Tháng 01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xây dựng đời sống mới. Ngày 3/4/1946, Người ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Trung ương vận động đời sống mới. Tháng 3/1947, Người viết cuốn sách “Đời sống mới” để hướng dẫn việc xây dựng đời sống mới trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội. Đặc biệt, cuộc vận động ngay sau đó trở thành một phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp ngay cả lúc cách mạng mới thành công và nhân dân ta phải đi ngay vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hết sức khốc liệt, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn. Quan điểm xây dựng đời sống mới thực sự là một quan điểm rất độc đáo của Hồ Chí Minh về văn hóa.
Khái niệm “Đời sống mới” được Hồ Chí Minh nêu ra bao gồm cả “đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới”. Ba nội dung ấy, có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu. Đạo đức gắn liền với lối sống và nếp sống. Chính vì vậy, việc xây dựng đạo đức mới phải được tiến hành đồng thời với việc xây dựng lối sống mới và nếp sống mới. Có dựa trên cái nền đạo đức mới thì mới xây dựng được lối sống mới, nếp sống mới lành mạnh, vui tươi, hướng con người tới tầm cao của văn hóa, của một đất nước độc lập và xã hội chủ nghĩa. Ba nội dung đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sau:
Thứ nhất, muốn xây dựng Đời sống mới trước hết là phải xây dựng được đạo đức mới.
Theo Người xây dựng đạo đức mới là xây dựng những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam theo những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới. Người đã chỉ ra rằng: “... thực hiện Đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”; “Nếu không giữ được Cần, Kiệm, Liêm, Chính dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” còn “Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho Đời sống mới”.
Thứ hai, phải xây dựng lối sống mới.
Theo Người lối sống mới là lối sống có lý tưởng, có đạo đức theo hướng văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Cùng với việc bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, việc xây dựng Đời sống mới đòi hỏi phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong Đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Theo Hồ Chí Minh, đó là năm cách phải sửa đổi đối với mỗi người cũng như đối với một tập thể, một cộng đồng. Cách ăn, mặc, ở không phụ thuộc vào những thứ dùng để ăn, mặc, ở nhiều hay ít, sang trọng hay đơn giản, mà lại phụ thuộc vào lối sống có hay không có văn hóa của mỗi con người.
Theo Hồ Chí Minh phải xây dựng một phong cách sống khiêm tốn, giản dị, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, ít lòng ham muốn về vật chất, về chức - quyền - danh - lợi. Trong quan hệ với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì cởi mở, chân tình, ân cần, tế nhị; giàu tình thương yêu, quý mến con người, trân trọng con người; đối với mình thì chặt chẽ, đối với người thì khoan dung độ lượng.
Làm Chủ tịch nước, Người vẫn ở nhà gỗ đơn sơ, mạc quần áo vải. Người cho rằng “cách ăn mặc phải sạch sẽ, đơn giản, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe loẹt”, “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy không có đạo đức” (1).
Xây dựng lối sống mới còn thể hiện ở phong cách làm việc. Theo Người bao gồm: tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa học. Ba loại tác phong đó đều có những nội dung rất cụ thể, phong phú và có quan hệ mật thiết với nhau.
Ở Hồ Chí Minh chúng ta luôn thấy một phong cách viết, cách nói chân thật - dễ hiểu mà tế nhị, mộc mạc, bình dân mà không thô thiển; Người không ưa sự phô trương hình thức, sự cầu kỳ rắc rối trong cách biểu hiện. Tư tưởng của Người đi thẳng đến quần chúng và mọi người đều có thể thực hiện được, nhớ được và làm được.
Thứ ba, phải xây dựng nếp sống mới
Quá trình làm cho lối sống mới dần dần trở thành nền nếp, thói quen, ổn định ở mỗi người, thành phong tục tập quán của tập thể hay cả cộng đồng, trong khu vực hay cả nước, thường gọi là nếp sống mới hay nếp sống văn hóa.
Hồ Chí Minh dạy chúng ta chẳng những phải biết kế thừa mà còn phải phát triển những thuần phong mỹ tục, đồng thời phải biết cải tạo những phong tục tập quán cũ lạc hậu. Việc sửa đổi những thói quen, phong tục tập quán không còn phù hợp, loại bỏ những cái xấu, xây dựng những cái tốt là công việc khó khăn, phức tạp. “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen, người ta cho là thường” (2) . Vì vậy, phải nâng cao nhận thức, phải phấn đấu kiên trì mới có thể xây dựng được những thói quen, phong tục tập quán mới, thực hiện được đời sống mới.
Hồ Chí Minh cho rằng: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”( 3).
Hồ Chí Minh còn đề ra biện pháp xây dựng Đời sống mới một cách khoa học, thiết thực và gần gũi với quần chúng nhân dân. Theo Người, để xây dựng đời sống mới cần:
+ Phải tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu được cái lợi của việc xây dựng những thói quen, phong tục, tập quán mới; hướng dẫn cách làm cụ thể, dễ hiểu để mọi người làm và thực hiện cho được, tránh ép buộc, trấn áp thô bạo.
+ Phải thực hiện biện pháp nêu gương, mà chính những người lãnh đạo, quản lý, những người tuyên truyền xây dựng đời sống mới, phải miệng nói tay làm, phải nêu gương trước. Hơn nữa, còn phải xây dựng cho được những tập thể kiểu mẫu để mọi người noi theo.
+ Việc xây dựng đời sống mới phải bắt đầu từ từng người, từng gia đình, vì mỗi người là một cá thể để tạo nên gia đình, mỗi gia đình là một tế bào để tạo nên xã hội. Hồ Chí Minh thường nói: “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh... Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường” (4). “Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”.
Như vậy, phải xây dựng được những thuần phong mỹ tục mới, đồng thời đấu tranh khắc phục những hủ tục lạc hậu, thói quen xấu, thông qua việc rà soát, đánh giá để xây, để chống cho đúng, qua việc làm gương và nêu gương. Bắt đầu từ từng người, từng gia đình thì mới có thể xây dựng được đời sống mới ở tập thể, các đơn vị, ở làng xã, phố phường cho đến cả nước. Có như thế mới xây dựng được nếp sống có văn hóa, xây dựng được đời sống mới thể hiện được bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ, nhân viên phòng TC – HC –QT luôn thấm nhuần tư tưởng của Người để học tập và làm theo nhằm xây dựng Đời sống mới trong thời kỳ cách mạng mới.
Về thực hiện đạo đức mới, đội ngũ cán bộ Phòng luôn nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Trong công việc chuyên môn luôn nghiêm túc nghiên cứu, học hỏi nhằm nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng phục vụ, thể hiện sự cần cù lao động. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong sáng, liêm khiết, chính trực đối với đồng nghiệp và đối với học viên.
Về xây dựng lối sống mới cán bộ nhân viên Phòng luôn có lý tưởng, có đạo đức theo hướng văn minh, tiên tiến. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn nghiêm túc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, rèn luyện cho mình lối sống văn minh từ cách làm việc khoa học cho đến lời nói, tác phong, trang phục thể hiện sự giản dị, khiêm tốn, chân tình, tế nhị đối với đồng nghiệp, với gia đình và nhân dân.
Về xây dựng nếp sống mới, mỗi cán bộ, nhân viên Phòng ý thức xây dựng lối sống mới dần dần trở thành thói quen trong công việc và cuộc sống. Trong công việc luôn lồng ghép định hướng về nếp sống mới trong các bài giảng để truyền đạt cho học viên thực hiện tại địa phương như dần loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới xin...tiếp cận những giá trị văn hóa mới phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương và dân tộc.
Bên cạnh những mặt đạt được đó, Phòng TC – HC – QT nhận thấy còn một số hạn chế trong học tập và làm theo Bác về xây dựng Đời sống mới như : Đôi khi còn chưa tiết kiệm thời gian, sắp xếp thời gian chưa hợp lý, công việc thường đến gần thời hạn hoàn thành mới làm, còn có cán bộ, nhân viên đi muộn về sớm, trang phục đôi lúc chưa thật sự chỉn chu, sắp xếp phòng làm việc chưa được gọn gàng, ngăn nắp...Chi ủy, lãnh đạo phòng đã nhận thức cần nghiêm túc kiểm điểm và sửa chữa trong năm 2018.
Có thể nói, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về Đời sống văn hóa mới là điều cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay - thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN kéo theo nguy cơ biến đổi các giá trị văn hóa truyền thống. Sự thực đó đòi hỏi chúng ta càng phải nghiêm túc học tập và làm tốt “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về xây dựng Đời sống văn hóa mới, đáp ứng được yêu cầu chung của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng được sự mong đợi của đông đảo cán bộ, Đảng viên và toàn thể nhân dân.
Vũ Văn Tấn
------------------------------------------------------------
Chú thích:
- Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 392;
2,3,4. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 109; tr 94,95, tr 98-99