Đôi điều suy nghĩ về công tác giảng dạy phần học những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở các trường chính trị trong giai đoạn hiện nay

Chủ nhật - 09/12/2018 23:01
Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần phải có con người xã hội chủ nghĩa”1. Điều đó có nghĩa là xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phải là một nhiệm vụ chiến lược, đi trước một bước so với xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
           Mục đích của việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ là đào tạo ra những con người mới, vừa hồng vừa chuyên, những cán bộ mới cho cách mạng, những chiến sỹ kiên cường đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc và phồn vinh cho dân tộc. Tư tưởng ấy của Người vẫn còn ý nghĩa sâu sắc và vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
          Trước bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động to lớn và phức tạp hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngay từ Đại hội VI (12/1986), Đảng ta đã chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế với phương châm: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới. Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”2. Cùng với những thành tựu bước đầu trong công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập ở nước ta hiện nay, “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên… Những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”3. Từ thực tiễn đó, đòi hỏi công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, giảng dạy các môn lý luận chính trị, trong đó có phần học Những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam phải được đổi mới toàn diện, sâu sắc và coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong các nhà trường. Làm thế nào để công tác giáo dục chính trị nói chung và việc dạy – học phần học Những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có hiệu quả thiết thực đang là nỗi trăn trở lớn của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lĩnh vực này.
  
          Trong những năm qua, các trường chính trị tỉnh đã coi trọng đào tạo cơ bản, bồi dưỡng chuẩn hoá giảng viên lý luận chính trị, trong đó có đội ngũ giảng viên giảng dạy phần học Những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó đã góp phần quan trọng từng bước nâng cao chất lượng đào tạo ở các nhà trường. Tuy nhiên, có một thực tế là phần học Những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong các phần học hiện nay học viên chưa thực sự hứng thú học tập. Một trong những căn nguyên dẫn đến tình trạng đó là một bộ phận đội ngũ giảng viên chưa thực sự nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. Quán triệt những quan điểm cơ bản của Đại hội XII của Đảng về nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo hiện nay, việc dạy và học phần học Những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải có sự đổi mới quan trọng cả về nội dung và phương pháp.
 
      Hiện nay, một số giảng viên vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, diễn giảng, thuyết giảng là chủ yếu. Cách thức giảng dạy còn thiên về lý luận, chưa tìm ra những phương thức hiệu quả giúp học viên chủ động hơn trong tiếp thu kiến thức và sử dụng những kiến thức lĩnh hội được để luận giải các vấn đề của cuộc sống. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên chưa đặt ra yêu cầu cao đối với học viên. Việc tổ chức, hướng dẫn phương pháp học tập cho học viên chưa được chú trọng đúng mức. Lý thuyết khô khan, giáo điều, ít gắn với thực tiễn, chưa soi rọi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Điều đó làm cho học viên ít quan tâm đến phần học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.
          Trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, người học ngày càng được tiếp cận và nắm bắt nhiều luồng thông tin hơn, do đó đòi hỏi giảng viên phải trăn trở tìm tòi đào sâu suy nghĩ, nâng cao trình độ, không được áp đặt kiến thức đối với người học. Giảng viên sẽ chuyển sang làm nhiệm vụ thiết kế là chủ yếu, việc học, tự nghiên cứu của học viên sẽ tăng lên nhiều. Giảng viên sẽ không nặng cung cấp kiến thức một chiều mà chủ yếu là dạy cách học. Để thực hiện được yêu cầu đó thì xêmina là khâu hết sức qua trọng trong quy trình giảng dạy. Sự phát triển của khoa học và công nghệ tạo điều kiện cho việc sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại trong thực hiện bài giảng của giảng viên và quá trình học tập của học viên. Trong những năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng các phương tiện hiện đại trong giảng dạy nói chung và phần học Những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Mỗi giảng viên có phương pháp riêng nhưng cuối cùng được nhìn nhận ở kết quả, hiệu quả và chất lượng giảng dạy, đó là: Người học được trang bị tri thức gì về lịch sử Đảng; nâng cao nhận thức, bản lĩnh, năng lực và phương pháp tư duy như thế nào; rèn luyện gì về phẩm chất chính trị, đạo đức và tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
          Trong điều kiện hội nhập hiện nay, dạy và học phần học Những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cần đặc biệt chú trọng nắm vững tính đảng và tính khoa học nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tính đảng trong dạy và học lịch sử Đảng đòi hỏi phải đứng vững trên lập trường, quan điểm, lý luận và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để nhận thức đúng đắn lịch sử Đảng trong tiến trình ra đời, hoạt động và lãnh đạo của Đảng. Phải làm rõ quan điểm, đường lối, cương lĩnh của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Đảng ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể, làm rõ tính đúng đắn của đường lối, cương lĩnh chính trị của Đảng, góp phần thực hiện tốt đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng hiện nay. Tính đảng cũng thể hiện ở sự quán triệt những quan điểm, những kết luận của Đảng với những vấn đề đã diễn ra trong lịch sử, đồng thời thể hiện tính chiến đấu cao trong việc phê phán những nhận thức sai trái, những luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tính khoa học trong dạy và học lịch sử Đảng là nhận thức hiện thực lịch sử một cách khách quan, trung thực, không làm sai lệch hiện thực lịch sử, không được tô hồng cũng không được bôi đen, xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Tính khoa học thúc đẩy tư duy sáng tạo, suy nghĩ tìm tòi để tiếp cận chân lý. Tính khoa học còn đòi hỏi rèn luyện, nâng cao tư duy logic để tổng kết giá trị khoa học, những vấn đề lý luận trong lịch sử Đảng ta.
         
          Tính đảng và tính khoa học là thống nhất và đều hướng tới nhận thức lịch sử đúng đắn, nâng cao vị trí, vai trò của phần học Những vấn đề cơ bản về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, vị thế của khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nâng cao và bồi dưỡng tính đảng cũng tức là nâng cao tính khoa học và ngược lại. Khoa học Lịch sử Đảng phải trở thành cơ sở quan trọng để Đảng ta tổng kết thực tiễn, hoạch định và thực hiện đường lối chính trị, thực hiện mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và CNXH.
            
          Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu càng đòi hỏi sự nghiệp giáo dục, đào tạo phải đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng ngày càng cao, đạt trình độ của khu vực và thế giới. Đại hội XII đã chủ trương “Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội”4. Đặc biệt, muốn đổi mới và hội nhập thành công, phải hiểu biết và đánh giá đúng về chính mình. Càng tăng cường hội nhập quốc tế, càng cần phải nêu cao truyền thống tự lực tự cường, độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng và dân tộc Việt Nam. Khoa học Lịch sử Đảng làm cho Đảng ta, dân tộc ta, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam hiểu rõ Đảng, dân tộc mình, tự hào và quyết tâm tiến lên mạnh mẽ và vững chắc trên con đường đã lựa chọn.
 Th.S Vũ Thu Hương
 
Tài liệu tham khảo
 
  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2002, t.4, tr.235.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb, CTQG, HN, 2006, tr.22.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.29.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2016, tr.216.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập88
  • Hôm nay19,524
  • Tháng hiện tại545,199
  • Tổng lượt truy cập21,027,592
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây