằng, tác dụng của người thầy là hướng dẫn học trò tự học, Ngoài quá trình tự học là quá trình học trong sự tương tác thầy trò. Ở đó, người thầy chỉ cần làm các công việc: chỉ cho học trò biết phương pháp học tập, gợi ý để học trò suy nghĩ, giải đáp thắc mắc cho học trò chứ không phải là nhồi nhét tri thức cho học trò mình. Người thầy không phải là người thợ dạy sách, học trò không phải là cái giá đựng sách. Quá trình dạy và học là một quá trình giao lưu trao đổi, thông suốt, thế mới có thể bồi dưỡng nên những học trò có kiến thức, biết tự lập, ứng phó được với mọi hoàn cảnh.
Một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là truyền đạt kiến thức cho học trò. Điều đó là đúng nhưng vấn đề là truyền đạt như thế nào, truyền đạt tri thức gì. Khổng Tử ghét những ông thầy chỉ biết tri thức trong sách hiện có mà không cung cấp thêm chút ít tư tưởng gì của mình cho học trò; học trò chỉ biết ghi chép lời của thầy. Phương pháp truyền thụ ý tưởng của Khổng Tử là: tri thức do học trò tự mình học lấy, tốt nhất như trường hợp Nhan Hồi học một biết mười, nếu không được như thế thì bất cứ vấn đề gì trước khi chấp nhận cũng phải có sự suy nghĩ của bản thân, phải có tư duy tích cực đối với lời thầy dạy, cũng như đối với sách vở của tiền nhân. Trong quá trình học tập của học trò, người thầy phải giúp họ có những phương pháp học tập hợp lý, có tư duy tích cực, giải đáp thắc mắc cho học trò, khiến việc học tập trở thành một hoạt động tư duy chủ động, hứng thú. Do những tư tưởng trên mà Khổng Tử trở thành người thầy mẫu mực trong mấy nghìn năm lịch sử.
Khổng Tử được tôn xưng là “người thầy gương mẫu của muôn đời” (vạn thế sư biểu). Điều đó, khẳng định sự cống hiến lớn lao của Khổng Tử trong lĩnh vực giáo dục. Xã hội biến đổi, quan niệm về giáo dục cũng biến đổi theo. Lịch sử Trung Quốc đến thời Khổng Tử thì cách giáo dục, cách đào tạo, quan niệm về giáo dục, đào tạo đã có một bước ngoặt to lớn. Nói cách khác, Khổng Tử đã mở ra một nền giáo dục mới, khác về chất so với thời trước ông. Khổng Tử tiếp thu truyền thống nhà Chu, như ông từng khẳng định “Ngô tòng Chu” (ta theo nhà Chu), song ông đã tạo ra một phương pháp giáo dục mới, mà cái mới đó phụ thuộc vào chính nội dung giáo dục, cũng tức là nội dung học thuyết của Khổng Tử.
Học thuyết của Khổng Tử không biểu lộ rõ ý nghĩa của việc giáo dục, song thông qua một số đoạn trong tác phẩm Luận Ngữ , thông qua các khái niệm “giáo” (dạy dỗ), “học” (học tập), “hối” (dạy, đào tạo),... chúng ta có thể thấy được cái ý nghĩa bao hàm trong đó. Luận Ngữ còn chép lại: Khổng Tử nói rằng: Học thường xuyên luyện tập, há chẳng vui thích lắm sao?(1). “Tử Hạ nói: Chuộng người hiền thay vì chuộng sắc đẹp, thờ cha mẹ hết sức mình, liều thân để thờ vua, chơi với bạn bè nói ra câu nào cũng giữ chữ tín, người như thế dẫu có nói là chưa hề học hỏi, ta cũng bảo rằng đã có học rồi vậy”(2). Rõ ràng ở đây, học không chỉ là nghiên cứu học vấn, cái quan trọng hơn là hành vi thiện, là đạo đức, tức là chú trọng đến hành động thực tiễn. Khổng Tử nói: “Các đệ tử khi vào phải hiếu với cha mẹ, phải kính nhường người lớn tuổi, làm việc phải cẩn thận và giữ chữ tín, thương yêu mọi người mà thân với người thân. Làm những việc đó có dư sức mới mới dành cho việc học văn chương”(3). Từ đó có thể thấy việc học phải lấy đức hạnh làm trọng yếu. Khổng Tử nói: “Người quân tử học rộng về văn chương, ước thúc bằng lễ, cũng khả dĩ không trái đạo chăng”(4). Người quân tử rất hiểu biết về văn chương, học vấn, song họ dùng lễ làm quy phạm để ước thúc hành vi cho chính bản thân mình, từ đó lễ với văn mới đồng hành được, mới không trái với đạo.
Khái quát lại quan điểm của Khổng Tử “học” có ba nghĩa: một là, mang nghĩa đọc sách; hai là, mang nghĩa học tập cầu tri thức và ba là, mang nghĩa hành vi thiện. Nói tóm lại, học tức là hiểu biết để hành động.
Về khái niệm “giáo”, Luận ngữ có viết: “Quý Khang Tử hỏi: khiến dân biết cung kính, trung thành, để khuyến thiện, nên như thế nào?. Khổng Tử đáp: “Đối xử với dân bằng cách trang nghiêm, ắt dân cung kính, nêu gương hiếu từ (hiếu với cha mẹ và từ ái với các con) ắt dân biết trung thành, cất nhắc người thiện mà giáo hóa người kém cỏi, ắt dân rủ nhau làm điều lành”(5). Giáo ở đây mang nghĩa dạy bảo, giúp đỡ. Khổng Tử nói rằng: “Nhà cầm quyền khéo dạy dân trong bảy năm cũng có thể khiến dân chiến đấu”, “Không huấn luyện mà bắt dân ra chiến đấu, ấy là bỏ dân (chết oan) vậy”. Việc dạy dỗ không phân biệt loại người, không chỉ dạy dỗ văn chương mà dạy dỗ nhiều mặt, “giáo” trên mọi lĩnh vực, cả đức, trí, thể, mỹ.
Như vậy, chúng ta nhận thấy, trong lý luận giáo dục của Khổng Tử, “giáo” là lấy người khác làm đối tượng, “hối” là lấy cá nhân làm đối tượng. Hai khái niệm đó đồng nghĩa với nhau nhưng đối tượng của chúng khác nhau. Nhận thức của Khổng Tử về giáo dục là phải làm sao để cho người khác đạt được đạo lý, cầu được tri thức, tu dưỡng đức hạnh, tích cực hành đạo, tức là đạt được tinh thần “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”. Nói cách khác, ý nghĩa to lớn nhất của giáo dục là cải thiện, bồi dưỡng cho được nhân tính. Một trong những mục tiêu giáo dục cao nhất của Khổng Tử là bồi dưỡng nhân cách của một người trở thành người quân tử. Khổng Tử cho rằng, con người bắt buộc phải có sự hấp thu giáo dục thì mới có thể có được nhân tính tốt đẹp một cách hoàn thiện. Một người dù thông minh tài trí đến đâu mà không có sự giáo dục thì cũng rất khó có được một nhân cách hoàn chỉnh, có thể thành nhân tài hữu dụng cho xã hội.
Có thể nói quan điểm của Khổng Tử về giáo dục nói chung và nhiệm vụ của người thầy nói riêng mặc dù còn có những hạn chế về mặt lịch sử, nhưng quan điểm giáo dục đó là bức tranh phác thảo đa dạng cho thế hệ sau chắt lọc, tiếp thu, phát triển. Không có một dân tộc nào có thể phát triển khi họ xem thường truyền thống của mình. Chính cái truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại sẽ tạo tiền đề cho quá trình phát triển của dân tộc ấy trong tương lai. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là nét đặc trưng nổi bật tạo nên những giá trị của nền văn hóa, nền giáo dục của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.
Nguyễn Văn Tuấn

[1], [2] [3] [4] [5]. Xem: Chu Hi: Tứ thư tập chú, Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998, tr.196, 202, 201, 338, 231.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập101
  • Hôm nay37,643
  • Tháng hiện tại95,477
  • Tổng lượt truy cập17,059,810
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây