Tỉnh Uỷ Thái Nguyên - Trường Chính Trịhttp://truongchinhtrithainguyen.gov.vn/uploads/banners/logo.png
Thứ tư - 15/05/2019 20:45
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Người xuyên suốt từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đồng thời là sự kết tinh của những tinh hoa văn hóa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Trong toàn bộ nội dung về tư tưởng Hồ Chí Minh thì tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng giữ vị trí đặc biệt quan trọng, có sức sống mãnh liệt, đã sớm đi vào nhân dân và trở thành nền tảng đạo đức của người cán bộ, đảng viên.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Hầu như bài viết, bài nói nào Người cũng đề cập đến vấn đề đạo đức cách mạng. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người vẫn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[2]
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành tốt nhiệm vụ chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa, bởi theo Người: “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”[3]. Những chuẩn mực đạo đức cơ bản đối với mỗi người cán bộ, đảng viên theo Người bao gồm: Một là, Trung với nước, hiếu với dân
Trong các quan hệ đạo đức thì quan hệ với nước, với dân là quan hệ lớn nhất, do đó “trung với nước, hiếu với dân” cũng là chuẩn mực chung nhất, bao trùm nhất trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. “Trung” và “Hiếu” là những khái niệm đạo đức Nho giáo, chứa đựng một nội dung hạn hẹp “Trung với vua, hiếu với cha mẹ” còn ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đưa vào khái niệm cũ nội dung mới, có ý nghĩa khoa học, cách mạng và chứa đựng tính nhân văn đó là “Trung với nước, hiếu với dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương, đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”[4]. Do đó, đối với người cách mạng, trung với nước phải đi liền hiếu với dân. Hiếu với dân là thế nào? Theo Hồ Chí Minh là phải: Yêu dân, kính dân, tôn trọng dân, lấy dân làm gốc, đề cao tinh thần phục vụ Nhân dân, có trách nhiệm trước Nhân dân. Người nêu lên ba loại trách nhiệm của người cán bộ: trước hết là trách nhiệm với Nhân dân, rồi với công việc, sau cùng mới là trách nhiệm với cấp trên. Phải luôn luôn quan tâm đến đời sống của Nhân dân, chăm lo cải thiện đời sống cho dân; khi dân còn thiếu thì mình không có quyền đòi hỏi sung sướng cho riêng mình. Hiếu với dân còn thể hiện ở việc tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao dân trí để dân biết và sử dụng được quyền làm chủ của mình. Nếu mỗi người cán bộ, đảng viên có được đạo đức “Trung với nước, hiếu với dân” thì sẽ được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, giúp đỡ, nên không nhiệm vụ nào không hoàn thành, không khó khăn nào không vượt qua. Như vậy, chính điều này đã làm cho tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh khác về bản chất so với đạo đức Nho giáo.
Ngày nay “Trung với nước, hiếu với dân” của cán bộ, đảng viên là trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện trách nhiệm với đất nước với dân tộc, với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển của đất nước. Trung với nước, hiếu với dân là phải quyết tâm, suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Đồng thời, người cán bộ, đảng viên phải biết trọng dân, tin dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân; thương dân, hòa mình với quần chúng nhân dân, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, làm cho dân tin, dân quý, dân phục, dân yêu. Đây cũng là nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và là nội dung chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Đảng ta phát động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hai là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Hồ Chí Minh cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, một lẽ tự nhiên như bốn mùa của trời, bốn phương của đất: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Cần, kiệm, liêm, chính là thước đo của mỗi người, đặc biêt cần thiết đối với cán bộ, đảng viên vì họ là những người có quyền, nếu thiếu lương tâm thì có dịp đục khoét của Nhân dân. Cán bộ, đảng viên mà suy thoái đạo đức thì ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, đến nhiệm vụ cách mạng. Người viết: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn đút, có dịp “dĩ công vô tư””[5]. Cần, kiệm, liêm, chính còn là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tộc, theo Người: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”[6].
Chí công vô tư là công minh, chính trực, công bằng, công tâm, không được thiên thư, thiên vị, khi làm bất cứ việc gì thì đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, là lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì dân, vì đồng bào. Thực hành chí công vô tư gắn liền với chống chủ nghĩa cá nhân.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là sự kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đạo lý làm người của cha ông, là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng đạo đức của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng ở nước ta. Người coi đó không phải chỉ là phẩm chất của cá nhân mà còn của cả tập thể, của cả dân tộc. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên đều phải rèn luyện, tu dưỡng theo các phẩm chất trên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng nói chung, đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” nói riêng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, tại Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ta đã quyết định ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW) trong đó yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải “Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”. Ba là, yêu thương con người, sống có tình nghĩa.
Người cách mạng là người giàu tình cảm, có tình cảm cách mạng mới đi làm cách mạng. Vì yêu thương Nhân dân, yêu thương con người mà chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để đem lại cơm no áo ấm, độc lập, tự do cho con người, đó là tư tưởng luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng yêu thương con người được Người nêu lên và vận động mọi người cùng thực hiện suốt cả cuộc đời. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người vẫn ân cần nhắc nhở toàn Đảng phải tiếp tục chăm lo cho con người “đầu tiên là công việc đối với con người”. Theo Người, yêu thương con người là phải tôn trọng, quý trọng con người. Tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác, bởi theo Người, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Năm 1968, khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, nhằm tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong ứng xử giữa những con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”. Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng
Tinh thần quốc tế là một phẩm chất đạo đức bắt nguồn từ bản chất giai cấp công nhân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng, quan tâm đến các dân tộc. Người đặt sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng thế giới, coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam cũng là thắng lợi chung của nhân dân tiến bộ thế giới. Người tha thiết với độc lập, tự do của dân tộc mình, cho nên cũng rất trân trọng độc lập tự do của các dân tộc khác. Bởi thế, Người hết sức căm giận trước bất cứ một hành động xâm lược nào và cho rằng: Giúp đỡ một dân tộc khác bảo vệ độc lập tự do của họ cũng chính là bảo vệ lợi ích của đất nước mình, “giúp bạn là tự giúp mình”. Trong bài “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế” (năm 1953), Người đã nhấn mạnh: “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau.Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình thế giới”. Nếu tinh thần yêu nước không chân chính và tinh thần quốc tế không trong sáng thì có thể dẫn đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hoặc chủ nghĩa bành trướng bá quyền, kỳ thị chủng tộc... Tư tưởng về đoàn kết quốc tế trong sáng của Người trở thành cơ sở để Đảng và Nhà nước ta kế thừa và phát triển, xây dựng thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Kế thừa và học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đảng ta đã hết sức chú trọng đến công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, Đảng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi, bởi “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[7]. Học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng không chỉ ở nhà trường, mà ở mọi lúc, mọi nơi trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, trong hoạt động lý luận và thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mối quan hệ với mình, với người, với công việc. Tháng 9 năm 1949, trong buổi lễ khai giảng đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”, lời căn dặn của Người đã trở thành tôn chỉ mục đích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, trở thành mục tiêu học tập và tu dưỡng đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Bối cảnh trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đảng yêu cầu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là để cho cán bộ, đảng viên tự soi mình, sửa mình, tự rèn luyện những phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, quét sạch mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ để được dân tin, dân yêu, dân quý mến./.
Trần Thị Thúy
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292.