Phát triển nguồn nhân lực khoa học Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay

Thứ tư - 06/12/2017 02:15
Phát triển nguồn nhân lực khoa học Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay
Theo Quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, giảng viên. Hiệu trưởng có trách nhiệm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, tài liệu, phương tiện và các thông tin cần thiết cho cán bộ, giảng viên hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Theo đó khung định mức giờ chuẩn nghiên cứu khoa học đối với giảng viên tập sự 40 giờ/năm; giảng viên 200 giờ/năm; giảng viên chính 240 giờ/năm; giảng viên cao cấp 280 giờ/năm.
Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc qui chế nghiên cứu khoa học hoạt động nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chỉ trong giai đoạn 2012-2017, Nhà trường đã thực hiện 25 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 2 đề tài cấp tỉnh, 12 đề tài cấp Trường và 11 đề tài cấp Khoa. Các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao (ví dụ như đề tài: Nghiên cứu, biên soạn tài liệu bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo cấp phòng ở tỉnh Thái Nguyên; Một số giải pháp tăng cường chất lượng nghiên cứu thực tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên; Nghiên cứu, biên soạn tập bài giảng Tình hình nhiệm vụ của tỉnh Thái Nguyên,…)
Từ năm 2012 đến nay, Nhà trường cũng đã xuất bản Bản tin “Nghiên cứu - Trao đổi” (nay là Bản tin Thông tin “Lý luận và Thực tiễn”) mỗi năm 02 kỳ, có trên 80% cán bộ, công chức, viên chức tham gia viết bài với hơn 117 lượt bài viết phong phú về nội dung, đảm bảo chất lượng. Trang thông tin điện tử truongchinhtrithainguyen.gov.vn bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2015. Đến nay, đã có 206 tin, bài được đăng tải với trên 600.000 lượt truy cập.
Hiện nay, Nhà trường có tổng số 42 đồng chí giảng viên: Trong đó tỷ lệ nữ chiếm 54,7%, tỷ lệ nam là 45,2%. Về độ tuổi, đội ngũ giảng viên dưới 30 tuổi đạt tỷ lệ 23,8% bằng với tỷ lệ giảng viên ở độ tuổi từ 51-60. Theo ngạch có: 1 chuyên viên cao cấp, 2 chuyên viên chính, 4 giảng viên chính, 34 giảng viên và 1 chuyên viên. Theo trình độ có 42 đại học, trong đó: 21 thạc sỹ, 7 đang đào tạo thạc sĩ, 2 đang đào tạo tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 31-50 chiếm hơn 70%, đây cũng là nguồn nhân lực khoa học của Nhà trường. Bên cạnh đó, 10 đồng chí giảng viên có độ tuổi từ 51-60 chiếm 23,8% có thâm niên giảng dạy, kinh nghiệm quản lý lâu năm là nguồn nhân lực nòng cốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Nguồn nhân lực khoa học của Nhà trường đông về số lượng, tương đối đồng đều về chất lượng, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao. Tuy nhiên, nguồn nhân lực khoa học của Nhà trường cũng bộc lộ những điểm hạn chế như: nhận thức về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở một số ít giảng viên còn chưa đầy đủ nên chưa xây dựng được động cơ, niềm đam mê nghiên cứu khoa học; việc phân bổ thời gian cho nghiên cứu khoa học chưa cân xứng với thời gian giảng dạy; phương pháp nghiên cứu chưa có nhiều đổi mới; hạn chế về trình độ ngoại ngữ nên khi tham khảo tài liệu còn lệ thuộc vào internet và các tài liệu được biên soạn hoặc biên dịch lại.
Để phát huy nguồn nhân lực khoa học của Trường trong thời gian tới, thiết nghĩ chúng ta cần phải tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, giảng viên đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn sẽ giúp cán bộ, giảng viên rèn luyện tư duy độc lập trong nghiên cứu, kỹ năng viết, đúc kết được thực tiễn từ đó chuyển hóa tri thức vào giảng dạy bằng các ví dụ sinh động đã được chứng minh. Do đó công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn cùng với công tác giảng dạy bổ trợ cho nhau, không được xem nhẹ một nhiệm vụ nào. Cán bộ, giảng viên Nhà trường phải xác định công tác nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng ngang với công tác giảng dạy và là một hoạt động chuyên môn bắt buộc. Bên cạnh đó cần, tạo điều kiện để phát huy tối đa hơn nữa năng lực và trách nhiệm của những giảng viên lâu năm có kinh nghiệm. 
Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Nhà trường tiếp tục thực hiện lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học. Đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên những kiến thức chuyên sâu về phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học, cụ thể như: phương pháp triển khai đề tài khoa học các cấp, xác định chủ đề nghiên cứu, xác định kết cấu của đề tài, kỹ năng xây dựng phiếu điều tra, phương pháp phỏng vấn, xin ý kiến chuyên gia…
Thứ ba, tiếp tục tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học.
Khuyến khích, định hướng cho giảng viên tham gia các đề tài khoa học, đăng ký và làm chủ nhiệm các đề tài từ cấp khoa đến cấp trường. Hướng các đề tài nghiên cứu vào việc phục vụ trực tiếp, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng (ví dụ: Tham gia sửa đổi, bổ sung, cập nhật giáo trình, tài liệu tham khảo,…).
Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học: Đầu tư thêm các sách tham khảo, sách nghiên cứu cho thư viện; tiếp tục đề nghị UBND tỉnh tăng kinh phí, nâng mức chi trả, hỗ trợ cho mỗi công trình khoa học cấp trường, cấp khoa, bản tin, bài hội thảo nhằm khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia nghiên cứu và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu cùng các khoa chuyên môn chủ động tham mưu, đề xuất với Ban Giám hiệu Nhà trường đăng ký với Sở Khoa học & Công nghệ nghiên cứu những đề tài khoa học cấp tỉnh với nội dung bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, tham gia giải quyết được những vấn đề xã hội đặt ra mang tính ứng dụng vào thực tiễn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ tư, gắn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với công tác thi đua, khen thưởng.
Triển khai các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, lấy kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những căn cứ để bình xét và xếp loại thi đua cuối năm của từng cá nhân và tập thể khoa, phòng. Thực hiện nghiêm túc việc thực hiện giờ chuẩn với quy định người không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo qui chế. Tổ chức thường xuyên việc sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường để đánh giá và rút kinh nghiệm. 
Phát huy nguồn nhân lực khoa học của Nhà trường trong tình hình hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của Ban Giám hiệu, Đảng ủy, mà còn là nhiệm vụ của bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong rèn luyện, học tập, nghiên cứu và giảng dạy của mình. Chỉ có vậy, nguồn nhân lực khoa học của Nhà trường mới thực sự phát huy tối đa tiềm năng vốn có.

Hồ Sỹ Bách, Giảng viên khoa NN&PL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập372
  • Hôm nay22,176
  • Tháng hiện tại318,081
  • Tổng lượt truy cập20,800,474
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây