Tìm hiểu phép biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 17/11/2017 20:52
Suy luận biện chứng xuất hiện ở Châu Âu dưới ngòi bút của Hêghen được trình bày hoàn chỉnh có hệ thống, hoàn toàn dựa vào phương pháp suy luận biện chứng. Sau đó, dưới hình thái biện chứng duy vật của Mác và Ăngghen đã dần trở thành phương pháp luận khoa học đúng đắn. Vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX các vị lãnh tụ đều khẳng định mình vận dụng tư duy biện chứng với những quan điểm khác nhau, trong đó có Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh là một nhân vật lỗi lạc đã để lại dấu ấn của mình vào lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX.  Người đã thể hiện tư duy biện chứng của mình một cách giản dị, gần gũi với đời thường qua phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt, phong cách diễn đạt của Người.
Hồ Chí Minh tự nhận mình là người học trò nhỏ của các nhà hiền triết vĩ đại của nhân loại như Khổng Tử, Mác, Giê su, Tôn Dật Tiên. Những người thầy với tư tưởng bác ái vì con Người. Cũng chính vì xuất phát từ tấm lòng yêu thương đối với con người, Người nhận thức một cách sâu sắc giá trị trong tư tưởng của các bậc hiền triết trong lịch sử, đặc biệt là chủ nghĩa Mác – Lênin. Chính vì vậy, thế giới quan của Người là thế giới quan duy vật biện chứng. Dù Người chưa bao giờ nhận mình là nhà khoa học, cũng không để lại các tác phẩm triết học như “Hệ tư tưởng Đức”, “Luận cương Phoiơbắc”, “Biện chứng cuả tự nhiên”, “Bút ký triết học”,… nhưng Hồ Chí Minh sống trong thời đại đã có chủ nghĩa Mác – Lênin soi sáng và Người đã tiếp thu đồng thời đem tinh túy, sâu sắc của chủ nghĩa Mác – Lênin diễn đạt thành những điều cụ thể để nhân dân dễ hiểu, dễ làm. Rõ ràng phải có một tư duy lỗi lạc tầm cỡ vĩ nhân như Hồ Chí Minh cùng với năng lực hoạt động thực tiễn tuyệt vời mới có thể chuyển hóa thành triết học của cuộc sống, giới thiệu một thế giới quan duy vật biện chứng để mọi người ở nhiều tầng lớp, trình độ khác nhau đều có thể hiểu được.
          Hồ Chí Minh không viết một tác phẩm riêng biệt nào hay một bài luận nào về phép biện chứng, song phương pháp biện chứng duy vật là phương pháp cơ bản nhất trong lí luận và trong toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Phương pháp biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa tư tưởng biện chứng trong triết học Mácxit với triết học phương Đông và Phương Tây giữa quá khứ và hiện tại. Đó cũng không phải là sự vận dụng từng nguyên lý, quy luật hay phạm trù của một hệ thống triết học riêng biệt mà chính là sự vận dụng tổng hợp các lí thuyết, các kinh nghiệm được đúc kết tạo thành các quan điểm nhất quán trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người.
          Nhờ nắm bắt được cốt lõi của phép biện chứng duy vật, Hồ Chí Minh đã phát hiện được điểm chung do đó đã giải quyết thành công các vấn đề kết hợp các mặt đối lập trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… Có thể nói, việc lãnh đạo cách mạng của Hồ Chí Minh đã được nâng lên mức nghệ thuật, thể hiện ở khả năng và tài nghệ tập hợp, lãnh đạo quần chúng lại để trở thành những tổ chức cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ, những tổ chức hoạt động tích cực, tự giác với nhận thức rõ ràng về mục đích chiến đấu của mình.
          Đối với Hồ Chí Minh, phương pháp biện chứng được thể hiện trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, là sự linh hoạt, mềm dẻo, ứng đối kịp thời đối với mọi tình huống để tận dụng mọi điều kiện, hoàn cảnh, tạo thế và lực cho cách mạng để đưa cách mạng đến thành công. Đặc biệt là nghệ thuật phân tích và giải quyết mâu thuẫn, là sự thể hiện nhất quán quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển, quan điểm lịch sử cụ thể và quan điểm kế thừa.
Vận dụng tài tình quy luật mâu thuẫn để lãnh đạo cách mạng, trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, Người đã xác định đúng hai mâu thuẫn của xã hội Việt Nam lúc đó. Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam, tổ quốc Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa quần chúng lao động với giai cấp địa chủ phong kiến. Đây là mối mâu thuẫn dân tộc, giai cấp. Từ việc xác định mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc đó, từ đó, Người xác định đúng chiến lược, nhiệm vụ của cách mạng lâu dài của cách mạng. Còn trong từng giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh đã xác định đúng đắn mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn nổi lên hàng đầu và xác định đúng sách lược, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, tập hợp sức mạnh của đông đảo quần chúng để tiến hành cách mạng. Hồ Chí Minh đã nhạy bén, linh hoạt trong việc phát hiện, nắm bắt và giải quyết mâu thuẫn. Chính thời kỳ chuẩn bị và tiến hành cách mạng tháng 8 - 1945 và thời kỳ sau cách mạng tháng 8 trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" là biểu hiện rõ nét và đậm đà trong lịch sử cách mạng nước ta về nghệ thuật sử dụng mâu thuẫn và nắm bắt thời cơ của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quy luật mâu thuẫn của phép biện chứng duy vật không chỉ được Hồ Chí Minh sử dụng để đề ra chiến lược cách mạng mà còn để xác định phương pháp cách mạng khoa học. Người viết căn dặn: Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu thuẫn đó. Phải phân tích rõ ràng có hệ thống, ở cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết.        Hồ Chí Minh chú ý đến mâu thuẫn và Người thường căn dặn các cán bộ khi có việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra phải nghiên cứu cho rõ cái gốc đó. Phải phân tích rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn không cơ bản; mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn không chủ yếu; mâu thuẫn đối kháng, mâu thuẫn không đối kháng và phải đề ra cách giải quyết. Đó là nguyên tắc hoạt động của Hồ Chí Minh, là quan điểm của Người về vai trò của mâu thuẫn.  
          Phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác đã chỉ dẫn cho Hồ Chí Minh mối quan hệ tương hỗ giữa cái riêng và cái chung, giữa dân tộc và nhân loại, truyền thống và hiện đại, dân tộc và tộc người, cá nhân và xã hội, lí luận và thực tiễn trong quá trình phát triển. Người thấy rõ nguyên tắc căn bản của phương pháp biện chứng  Mácxit là thống nhất giữa lí luận với thực tiễn. Người viết: “Trong khi nhấn mạnh sự quan trọng của lí luận, đã nhiều lần đồng chí Lênin nhắc đi nhắc lại rằng lí luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lí luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lí luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động…Phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác – Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc từng nơi”[1]. Do vậy, theo Người: “ Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”[2]. Như vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được Hồ Chí Minh hiểu trên tinh thần biện chứng. Thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Nghĩa là thực tiễn, lý luận cần đi cùng nhau, hỗ trợ cho nhau, bổ sung cho nhau. Hồ Chí Minh căn dặn: Học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng.
Như vậy, cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh là triết lý biện chứng duy vật. Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn triết lý ấy với tinh hoa của nền văn hóa phương Đông và phương Tây, với thực tiễn Việt Nam và thế giới. Cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà hạt nhân là thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta.  
 
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, t8, tr 496
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, t11, tr 461
Nguyễn Thị Giang
Khoa Nhà nước và Pháp Luật

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập150
  • Hôm nay15,902
  • Tháng hiện tại422,824
  • Tổng lượt truy cập16,371,909
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây