Sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam qua cuộc đấu tranh phòng, chống đại dịch COVID-19

Thứ hai - 09/11/2020 03:41
Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc đại dịch kéo dài trong bao lâu cũng như phản ứng ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế của các chính phủ. Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của toàn dân, công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta cho đến thời điểm này đã kiểm soát tốt, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kết quả đó là tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, yếu tố đặc biệt quan trọng là đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân.
Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]. Mọi việc đều bắt nguồn từ dân, lấy dân làm gốc, sinh mạng của người dân là quan trọng nhất, tinh thần đoàn kết dân tộc là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Điều này cũng đã được Đảng ta vận dụng thành công trong hơn 90 năm qua. Bài học lịch sử về tinh thần đoàn kết dân tộc một lần nữa đã được chứng minh, được phát huy trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Sức mạnh đoàn kết đó có thể khái quát ở một số nội dung như sau:
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước đề ra phương hướng đúng đắn trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam; tích cực, chủ động với công tác ứng phó và phòng, chống dịch.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Những thời điểm ra lời kêu gọi chính là những thời điểm cần huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết thư “Kính cáo đồng bào” ngày 6-6-1941, kêu gọi toàn thể nhân dân đoàn kết để đánh đuổi Pháp, Nhật: “Chúng ta phải đoàn kết lại...” Việc cứu nước là việc chung của mọi người Việt Nam, ai cũng phải gánh một phần trách nhiệm: “Người có tiền, góp tiền, người có của, góp của, người có sức, góp sức, người có tài năng góp tài năng...”. Dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi, phần nhiều dựa vào tinh thần đoàn kết một lòng ấy của nhân dân cả nước.
Trong trận chiến chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai, ứng phó và ngăn chặn dịch lây lan. Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viết “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.     Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác ứng phó và phòng, chống dịch. Toàn lực lượng ngành Y tế, Quân đội, Công an đã phối hợp chặt chẽ cùng các ngành chức năng đồng loạt ra quân, đoàn kết thống nhất, nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, bài bản, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội. Đồng thời, triển khai một loạt biện pháp, như: cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người tham gia, tạm dừng các hoạt động dịch vụ kinh doanh (trừ các mặt hàng thiết yếu); khuyến khích chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến; tổ chức sàng lọc cách ly ngay tại các cửa khẩu, sân bay; hủy bỏ các hoạt động du lịch, v.v.
          Sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tình trạng chủ quan, lơ là ở các cơ quan, công sở, xí nghiệp, người dân đối với việc chấp hành quy định phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc…đã khiến dịch bùng phát đợt 2 tại Đà Nẵng. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo quốc gia và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các địa phương, quán triệt quan điểm “chống dịch như chống giặc” trên tinh thần “thần tốc, quyết liệt”… các biện pháp phòng, chống dịch một lần nữa có hiệu quả trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, hạn chế sự lây lan rộng ra cộng đồng. Tính đến ngày 26/10/2020, Việt Nam đã chữa khỏi 1.061 bệnh nhân/1.169 bệnh nhân COVID-19, không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca; đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng. Việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh là điều mà các nước có tiềm lực kinh tế mạnh, có nền y học hiện đại hơn nước ta nhiều lần đã không làm được.
          Thứ hai, sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân với công tác phòng, chống dịch COVID-19.
          Trong trận chiến chống dịch COVID-19, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.  Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Qua đây, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn từ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, từ sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hơn bao giờ hết, càng khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo sức mạnh to lớn trong công tác phòng, chống dịch. 
Tuy nhiên, với nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng là thường trực, thách thức lớn nhất là tâm lý lơ là, chủ quan của người dân trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thu nhập cho người dân. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động, quyết liệt tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới, chuẩn bị đầy đủ các kịch bản có thể xảy ra của dịch bệnh. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh cần triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, kiểm soát không để lây lan rộng ra cộng đồng. Người dân cần tự giác nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Thứ ba, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết quốc tế, giúp đỡ các nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì hoàn thành tốt và phù hợp nghĩa vụ quốc tế, coi “giúp bạn là tự giúp mình”. Phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế của Người, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam không chỉ làm tốt công tác kiểm soát dịch ở trong nước, mà còn với sự thể hiện trách nhiệm cao đối với bạn bè quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ cho bạn bè, đối tác.   Với phương châm kiểm soát dịch COVID-19 là nhiệm vụ toàn cầu, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nghiên cứu, triển khai, hoàn thiện phác đồ điều trị, nghiên cứu văcxin…Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập, nuôi cấp thành công virus COVID-19. Lực lượng chuyên gia, nhà khoa học các lĩnh vực được huy động và tích cực tham gia, sản xuất thành công bộ KIT xét nghiệm COVID-19 trong thời gian ngắn, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận; nghiên cứu sản xuất nhiều thiết bị, vật tư y tế, phần mềm phục vụ phòng, chống dịch, trong đó đã sản xuất được máy thở. Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại được triển khai trong phòng, chống dịch COVID-19 như phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa…

Với tinh thần chia sẻ, đoàn kết và chủ động hội nhập, Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch với các quốc gia, tổ chức quốc tế, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác. Hành động hỗ trợ công dân người nước ngoài tại các khu vực cách ly, hỗ trợ khẩu trang, vật tư, thiết bị y tế chất lượng, phối hợp tổ chức đưa công dân các nước tại Việt Nam và công dân người Việt Nam ở nước ngoài về nước được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao. Đây là thông điệp về tình đoàn kết, cam kết và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh hiện nay, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong công đồng quốc tế.

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải chống lại COVID-19 thì tại Việt Nam, đại dịch đã dần được khống chế. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Thực hiện lời Bác dạy, bằng tinh thần dân tộc, bằng sự vào cuộc quyết liệt “Chống dịch như chống giặc”, sự đoàn kết của toàn dân, toàn quân,... Việt Nam đã và đang khẳng định được thế mạnh trong công tác phòng ngừa, điều trị và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Ma Trần Thu Hường

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 276

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay17,528
  • Tháng hiện tại540,554
  • Tổng lượt truy cập21,710,671
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây