Tỉnh Uỷ Thái Nguyên - Trường Chính Trịhttp://truongchinhtrithainguyen.gov.vn/uploads/banners/logo.png
Thứ ba - 19/12/2017 04:08
Xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp cơ sở, nơi trực tiếp thực hiện và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ cấp xã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển đất nước.
Ở những vùng dân tộc và miền núi, đội ngũ cán bộ cấp xã người dân tộc thiểu số có vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong tình hình hiện nay. Xuất phát từ vị trí chiến lược của miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu cấp xã số cả về số lượng và chất lượng.
Văn kiện Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đặt ra mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào các dân tộc “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của địa phương, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh”[1]
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh cần phải nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Trong đó để thực hiện tốt việc đổi mới công tác cán bộ, phải: “Tăng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ”[2].
Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ với 8 dân tộc chủ yếu sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. Toàn tỉnh có 180 xã, phường, thị trấn trong đó có 124 xã vùng cao, miền núi với hơn 300.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 27% dân số toàn tỉnh. Thực hiện theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới”, đội ngũ cán bộ cấp xã người DTTS trong toàn tỉnh đã được bố trí, sắp xếp phù hợp với quy định. Theo số liệu thống kê đến 31/12/2016 đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong toàn tỉnh là 3651 người, trong đó cán bộ, công chức cấp xã người DTTS là 1116 người, chiếm 30,6%.
Đội ngũ cán bộ cấp xã người DTTS tỉnh Thái Nguyên có vai trò quan trọng trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của toàn tỉnh. Trong những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã người DTTS trên địa bàn tỉnh, đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. Trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp mang tính đột phá vào những khâu trọng yếu mang tính đặc thù của công tác cán bộ thì cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị về vai trò của cán bộ cấp xã người DTTS trong giai đoạn hiện nay. Đó là: Thứ nhất, cán bộ cấp xã người DTTS là người góp phần xây dựng và trực tiếp tổ chức cho nhân dân, nhất là đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cấp xã. Sinh ra, lớn lên từ cộng đồng các DTTS, hơn ai hết, cán bộ cấp xã người DTTS thấu hiểu đặc điểm tình hình vùng miền, phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng, thế mạnh và cả điểm yếu của đồng bào DTTS. Vì vậy họ có thể đóng góp nhiều ý kiến vào cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp trên trong xây dựng chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào DTTS đoàn kết, đồng lòng thực hiện chủ trương, chính sách đó. Đồng thời, họ cũng là người phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đồng bào đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách cũng như tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày một tốt hơn. Thứ hai, cán bộ cấp xã người DTTS là người có ảnh hưởng quan trọng, tích cực đối với cộng đồng DTTS. Trong công tác, cán bộ người DTTS là người lãnh đạo, quản lý, khi về với cuộc sống gia đình, với khu dân cư, họ là những người có uy tín trong gia đình và cộng đồng. Ý kiến của họ có sức thuyết phục, hành động của họ có thể lôi cuốn, lan tỏa rộng. Bởi vậy, trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới... sự đi đầu gương mẫu của họ là tấm gương cho cả cộng đồng noi theo. Tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp sản xuất kinh doanh mới, lối sống tuân thủ pháp luật, ý thức cầu thị, tự vươn lên... được lan tỏa trong đời sống cộng đồng DTTS chính nhờ một phần lớn từ đội ngũ cán bộ này.
Ở không ít địa phương người DTTS chiếm gần như 100% dân số, cán bộ cấp xã người DTTS là lực lượng phá vỡ lối sống khép kín của đồng bào. Với kinh nghiệm công tác, với tầm nhận thức cao hơn, nhất là có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cấp xã người DTTS rất có ưu thế khi tiếp cận, giải thích và vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục, tâm lý dễ bị kích động bởi những yếu tố cực đoạn xuất hiện, bị kẻ xấu kích động dẫn đến chống phá, gây rối, vi phạm pháp luật. Thứ ba, cán bộ cấp xã người DTTS tạo nên sự cân bằng, hài hòa về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đối với những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, việc bố trí cán bộ cấp xã người DTTS với những chức danh phù hợp với thế mạnh của họ, nơi ấy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
Để phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp xã người DTTS trong giai đoạn hiện nay, cần:
- Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở cơ sở về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã là người DTTS trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã là người DTTS.
- Cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới trong công tác cán bộ người DTTS. Từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến công tác quy hoạch, sắp xếp vị trí công tác phù hợp với trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, đảm bảo tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ cấp xã người DTTS phát huy hết khả năng, sở trường công tác thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò và nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã người DTTS. Việc tuyên truyền không chỉ được thực hiện trong hệ thống chính trị mà còn tuyên truyền trong quần chúng nhân dân. Bởi chính người dân, từ tín nhiệm của mình để bỏ phiếu, bầu đội ngũ cán bộ cấp xã là người DTTS có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
- Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ cấp xã người DTTS về sự cần thiết phải học tập, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp công tác, tu dưỡng đạo đức cách mạng để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ tốt hơn. Từ đó, từng cán bộ cấp xã người DTTS đề cao trách nhiệm chính trị, tinh thần tự giác trong tự học tập, bồi dưỡng năng lực công tác, trình độ chuyên môn để thực sự xứng đáng với vị trí, vai trò của mình.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã người DTTS trong sạch, vững mạnh là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, qua đó giúp tăng cường mối quan hệ, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.17
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.206