Quốc hội khóa đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ năm - 18/02/2021 02:26
Quốc hội Việt Nam được hình thành trong quá trình đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc; trong cao trào đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Tiền thân của Quốc hội Việt Nam là “Quốc dân đại hội” được tổ chức tại đình Tân Trào, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày 16/8/1945. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Chính phủ lâm thời để lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Quốc hội khóa đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chỉ mấy tháng sau đó, ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã được tiến hành. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo… đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội.
Tổng tuyển cử mở ra một thời kỳ mới, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội khoá I đã họp phiên đầu tiên vào ngày 2/3/1946, với sự tham dự của 300 đại biểu, Quốc hội đã: Công nhận danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; công nhận danh sách Kháng chiến Uỷ viên Hội, với Chủ tịch là ông Võ Nguyên Giáp; công nhận danh sách Quốc gia Cố vấn đoàn, với ông Cố vấn Tối cao Vĩnh Thuỵ (tức cựu hoàng Bảo Ðại) làm Ðoàn trưởng; bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban; bầu Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.
Kì họp thứ I Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên
Ban thường trực Quốc hội đã triệu tập Quốc hội họp Kỳ thứ 2 tại thủ đô Hà Nội từ ngày 29.10 đến ngày 9.11.1946 với sự tham gia của 290 đại biểu. Đại diện lãnh sứ quán Anh, Mỹ, Trung Hoa, Thụy Sĩ… cùng tham dự.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã viết tiếp trang sử mới bằng việc thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 240/242 đại biểu tán thành. Bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước độc lập gồm 7 chương với 70 điều. Đây là bản Hiến pháp thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, là nền tảng pháp lý xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đầu tiên.
Là Quốc hội có nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử Quốc hội Việt nam (từ năm 1946 đến năm 1960). Trong 14 năm nhiệm kỳ Quốc hội đã xây dựng chế độ dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; tổ chức và động viên toàn dân "kháng chiến, kiến quốc" giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc; ban hành nhiều đạo luật quan trọng của Nhà nước Dân chủ Cộng hòa nhằm thể chế hoá quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật như: Dự án luật Lao động (thông qua ngày 8-11-1946), Luật Ðảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân (ban hành ngày 20-5-1957), Luật Công đoàn (ban hành ngày 5-11-1957), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thông qua ngày 14-9-1957; ban hành ngày 31-5-1958), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ban hành ngày 13-1-1960), Luật hôn nhân và gia đình (ban hành ngày 13-1-1960),… ; đề ra các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến quốc kế dân sinh, quyết định về ngân sách quốc gia, về phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục, về chính sách dân tộc, về an ninh quốc phòng, về chính sách đối ngoại.
Tiếp tục truyền thống của Quốc hội khóa I, Quốc hội Việt Nam đã phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội đã đề ra các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến quốc kế dân sinh, quyết định về ngân sách quốc gia, về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, về chính sách dân tộc, về an ninh quốc phòng, về chính sách đối ngoại. Quốc hội cũng đã thực hiện quyền giám sát tối cao trong quá trình thực thi Hiến pháp và luật, kiểm tra sự chỉ đạo điều hành của bộ máy Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
75 năm, quãng thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ, nhưng lớp trẻ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên mỗi khi có dịp tiếp cận những trang sử hào hùng của Quốc hội là mỗi lần ôn lại những bài học lịch sử không thể nào quên. Đó là những bài học về cội nguồn sức mạnh ở dân, khối đoàn kết toàn dân, dựa vào lòng dân, dựa vào lực lượng ở nơi dân chính là biểu tượng sức mạnh dân tộc Việt Nam, chiến thắng mọi kẻ thù.
Sự kiện Quốc hội ra đời và việc ban hành Hiến pháp 1946 là bước đi đầu tiên vững chắc của Nhà nước bắt nguồn từ niềm tin, sức mạnh của nhân dân -  Nhà nước pháp quyền của dân sinh ra trong đêm trường nô lệ, mất nước, vượt qua bão giông, thử thách của thời đại để có ngày hôm nay.
Nguyễn Thị Giang - Đào Thị Dung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập91
  • Hôm nay24,363
  • Tháng hiện tại550,038
  • Tổng lượt truy cập21,032,431
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây