Nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Nguyên

Chủ nhật - 31/01/2021 21:22
Hội LHPN thành phố Thái Nguyên có 34 cơ sở Hội (32 cơ sở Hội phường, xã và 02 Hội phụ nữ trực thuộc là Hội phụ nữ Công an thành phố, Hội phụ nữ Ban Chỉ huy Quân sự thành phố); 04 chi hội trực thuộc (Chi hội phụ nữ Chợ Dốc Hanh, Chi hội phụ nữ Công ty Cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình; Chi hội Phụ nữ Công ty TNHH Công Lan; Chi hội phụ nữ cơ quan Hội LHPN Thành phố).
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để thực hiện tốt chức năng đại diện của mình, Hội xác định rõ nội dung, phạm vi, hình thức, quy trình giám sát và phản biện xã hội để triển khai thực hiện. Giám sát và phản biện xã hội là cách thức để Hội LHPN Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, là cách thức để Hội LHPN Việt Nam đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, vị trí của mình trong xã hội.
Cá nhân tiêu biểu của phụ nữ thành phố Thái Nguyên được tôn vinh trong phong trào thi đua yêu nước Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2015-2020
Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Hội LHPN Việt Nam đã được ghi nhận và xác định trong Hiến pháp, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam; Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đảng ta khẳng định vai trò rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đề ra giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.
Tham gia xây dựng, phản biện và giám sát các chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp chú trọng thực hiện. Các cấp Hội LHPN Việt Nam chủ động thực hiện giám sát và phản biện xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu đã có tác động tích cực đến việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Hội LHPN thành phố Thái Nguyên có 34 cơ sở Hội (32 cơ sở Hội phường, xã và 02 Hội phụ nữ trực thuộc là Hội phụ nữ Công an thành phố, Hội phụ nữ Ban Chỉ huy Quân sự thành phố); 04 chi hội trực thuộc (Chi hội phụ nữ Chợ Dốc Hanh, Chi hội phụ nữ Công ty Cổ phần Chè Tân Cương Hoàng Bình; Chi hội Phụ nữ Công ty TNHH Công Lan; Chi hội phụ nữ cơ quan Hội LHPN Thành phố). Xác định tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội, Hội LHPN thành phố Thái Nguyên đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố tham mưu xây dựng Đề án số 07 ngày 20/4/2016  của Thành ủy Thái Nguyên về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”. Kết quả đạt được như sau:
* Công tác giám sát
Từ năm 2016 đến năm 2020, Hội LHPN thành phố Thái Nguyên đã xin ý kiến Thường trực Thành ủy và chủ trì tổ chức 6 cuộc giám sát. Nội dung các cuộc giám sát tập trung vào việc thực hiện các Luật hiện hành như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, việc đảm bảo tỷ lệ phụ nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định; Luật Phòng chống Bạo lực gia đình; Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 56/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; việc hỗ trợ chi trả theo Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát là khâu quan trọng qua đó sẽ đánh giá được hiệu quả giám sát. Để làm được việc này, Hội LHPN Thành phố phân công các đồng chí Thường trực Hội đăng ký và trực tiếp làm việc với các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương được giám sát đề nghị quan tâm giải quyết các kiến nghị sau giám sát và phân công cán bộ, Ban chuyên môn theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị để có kiến nghị tiếp theo. Các kiến nghị của Hội LHPN Thành phố đã được các cơ quan, đơn vị được giám sát nghiêm túc tiếp thu và giải quyết.
Hội LHPN Thành phố đã tham gia 108 cuộc giám sát do các cấp, các ban, ngành tổ chức như: Tham gia các đoàn giám sát của Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Thành phố giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị tại đảng bộ một số xã, phường; giám sát các nội dung của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; giám sát việc thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11; việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của các trường Mầm non, tiểu học và THCS công lập theo Nghị định số 04/20156/NĐ-CP; việc quản lý và sử dụng Quỹ Vì người nghèo trên địa bàn các xã, phường…
* Công tác phản biện xã hội
Từ năm 2016 đến năm 2020, hội LHPN thành phố đã tổ chức được 18 hội nghị lấy ý kiến của cán bộ chuyên trách cơ quan Hội LHPN thành phố, Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội LHPN các phường, xã và đơn vị trực thuộc về các dự thảo luật như: Bộ Luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật bảo hiểm xã hội và 11 đề án của thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020 với 196 ý kiến phát biểu và 64 ý kiến bằng văn bản tham gia đóng góp. Các đồng chí cán bộ Hội là đại biểu HĐND thành phố tham gia thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết các kỳ họp của HĐND thành phố, luôn đi sâu đi sát cơ sở lắng nghe ý kiến của hội viên phụ nữ và nhân dân, tập hợp những kiến nghị, đề xuất chính đáng, ý kiến phản ánh của các tầng lớp phụ nữ để báo cáo với cấp ủy, chính quyền thông qua các cuộc họp của HĐND và thông tin cho hội viên, phụ nữ về kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng khi nhận được thông tin.
Công tác phản biện xã hội được Hội LHPN thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc theo quy định, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ của Hội. Hoạt động phản biện được thực hiện đúng quy trình theo quy định của bộ Chính trị và Hướng dẫn của Hội cấp trên, đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan và mang tính xây dựng. Các ý kiến đóng góp được tổng hợp đầy đủ gửi Hội LHPN tỉnh, UBND thành phố và các phòng chức năng.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội LHPN thành phố Thái Nguyên trên thực tế còn hình thức; chưa đồng đều ở các cấp; lúng túng trong lựa chọn nội dung, phương pháp giám sát, phản biện. Đa số các đơn vị chưa tổ chức được đoàn giám sát trực tiếp, chủ yếu là giám sát gián tiếp và tham gia giám sát. Việc tổ chức hội nghị phản biện còn ít, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực pháp lý, chất lượng phản biện chưa cao, chưa phát huy tốt vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ.
Thời gian tới, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Hội LHPN Thành phố Thái Nguyên, cần:
Thứ nhất, nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng và tham gia xây dựng chính quyền; xác định: Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng của Hội LHPN các cấp; tập trung ưu tiên tổ chức thực hiện hoạt động này.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội LHPN.
Triển khai nghiêm túc, quán triệt các quan điểm, nội dung, nguyên tắc và phương pháp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ Hội LHPN Việt Nam; Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 2854-QĐ/TU, ngày 30/01/2015 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc ban hành Quy định thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền, các cơ quan nhà nước trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp với UBND thành phố, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và các ban ngành có liên quan. Tham mưu đề xuất, đóng góp ý kiến với UBND trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án tại địa phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; tổ chức tham gia thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Hội LHPN Thành phố. Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh và tâm huyết với công việc, đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của công tác Hội. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với yêu cầu nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên.
Giám sát và phản biện xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, vừa là quyền đồng thời vừa là trách nhiệm của Hội LHPN các cấp nói chung, Hội LHPN Thành phố Thái Nguyên nói riêng. Thực hiện thành công giám sát và phản biện xã hội cũng giúp cho Hội thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ, là một trong những lý do cho sự tồn tại và phát triển của tổ chức Hội LHPN Việt Nam.
Ma Trần Thu Hường
Khoa Xây dựng Đảng
Tài liệu tham khảo: Báo cáo số 276/BC-BTV ngày 4/12/2019 của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Thái Nguyên “Tổng kết thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU ngày 20/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Thái Nguyên”.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay24,199
  • Tháng hiện tại549,874
  • Tổng lượt truy cập21,032,267
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây