Bài học về đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với công tác xây dựng Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên

Thứ sáu - 24/11/2023 23:09
Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) đặc biệt quan tâm đến sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Người coi đó là một nhiệm vụ hết sức quan trọng mà tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải quan tâm xây dựng, gìn giữ.

Vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Vấn đề đoàn kết trong Đảng được Hồ Chí Minh nhắc tới nhiều lần trong các bài nói, bài viết của Người. Trong “Di chúc” (1969) để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khi nói về Đảng, vấn đề đầu tiên Người nhắc đến là đoàn kết và khẳng định đây chính là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người viết:“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[1]. Vì vậy từ khi thành lập đến nay, Đảng luôn gắn bó, gần gũi, phát triển cùng dân tộc. Chính lý tưởng chung, mục tiêu chung, lợi ích chung đó là cơ sở vững chắc để tạo nên sự đoàn kết của toàn quân và dân ta.
Vấn đề quan trọng nhất về việc giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng trước hết phải đoàn kết nhất trí về đường lối, chủ trương, chính sách và về phương thức tổ chức thực hiện nó. Đảng giữ vai trò lãnh đạo trong xã hội, khi khối đoàn kết thống nhất càng ít dao động thì ảnh hưởng của Đảng trước quần chúng càng lớn. Sức mạnh đoàn kết là sức mạnh tổng hợp của tất cả lực lượng cách mạng của Đảng mà không một kẻ thù nào có thể khuất phục được. Mặt khác, theo Người, xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết thống nhất vững chắc phải trên cơ sở thực hành dân chủ rộng rãi; đảng viên phải nêu cao ý thức kỷ luật, tự giác, nghiêm minh; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Thực hiện đoàn kết trong Đảng cần phải thường xuyên, cẩn trọng. Chẳng hạn khi thực hiện tự phê bình và phê bình cần chân thành, khéo léo; khi thực hành dân chủ cần dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối, các nguyên tắc của Đảng, không dân chủ quá trớn hay lợi dụng dân chủ để thực hiện những mục đích khác không mang tính xây dựng trong tổ chức. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trước hết bắt nguồn từ sự hiểu biết và giác ngộ chính trị của mỗi đảng viên. Vì vậy, công tác tuyên truyền trong Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao trình độ nhận thức cho mỗi đảng viên, có như vậy mới tạo sự đoàn kết, thống nhất cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta, do đó Người yêu cầu:“Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[2]. Như vậy phải thực hiện đoàn kết từ chi bộ đến Trung ương. Chi bộ là nền móng, là gốc rễ của Đảng vì Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Ngay trong mỗi chi bộ phải thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức, cùng hướng đến mục tiêu chung, mỗi chi bộ vững mạnh sẽ là môi trường tốt để các đảng viên rèn luyện, sáng tạo và phát triển, từ đó tổ chức Đảng sẽ mạnh thêm được một phần. Để giữ gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, cần tập trung vào công tác đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tình yêu thương đồng chí, tôn trọng lẫn nhau của cán bộ, đảng viên.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất trong Đảng trong xây dựng khối đoàn kết thống nhất tại Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên
Qua 66 năm xây dựng và phát triển, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, sự chỉ đạo về chuyên môn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với sức mạnh nội sinh của mình, Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo Nhà trường vượt qua mọi khó khăn, ngày càng lớn mạnh, trở thành trung tâm lớn nhất của tỉnh thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ công chức, viên chức ở cơ sở về lý luận chính trị.
Sự đoàn kết ấy được thể hiện rất rõ trong cách lãnh đạo, quản lý của tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các khoa, phòng trong cách lãnh chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ, động viên cán bộ viên chức nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. Tích cực đổi mới, sáng tạo trong phương pháp, cách thức lãnh đạo, quản lý để phát huy năng lực của viên chức phù hợp với nhiệm vụ được phân công. Đảng ủy luôn thực hiện dân chủ rộng rãi các vấn đề về quản lý, đào tạo - bồi dưỡng, trong công tác cán bộ, xây dựng cơ quan. Nhờ đó mà thống nhất được tư tưởng trong từng chi bộ, từng đảng viên không để xảy ra tình trạng đoàn kết xuôi chiều hay dân chủ hình thức. Các đồng chí đảng viên giúp đỡ, tương trợ nhau trong công việc, trong cuộc sống cùng sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của các thế hệ học viên trong các hoạt động chung của Nhà trường.
Tuy nhiên cũng có lúc, có khi vẫn còn những ý kiến trái chiều, còn những tranh luận xoay quanh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sự phối hợp giữa một số khoa, phòng có lúc còn chưa kịp thời. Nhưng sau khi bàn bạc, thảo luận, góp ý kiến một cách dân chủ, chân thành thì mọi đảng viên đều thống nhất được tư tưởng. Trong thời gian tới nhiệm vụ và trọng trách của toàn Đảng bộ lại càng nặng nề hơn, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đề ra. Đồng thời hoàn thiện các tiêu chí để tiến tới đạt trường chuẩn mức 1 vào năm 2024, chuẩn mức 2 vào năm 2028. Thực tế đó cho thấy xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ là việc làm rất cần thiết tạo nên sức mạnh nội sinh để hoàn thành tốt những mục tiêu mà Đảng bộ đặt ra.
Để tiếp tục thực hiện những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục coi trọng công tác giáo dục nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là chủ trương, nghị quyết, Điều lệ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Đảng bộ. Qua đó mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc trong tư tưởng cũng như trong hành động. Có như vậy, mới tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức; từ đó có sự thống nhất về hành động của mỗi đảng viên, mỗi chi bộ trong Đảng bộ Nhà trường.
Thứ hai, quán triệt quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng; nghiêm túc thực hiện thực hành dân chủ rộng rãi. Phát huy tinh thần dân chủ trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, trong hội nghị, tất cả các đảng viên đều được nói ra những quan điểm của mình, từ đó đi đến sự thống nhất trong nhận thức và hành động; Nghiêm túc và hiệu quả trong vấn đề tự phê bình và phê bình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở cùng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị chung của Nhà trường. Làm tốt vấn đề tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng bộ.
Thứ ba, xây dựng chi bộ vững mạnh, đoàn kết nhất trí. Mỗi đảng viên cần phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng chi bộ ngày càng phát triển, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện đạo đức cách mạng. Khi mỗi đảng viên tốt sẽ làm nên một chi bộ tốt, mỗi chi bộ tốt sẽ góp phần xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Muốn khơi dậy được tinh thần đoàn kết trong chi bộ, người đứng đầu mỗi chi bộ, bám sát nhiệm vụ của chi bộ mỗi tháng, từ việc phân công công việc cho các đảng viên phù hợp, đảm bảo hài hòa về lợi ích. Có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ đồng chí mình trong việc thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống.
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chi bộ trực thuộc khi thực hiện nhiệm vụ chung. Mỗi chi bộ khoa, phòng như một mắt xích trong bộ máy Nhà trường, thực hiện nhiệm vụ đào tạo - bồi dưỡng có nhiều khâu liên quan chặt chẽ với nhau nên sự phối kết hợp là hết sức cần thiết. Mỗi đảng viên ở các khoa, phòng khác nhau cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ. Qua đó sớm phát hiện và giải quyết dứt điểm mọi mầm mống mất đoàn kết trong nội bộ tổ chức đảng ngay từ khi chớm xuất hiện.
Như vậy có thể thấy đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo của Đảng bộ để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, đây cũng là nhân tố để phát huy cao độ trí tuệ và khả năng sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên. Với trường Chính trị Thái Nguyên, khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất trong Đảng, Đảng bộ Nhà trường quyết tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, hoàn thành các mục tiêu đề ra đúng thời gian và hiệu quả./.
Bùi Thanh Thảo
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 611


[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 611

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập112
  • Hôm nay37,643
  • Tháng hiện tại99,403
  • Tổng lượt truy cập17,063,736
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây