Nhà nước kiến tạo phát triển Việt Nam – triển vọng trong tương lai (*)

Thứ ba - 27/11/2018 20:51
Cùng với đổi mới kinh tế, Đảng ta luôn chủ trương thực hiện đổi mới về chính trị một cách đồng bộ và toàn diện. Trong nội dung đổi mới chính trị, nhiệm vụ xây dựng thể chế, đổi mới tư duy về quản trị, cái cách bộ máy theo hướng chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân; cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm. Đây chính là những nội dung chủ yếu của quan điểm xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động.
          Để xây dựng một chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, luôn sáng tạo, lấy cống hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc làm chính, một chính phủ thân thiện trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức những nội dung, đặc điểm cơ bản của nhà nước kiến tạo, phát triển mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang hướng tới xây dựng.
Đầu tiên là đổi mới về chính trị và thể chế. Quyết tâm chính trị đã là nền tảng cho thành công trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986. Bởi vậy, về mặt thực tiễn, quyết tâm đổi mới của Đảng ta là tiền đề thuận lợi cho xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển (NNKTPT). Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho sự chuyển biến lâu dài và bền vững. Đặt trong bối cảnh xây dựng NNKTPT, những thách thức về thể chế nhà nước ở Việt Nam hiện diện cả ở phương diện tổ chức cũng như hoạt động. Về tổ chức, bộ máy nhà nước còn đồ sộ, cồng kềnh và ít chuyên nghiệp, sự kiểm soát còn yếu giữa các nhánh quyền lực (Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã chỉ rõ). Về hoạt động, Nhà nước còn can thiệp nhiều vào hoạt động kinh tế theo kiểu hành chính chưa khơi dậy các tiềm năng của khu vực tư và nhất là chưa tạo lập được môi trường kinh doanh tự do cạnh tranh, bình đẳng và an toàn cho các chủ thể. Ngoài ra, còn xuất hiện những khó khăn, thách thức mới trong quá trình đổi mới.
Từ nghiên cứu mô hình thành công ở Đông Á, bộ máy cầm quyền của NNKTPT được dựa trên hai tính năng: Tự chủ và hiệu quả. Cải cách thể chế và chính trị ở Việt Nam trong định hướng xây dựng NNKTPT phải hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ máy hành chính tự chủ và hiệu quả. Cụ thể, để có bộ máy hành chính mạnh, làm trụ cột cho thiết lập và đảm bảo môi trường kinh tế lành mạnh thì bộ máy đó cần được tự chủ. Bởi vì với bộ máy mang tính kỹ trị - các nhà kinh tế hoạch định chính sách trên cơ sở khoa học. Ở Việt Nam, đó là chìa khoá phân quyền. Phân quyền phải được hiểu là nền tảng của tổ chức bộ máy nhà nước, và bộ máy hành chính nói riêng. Sự phân cấp không chỉ diễn ra trong nội bộ hành chính mà trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước khác và trong mối quan hệ với chính trị. Sự can thiệp của Đảng cần được phân định rạch ròi với hoạt động của Nhà nước, tạo cho bộ máy quản lý kinh tế có sự tự chủ - điều kiện cốt yếu của chính phủ kiến tạo. Chức năng quyền hạn của các cơ quan hành chính nhà nước cần được phân định rõ ràng – từ đó mới tạo ra một nền hành chính hiệu quả. Và để đảm bảo một sự kiểm soát tốt đối với hoạt động nhà nước, chìa khoá cho minh bạch và trách nhiệm giải trình, rất cần một nền tư pháp độc lập – đặc biệt không chịu những áp lực của bộ máy hành chính hay chính trị.
Hiệu quả của bộ máy công quyền trong NNKTPT cần dựa trên một nền hành chính vận hành tốt. Muốn vậy, cần phải đề cao đạo đức công vụ - điều tạo lập nên kỷ cương trong hoạt động hành chính. Để có đội ngũ lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao – cần lưu tâm đến những bảo đảm cho công chức: Chế độ tiền lương, chế độ giao công việc và đánh giá kết quả công việc. Bên cạnh đó, nhất thiết phải có những ràng buộc, rào chắn chống lại tham nhũng – điều huỷ hoại những nỗ lực của hệ thống công quyền. Vấn đề này đã được Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 “về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” chỉ ra.
Về hoạt động, bộ máy nhà nước cần có những chuyển hướng lớn trên bình diện kinh tế. Như đã thấy trong kinh nghiệm NNKTPT thành công ở châu Á, cốt lõi là Nhà nước cần kết nối và huy động được nguồn lực, sức mạnh của khu vực tư nhân. Muốn như vậy, các chính sách pháp luật cần ổn định, tạo sự đảm bảo chắc chắn về quyền tài sản cho cá nhân, doanh nghiệp; tạo ra môi trường pháp lý ổn định, lành mạnh để các thành phần kinh tế yên tâm kinh doanh, hệ thống pháp luật phải minh bạch và các tranh chấp cần được giải quyết công bằng, hiệu quả. Hơn nữa, nhà nước cần sử dụng tốt các công cụ để khơi gợi mọi nguồn lực xã hội, định hướng phát triển kinh tế như chi tiêu công, chính sách thuế, tín dụng,... Chính sách kinh tế cần theo hướng mở rộng các hình thức hợp tác công – tư. Vai trò của pháp luật rất quan trọng trong hoạt động của NNKTPT: làm thế nào để bảo vệ quyền của cá nhân, doanh nghiệp; bảo đảm minh bạch trong quan hệ công – tư.
Tư duy chính trị là tiền đề hàng đầu cho NNKTPT và điều này rất hiện hữu ở Việt Nam, tuy nhiên cũng chưa phải đều trọn vẹn: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang trong quá trình hoàn thiện. Thêm vào đó, với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, bộ máy và thể chế quyền lực từ trung ương xuống địa phương cần phải vận hành đúng những chuẩn mực của nhà nước pháp quyền.
Sau đổi mới về chính trị và thể chế, tiếp theo sẽ là sự tham gia của người dân, của cộng đồng. Gia tăng sự tham gia là một phương cách để làm mô hình nhà nước kiến tạo phù hợp với những đòi hỏi của toàn cầu hóa, khắc phục những bất cập về một nền hành chính kỹ trị kiểu tinh hoa. Cần nhìn nhận đúng đắn về Chính phủ kiến tạo: Lấy phát triển kinh tế là mục tiêu đầu tiên và cơ bản, nhưng phải bù đắp những lệch lạc của thị trường – và công cụ bù đắp đó chính là cộng đồng, sự tham gia của nhân dân.
          Quan trọng tiếp là phải hòa nhịp cách mạng thông tin và công nghệ. Sẽ chẳng có nỗ lực phát triển nào mang lại kết quả nếu như quốc gia liên quan không dấn thân một cách nhanh chóng vào nhịp phát triển kinh tế toàn cầu và lấy mạng kết nối, công nghệ thông tin làm nền tảng cho sự phát triển đó. Ở Việt Nam, sức mạnh của thông tin, công nghệ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền hành chính hiện nay: Mô hình về Chính quyền điện tử, về dịch vụ hành chính công trực tuyến đã không chỉ còn là các khái niệm định hướng mà trở thành hiện thực – ở một số địa phương đã và đang thực hiện.
Chặng đường phía trước còn dài và những nền móng đầu tiên về “nhà nước kiến tạo” hay “chính phủ kiến tạo” chỉ mới bắt đầu, điều quan trọng là chúng ta đã có nhận thức mới về sự cần thiết của một chính phủ kiểu mới. Cam kết chính trị đã có, thành công còn lại phụ thuộc vào nỗ lực thực thi thường xuyên, không ngưng nghỉ, và năng lực lãnh đạo của Đảng và đội ngũ công chức, viên chức trong thiết kế chính sách chung, vào khả năng huy động được sức mạnh của các nguồn lực xã hội. Suy cho đến cùng vẫn là để thực hiện được mục tiêu xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Th.S Lương Thanh Nghị
--------------------------
(*) Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, chuyên đề “Nhà nước kiến tạo, phát triển – kinh nghiệm một số nước và giá trị tham khảo cho Việt Nam”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập223
  • Hôm nay61,220
  • Tháng hiện tại314,047
  • Tổng lượt truy cập20,796,440
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây