Trên tờ báo phải luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
1. Đức cần, kiệm, liêm, chính đó là lời dạy đầu tiên của Bác về tư cách người Công an cách mệnh và nó cũng là cái gốc, là nền tảng của con người mới xã hội chủ nghĩa nói chung. Đối với lực lượng Công an thì “Cần” là sự siêng năng chăm chỉ, cố gắng, chủ động và hiệu quả trong công tác, chiến đấu ở từng lĩnh vực nghiệp vụ cụ thể; không ngại hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Kiệm” là tiết kiệm về thời gian, tài sản của mình và của Nhân dân, không lãng phí, xa hoa, phô trương trong mọi lĩnh vực công tác, chiến đấu chống tội phạm; là điều kiện quan trọng để thực hiện liêm, chính. “Liêm” là phải làm việc tuân thủ nguyên tắc và theo quy định của pháp luật, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không tham ô, nhận hối lộ, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của Nhân dân, không xâm phạm đến lợi ích chính đáng dù là nhỏ nhất của Nhân dân, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. “Chính” là không tà, là thẳng thắn. Người cán bộ Công an có chính nghĩa phải là người “Việc phải dù nhỏ mấy cũng làm, việc trái dù nhỏ mấy cũng tránh”, đồng thời phải có thái độ và trách nhiệm đấu tranh quyết liệt để bảo vệ chân lý, chính nghĩa, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh; phải trung thực, dũng cảm nhận rõ khuyết điểm của bản thân, chân thành học hỏi, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, vững vàng xử lý các tình huống tác động đến bản thân
2. Phẩm chất tốt đẹp của người Công an cách mệnh theo lời dạy của Bác là: “Đối với đồng sự phải thân ái giúp đỡ”. Đó là lời dạy mang đậm bản chất giai cấp công nhân, kế thừa, nâng cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bắt nguồn từ tính chất, nhiệm vụ công tác của lực lượng Công an. Trong hàng ngũ những người cách mạng, tình đồng chí, đồng đội là rất thiêng liêng, chung thủy, keo sơn, gắn bó với nhau thành sức mạnh của tổ chức.
3. Bản chất chính trị của Công an nhân dân thể hiện qua lời dạy: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”.
Một trong những điều Bác Hồ thường xuyên giáo dục lực lượng Công an nhân dân là bồi dưỡng lòng trung thành với Đảng. Bác chỉ rõ: “Công an nhân dân muốn hoàn thành nhiệm vụ thì trước hết phải tuyệt đối trung thành với Đảng”; “đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”. Theo Người, tuyệt đối trung thành với Đảng phải là bản chất chính trị và nguyên tắc rèn luyện cao nhất của Công an nhân dân. Người khẳng định: “Đảng lãnh đạo Công an nhân dân là một nguyên tắc, không thể nào thay đổi”. Phẩm chất trung thành của Công an đối với Đảng xuất phát từ tính chất, nhiệm vụ đặc biệt của Công an được Đảng giao cho đó là bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Lòng trung thành tuyệt đối của Công an với Đảng thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và chiến đấu; công an phải quán triệt và hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng giao trong từng thời kỳ cách mạng, làm tốt chức năng tham mưu và vai trò xung kích, nòng cốt trên mặt trận an ninh - trật tự; phải đảm bảo thực hiện đúng đường lối chính trị, nguyên tắc, sách lược trong đấu tranh với mọi kẻ địch. Phẩm chất trung thành với Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh từ công tác tổ chức, tuyển chọn cán bộ vào ngành, đến giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ lực lượng. Từng cán bộ, chiến sĩ Công an phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của Công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin của Nhân dân, Đảng và Chính phủ.
4. Nguyên tắc đạo đức của người Công an nhân dân là “Đối với Nhân dân, phải kính trọng lễ phép”.
Công an là một cơ quan của Đảng, của Chính phủ, vì vậy thái độ kính trọng, lễ phép đối với nhân dân không chỉ là phẩm chất đạo đức cao đẹp mà còn là một nguyên tắc làm việc, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ không ngừng trau dồi, rèn luyện. Kính trọng, lễ phép với nhân dân vừa là phẩm chất chính trị, vừa là yêu cầu trong công tác và chiến đấu của Công an, là sự kế thừa những tinh hoa trong đạo lý của dân tộc Việt Nam. Thái độ kính trọng nhân dân thể hiện ở việc bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhân dân, xử lý kịp thời những kẻ có hành động xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; “phải làm thế nào để được lòng dân, phải thật sự giúp đỡ dân trong mọi việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như vậy người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ Công an”.
5. “Đối với công việc phải tận tụy”. Theo Người, tận tụy là đức hy sinh dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh. Tận tụy trong công việc thể hiện ở đức tính bền bỉ, khắc phục khó khăn, phát huy tính năng động chủ quan, tự lực tự cường để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Thước đo của tính tận tụy là hiệu quả trong công việc, sản xuất, chiến đấu và trong công tác.
6. Bản lĩnh chiến đấu của Công an nhân dân qua lời dạy “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
75 năm qua, Sáu điều dạy của Bác về “Tư cách người Công an cách mệnh” vẫn còn nguyên giá trị và luôn có tính thời sự sâu sắc, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.