Nâng cao chất lượng giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn hiện nay

Thứ ba - 19/06/2018 04:34
Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống chính trị của tỉnh.
Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, trong những năm qua ngoài việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên đủ về số lượng, Nhà trường luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên nói chung, đặc biệt tập trung vào đội ngũ giảng viên trẻ nhằm trang bị cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.
DSC01715 Fotor
Các giảng viên nữ của Nhà trường gặp mặt nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2018
Hiện nay, đội ngũ giảng viên trẻ có 12 đồng chí (độ tuổi từ 25 đến 35) chiếm 31,5% tổng số giảng viên của Trường. Về trình độ chuyên môn, 100% các giảng viên trẻ có trình độ đại học, trong đó: 05 đồng chí có bằng thạc sĩ (chiếm 41,6 %), 05 đồng chí đang học cao học, 02 đồng chí đang học văn bằng hai. Về lý luận chính trị, 06/12 đồng chí có trình độ tương đương cao cấp lý luận chính trị, 01 đồng chí có trình độ TCLLCT-HC, 01 đồng chí đang học TCLLCT-HC. Có 9/12 đồng chí giảng viên trẻ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, 02/3 quần chúng ưu tú đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Nhận thức được vị trí, vai trò trách nhiệm của mình, đội ngũ giảng viên trẻ đã không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy, kiến thức thực tế, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giảng viên theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Nhà trường.
Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công các giảng viên trẻ đều tích cực sưu tầm tài liệu, văn bản, cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phục vụ soạn giảng và nghiên cứu. Đến nay, 100% giảng viên trẻ hoàn thành soạn giáo án và tiến hành thông qua bài giảng được Hội đồng khoa học Nhà trường đánh giá đạt yêu cầu. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, đội ngũ giảng viên trẻ còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thông qua các hoạt động như: viết bài cho Thông tin lý luận và thực tiễn, cho Trang thông tin điện tử của Trường (từ năm 2016 đến nay có hơn 40 bài viết, bản tin đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức), 03 đồng chí tham gia thực hiện các chuyên đề của đề tài khoa học cấp cơ sở. Có thể khẳng định đây là lực lượng kế cận đang dần tự khẳng định mình, có tinh thần trách nhiệm cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, các giảng viên trẻ còn có những hạn chế, khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ được giao như: một số giảng viên trẻ chưa ý thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ nhất là vấn đề tự học, tự nhiên cứu trau dồi kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tiễn. Do kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, vì vậy việc gắn lý thuyết với thực tiễn trong giảng dạy thiếu sinh động, khiên cưỡng, chưa hấp dẫn; phương pháp nghiên cứu khoa học còn hạn chế.... Để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế của đội ngũ giảng viên trẻ trong thời gian tới các giảng viên trẻ cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, bản thân các giảng viên trẻ cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, tự giác, phấn đấu nỗ lực trong việc tự học, nghiên cứu khoa học, đi thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kiến thức thực tiễn; chủ động lựa chọn những bài giảng của các giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy để đăng ký dự giờ. Sắp xếp thời gian một cách khoa học để cân đối giữa nhiệm vụ giảng dạy và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, các giảng viên trẻ phải tích cực bổ sung kiến thức, kỹ năng tin học để có khả năng áp dụng những phương tiện dạy học hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên.
Thứ hai, giảng viên trẻ cần chủ động, tích cực đăng ký soạn bài giảng mới, đăng ký giờ để khoa phân công giảng viên, lãnh đạo khoa dự giờ và đăng ký bài tham gia thao giảng hằng năm. Đó là môi trường thực tiễn để giảng viên trẻ tiếp cận công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Việc khoa chủ động phân công những giảng viên giàu kinh nghiệm hướng dẫn, giúp đỡ đối với từng giảng viên trẻ; đồng thời tăng cường kiểm tra giáo án, dự giờ sẽ giúp giảng viên trẻ từng bước trưởng thành trong công tác chuyên môn, xây dựng được phong cách làm việc khoa học. Mặt khác, thông qua những buổi sinh hoạt chi bộ, họp khoa giảng viên trẻ mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình để chi ủy, lãnh đạo khoa có giải pháp chia sẻ giúp đỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn cũng như cuộc sống qua đó góp phần cho giảng viên trẻ yên tâm công tác.
Thứ ba, giảng viên trẻ tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban nữ công thông qua các hoạt động phong trào như: hội thi, văn nghệ, thể dục thể thao giúp các giảng viên trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,... góp phần rèn luyện tư cách, tác phong của người giảng viên trường chính trị.
Nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên trẻ là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục của Nhà trường. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đó, đòi hỏi sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Giám hiệu, Đảng ủy và những giảng viên thế hệ đi trước, đồng thời cũng đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu học tập và rèn luyện của mỗi giảng viên trẻ để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng trong thời kỳ mới góp phần nâng cao uy tín và vị thế Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên.
Hồ Sỹ Bách
Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay17,096
  • Tháng hiện tại528,265
  • Tổng lượt truy cập21,698,382
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây