Cảm nghĩ về Mùa thu Độc lập của Đất nước

Thứ hai - 27/08/2018 20:28
Hằng năm, cứ đến mùa thu, trong lòng mỗi người dân Việt Nam không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ tới sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước ngày 02 tháng 9 năm 1945.
Tại Quảng Trường Ba Đình Hà Nội, nơi diễn ra cuộc Mít tinh của đông đảo nhân đân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhà thơ Tố Hữu đã diễn tả sự kiện này bằng bài thơ “Sáng mùng 02 tháng 9”:
“Hôm nay, sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tin chờ chim cũng nín
Bỗng vang lên câu hát ân tình:
Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!
Người đứng trên đài lặng phút giây,
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây
Người đọc Tuyên ngôn rồi chợt hỏi
Đồng bào nghe tôi nói rõ không?
…"
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt nam và cả thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể đân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.
 
tuyen ngon doc lap

Với dấu mốc son chói lọi và vẻ vang như vậy, hẳn không ít người thuộc thế hệ trẻ ngày nay không đặt câu hỏi: Tại sao Đảng ta và Bác Hồ lại chọn ngày mùng 02 tháng 9 mà không phải là ngày khác? Sau khi cách mạng Tháng tám thắng lợi trên phạm vi cả nước. Ngược dòng lịch sử của đất nước, chúng ta có thể biết được rằng: “Sau ngày 19/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các công sự của Người bàn bạc việc chọn ngày ra mắt quốc dân để đọc tuyên ngôn độc lập. Có nhiều ý kiến đề nghị chọn ngày gần sau khi giành chính quyền ở Hà Nội 19/8 là ngày 25 hoặc 28 tháng 8 năm 1945. Ông Vũ Đình Tụng, Bác sỹ riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là một người giáo dân công giáo đã đề xuất lấy ngày 02 tháng 9 năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi vì sao thì ông Tụng giải thích: Nó rơi vào ngày chủ nhật nên mọi người được nghỉ việc, ngày 2 tháng 9 cũng là ngày Chúa nhật kính các vị Tử đạo Việt Nam, là lễ trọng nên giáo dân đều đi dự lễ. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người liên lạc với bên phía Tòa Giám mục Hà Nội, đến ngày 22 tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà thờ lớn Hà Nội. Tại đây, khi thấy giáo dân đang chuẩn bị cờ, hoa trang trí Nhà thờ, chuẩn bị mừng lễ các vị tử đạo Việt Nam vào ngày 02 tháng 9 sắp tới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Tôi sẽ làm cho ngày ấy thêm ý nghĩa nữa”. Có lẽ ý tưởng này đã đưa đến việc lựa chọn ngày 02 tháng 9 là ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và chiều ngày 02 tháng 9 năm 1945, hơn 50 vạn người dân Hà Nội và các vùng lân cận đã tụ họp tại Quảng trường Ba Đình chào mừng thành lập Chính phủ mới(1). Từ đây, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người dân Việt Nam có quyền tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập.
73 năm đã đi qua, những tư tưởng trong Bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam, nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta và đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong từng giai đoạn của đất nước. Từ đó tới ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể nhân dân ta luôn đồng lòng quyết tâm, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa đất nước tiến lên, không ngừng phát triển toàn diện về mọi mặt và phấn đấu để trở thành đất nước giàu mạnh, hiện đại, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
 Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với những thời cơ, vận hội mới vẫn còn không ít khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng với tinh thần cách mạng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta trong Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 02 tháng 9 năm 1945 cần được phát huy cao độ trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…, làm cho non sông Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong ước.
Là một công dân được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, đất nước độc lập, tự do, không phải trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ cũng như không được chứng kiến những chiến công vang dội mà cha ông ta đã làm lên nhưng cứ gần đến ngày 02- 9 trong lòng tôi lại thấy trào dâng niềm cảm xúc và biết ơn sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã đưa cách mạng Việt nam, dân tộc Việt nam đi đến thắng lợi, đất nước hòa bình và nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày nay. Thiết nghĩ, mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa về mọi mặt, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao để góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát huy tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập mùng 02 tháng 9 năm 1945./.
--------------------------------
(1)- TS. Phạm Huy Thông (20 tháng 8 năm 2015). “ Cách mạng tháng tám với người công giáo Việt Nam”. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Nguyễn Thị Kim Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập105
  • Hôm nay19,846
  • Tháng hiện tại545,521
  • Tổng lượt truy cập21,027,914
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây