Giáo dục 4.0 có sự thay đổi lớn trong mục tiêu và cách thức đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang khai phóng tiềm năng, đồng thời trao quyền chủ động sáng tạo cho từng cá nhân. Người dạy sẽ chuyển sang vai trò mới là người thiết kế, cố vấn, tạo môi trường học tập. Với nội dung học tập được số hóa, người học sẽ có lộ trình, nội dung đào tạo phù hợp với mục tiêu đào tạo. Người học có thể chủ động nghiên cứu tài liệu cũng như tương tác với giảng viên mọi thời điểm bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh. Trong giáo dục 4.0, Nhà trường có thể thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá chính xác về người học, theo dõi qúa trình học tập, rèn luyện của học viên. Hiện nay các tập đoàn công nghệ lớn đã cho ra đời nhiều thiết bị và phần mềm thông minh phục vụ giáo dục.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác giáo dục nói chung và giáo dục lý luận chính trị (LLCT) nói riêng. Khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển yêu cầu đặt ra đối với giảng viên và học viên cũng tăng lên. Nếu không cập nhật kiến thức công nghệ thì việc có thể sử dụng các thiết bị và phần mềm trong giảng dạy và học tập LLCT sẽ bị hạn chế. Mặt khác, kinh phí tiếp cận công nghệ hiện đại cũng là một vấn đề mà các Trường phải cân nhắc... Chính vì vậy, đến nay hành động và chiến lược cụ thể cho tiến trình công nghệ hóa giáo dục nói chung và giáo dục LLCT nói riêng còn chậm.
Một số giải pháp đổi mới giáo dục LLCT trong cách mạng công nghiệp 4.0:
Một là: Nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về áp dụng tiến bộ về công nghệ trong phát triển giáo dục LLCT.
Việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về việc áp dụng thành tựu của cách mạng khoa học 4.0 vào giảng dạy LLCT sẽ mở ra các cơ hội được đầu tư về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để giảng viên và học viên có thể được tiếp cận thành tựu của công nghệ hiện đại.
Hai là: Đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo.
Mục tiêu đào tạo LLCT cần thay đổi theo hướng thúc đẩy sáng tạo, phát triển năng lực cá nhân. Cần xác định rõ đặc thù của từng đối tượng học viên để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Hệ thống giáo trình, tài liệu học tập cũng cần thay đổi, cập nhật liên tục. Chú trọng đào tạo các kỹ năng mới như tìm kiếm thông tin, cập nhật phần mềm, tiếp cận và lưu trữ dữ liệu, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm...
Cần thay đổi tư duy dạy và học theo phương pháp mới để người học vừa lĩnh hội được kiến thức LLCT, vừa vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác ở địa phương. Kết hợp giữa các phương pháp truyền thống với các phương pháp mới đồng thời gắn với công nghệ hiện đại.
Ba là: Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý.
Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý ở các trường chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới trong dạy và học LLCT. Kiểm soát chặt chẽ các khâu đánh giá kết quả học tập, nghiệm thu đề tài khoa học, cấp phát bằng, đảm bảo chất lượng khi học viên tốt nghiệp...
Tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý giáo dục đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp khoa, phòng trở lên. Tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng năng cao năng lực lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ cán bộ quản lý của các trường chính trị.
Bốn là: Tăng cường trao đổi, giao lưu hợp tác với các trường chính trị trong hệ thống, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo LLCT
Tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước sẽ giúp giảng viên học hỏi kinh nghiệm, phương pháp giáo dục từ các trường bạn và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, tạo ra các cơ hội nghiên cứu khoa học, cải thiện chất lượng dạy học LLCT theo hướng tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Phòng QLĐT&NCKH