Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể múa Tắc Xình ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Thứ năm - 26/11/2020 20:15
Dân tộc Sán Chay là một dân tộc có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, có sự gắn kết, đồng hành cùng phát triển của đất nước. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Sán Chay đã có những đóng góp quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam. Ở bài viết này chúng tôi xin bước đầu tiếp cận giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Sán Chay, cụ thể chúng tôi nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể Múa Tắc Xình ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
1. Khái quát lịch sử, văn hóa dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương:
Dân tộc Sán Chay di cư vào Đại Việt muộn hơn dân tộc Dao. Trước đây, dân tộc Sán Chay còn được gọi ghép là Cao Lan- Sán Chỉ vốn có nguồn gốc từ các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam ( Trung Quốc). Thực ra, cách gọi ghép Cao Lan- Sán Chỉ là gọi các nhóm địa phương có tiếng nói ít nhiều khác nhau. Tiếng nói nhóm Cao Lan gần giũ với nhóm ngôn ngữ Tày- Thái. Còn nhóm Sán Chỉ lại có đặc điểm của thổ ngữ Hán vùng Quảng Đông. Đó là quan niệm trước đây hàng chục năm. Hiện nay, kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù dân tộc Sán Chay có các nhóm địa phương nhưng tiếng nói của họ cùng có nguồn gốc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Dân tộc Sán Chay vào phía Bắc Đại Việt cách ngày nay khoảng trên 900 năm. Họ định cư chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng, Thái Nguyên... Người Sán Chay không có chữ viết riêng mà sử dụng chữ Hán trong mọi lĩnh vực sáng tác hay giao dịch
Ở Thái Nguyên, người Sán Chay có số dân chiếm 2,8% số dân của tỉnh (32.483 người), xếp thứ 5 sau các dân tộc Kinh (88,1%), Tày (10.2%), Nùng (5,2%) và Sán Dìu (3,6%) (Dân tộc Sán Chay ở VN- NXB Văn hoá dân tộc)
Phú Lương là một huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, có diện tích tự nhiên 368,8 km2; dân số trên 104 nghìn người, huyện có 16 xã, thị trấn và 8 dân tộc anh em là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chay, Mông, Sán Dìu, Hoa cùng sinh sống.
Cũng như cộng đồng người Sán Chay ở Việt Nam, người Sán Chay ở Phú Lương chiếm 9,7% dân số toàn huyện, tập trung chủ yếu ở 12 xã, thị trấn, trong đó các xã: Phú Đô, Yên Lạc, Tức Tranh, Phấn Mễ, Yên Ninh, Yên Đổ là những địa phương có đông  người Sán Chay sinh sống.
Người Sán Chay ở Phú Lương cũng được phân chia thành 2 nhóm: nhóm Cao Lan sử dụng ngôn ngữ Tày – Thái, chủ yếu ở các xã Yên Đổ, Yên Trạch, Phấn Mễ; nhóm Sán Chí sử dụng ngôn ngữ Hán - Tạng, nhóm này chiếm đông và tập trung ở các xã: Phú Đô, Tứ Tranh, Yên Lạc.
Do điều kiện tự nhiên – xã hội, người Sán Chay ở Phú Lương sống đan xen với các dân tộc khác, trong quá trình giao thoa, tiếp biến Văn hóa đã làm cho bản sắc Văn hóa của người Sán Chay ở Phú Lương dần bị mai một.  Ở những địa phương có cộng đồng người Sán Chay sống quy tụ thành những bản làng Pháng (Phú Đô), Đồng Tâm, Đồng Lường (Tức Tranh); Đồng Xiền, Cây Thị, Mường Gằng (Yên Lạc)... thì những nét văn hóa của người Sán Chay được giữ gìn và phát huy khá tốt. Ở những địa phương có ít người Sán Chay sống đang bị mất dần bản sắc văn hóa của mình.
 2. Giá trị văn hóa phi vật thể Múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay:
 Trong thời đại giao lưu và hội nhập ngày nay, văn hóa tâm linh tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số cũng như văn hóa của tộc người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên, đang dần bị mai một, lãng quên và mất dần chỗ đứng vì sự du nhập của các trào lưu văn hóa ngoại lai đang phát triển một cách ồ ạt…làm cho mọi hoạt động văn hóa gắn liền với tín ngưỡng, gắn với dân gian tộc người dần bị đẩy lùi, có nguy cơ mai một. Không chỉ vậy, hiện nay giới trẻ với nhận thức về văn hóa dân tộc nước nhà chưa đầy đủ, đã làm giới trẻ rất thờ ơ quay lưng lại với cả một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng của dân tộc. Trong khi đó chính giới trẻ phải là những thế hệ để tiếp nối cha ông trong việc tiếp nhận, gìn giữ và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của người Sán Chay ở Thái Nguyên vẫn luôn tồn tại, hiện hữu trong đời sống của đồng bào nơi đây, thậm chí có xu hướng phát triển. Vì vậy mọi cấp, mọi ngành của tỉnh Thái Nguyên và toàn thể xã hội cần phải chung tay để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của người Sán Chay.
Không gian Múa Tắc Xình của đồng bào Sán Chay
ở xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
Người Sán Chay ở Phú Lương có vốn văn nghệ dân gian khá phong phú và đa dạng. Bên cạnh những lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội cầu mùa, còn có các vũ điệu như xúc tép, múa chim gâu và kho tàng truyện cổ tích, thơ, ca, hò, vè phản ánh các đề tài đấu tranh với thiên tai, địch họa, phản ánh lao động sản xuất và quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, thể hiện ước vọng trong tình yêu, ước vọng chinh phục thiên nhiên, hướng tới cuộc sống tốt đẹp.
Đặc biệt người Sán Chay ở Phú Lương vẫn lưu truyền được thể loại dân vũ đó là Múa Tắc Xình hay còn gọi là Múa cầu mùa của người Sán Chay như một nét văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng.
Vũ điệu Tắc Xình, đó là nội dung không thể thiếu, đồng thời cũng là nét đặc trưng văn hóa hấp dẫn nhất trong lễ hội cầu mùa của người Sán Chay ở  huyện Phú Lương. Lễ hội cầu mùa là hoạt động tín ngưỡng, tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh đã cho mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, bản làng no ấm, và cầu khẩn sự che chở trong vụ tiếp theo. Cứ mỗi độ xuân về, khi các dân tộc tưng bừng mở hội cũng là lúc người Sán Chay bước vào lễ hội cầu mùa. Điệu nhảy Tắc Xình trong lễ hội cầu mùa để cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, ngô lúa được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.
Múa Tắc Xình được hình thành và phát triển trên 900 năm cùng với tiến trình hình thành và phát triển cộng đồng người Sán Chay ở Việt Nam nói chung và huyện Phú Lương nói riêng. Động tác múa và âm nhạc cho múa đơn giản, dễ thực hành, nên nó đã được cộng đồng người Sán Chay ở huyện Phú Lương từ đời này qua đời khác truyền dạy lại trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc của huyện Phú Lương. Trải qua thăng trầm của thời gian, múa Tắc Xình vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của người Sán Chay, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Theo những tư liệu nghiên cứu được thì điệu múa Tắc Xình là điệu múa sinh hoạt dân gian có từ rất lâu đời và được thể hiện bằng các động tác trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày như: Phát rẫy, tra hạt, đuổi thú, phát nương.... Nhạc cụ phục vụ múa Tắc Xình chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa và một số nhạc cụ khác bổ trợ. Tất cả các nhạc cụ phục vụ âm nhạc cho điệu múa đều phù hợp trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chay. Ngoài ra, điệu múa Tắc Xình còn có tiết tấu âm nhạc đơn giản, nguyên sơ không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại, với ngôn ngữ múa lại dễ hiểu, dễ học và người học cũng dễ nhớ.
 Múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay huyện Phú lương có 2 kiểu múa đó là kiểu múa dương và kiểu âm. Kiểu múa dương là múa cho người dương xem như mừng ngày xuân, ngày hội mà hàng năm vẫn được bà con tổ chức (Thay cho điều ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thường được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm), còn kiểu múa âm thì không sử dụng đến. Là một điệu múa tập thể, đơn giản nhưng rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc Sán Chay. Múa Tắc Xình có 8 âm liên tiếp nhưng chỉ có hai âm “tắc” và âm “xình” hợp lại. “Tắc” là âm phát ra bởi tiếng gõ trên thân ống tre. Còn âm “xình” là âm phát ra từ ống tre gõ xuống đất. Các âm “tắc“, “xình“ phát ra theo một trật tự nhất định để kết thành một giai điệu rất riêng không thể lẫn với dân tộc khác: Tắc- Tắc- Xình, Tắc- Tắc- Xình, Tắc- Xình. 
Múa Tắc Xình là biến âm của tắc xịch, tức là được ăn. Vũ điệu Tắc Xình thể hiện tín ngưỡng phồn thực, xuất phát từ triết lý âm dương gắn với nền sản xuất nông nghiệp. Đây là nghi thức trình diễn quan trọng của  lễ hội Cầu mùa người Sán Chay được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng 2 Âm lịch hàng năm,  để cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, ngô lúa được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.
Múa Tắc Xình cầu mùa có 10 động tác mô phỏng hoạt động phát rẫy làm nương của người Sán Chí gồm: Thăm đường, dọn đường, mài dao, đánh dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Đó là một vũ điệu cực kỳ đặc sắc và giàu ý nghĩa nhân sinh, các động tác nhịp nhàng theo tiếng nhạc, điệu múa Tắc Xình cũng chịu ảnh hưởng bởi tín ngưỡng phồn thực trong nghi lễ của dân tộc Sán chay. Ngọn tre và các dụng cụ gõ biểu trưng cho cầu nối giữa đất trời và quan niệm của người dân nơi đây, khí âm dương hòa quyện sẽ sinh sôi nảy nở, tạo ra sự sống cho muôn loài. Cũng như nghi lễ của nhiều dân tộc khác trên mọi miền của đất nước, đến nay, múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay đang có những biểu hiện mai một. 
Dàn nhạc cụ gõ trong biểu diễn múa dân gian Tắc Xình
của đồng bào Sán Chay,Đồng tâm, huyện Phú Lương
Di sản văn hoá truyền thống Việt Nam có nhiều loại hình khác nhau, trong đó có thể nói Di sản văn hóa phi vật thể múa Tắc Xình ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, đó là di sản văn hoá quý báu của dân tộc. Di sản văn hóa phi vật thể múa Tắc Xình được sáng tạo, lưu truyền tự nhiên, rộng rãi từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Nó được kết thành từ quá trình lao động và sinh hoạt, trong đó tích tụ cả trí tuệ và niềm vui sống của bao thế hệ con người. Chính vì vậy, Di sản văn hóa phi vật thể múa Tắc Xình chứa đựng trong đó nền văn hoá  tộc người độc đáo và giàu bản sắc.
Với nét độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc của người Sán Chay, ngày 25/8/2014, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã có Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công nhận Múa Tắc Xình là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
 3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Múa Tắc Xình trong quá trình hội nhập văn hóa:
 Năm 1990, thông qua việc điều tra, sưu tầm văn hóa dân giạn tại gia đình cụ Chánh Phẩm người Sán Chay ở Làng Hin xã Phấn Mễ huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên. Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Phú Lương đã cùng ông Giang Khuê Tấn- Nguyên cán bộ Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Thái Nguyên đã sưu tầm, phục dựng điệu múa và lần đầu tiên công bố điệu múa tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thái Nguyên năm 1990. Điệu múa đã trở thành hiện tượng, làm tiền đề cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của huyện Phú Lương.
 Năm 1996, thông qua nghệ nhân Vi Văn Cài và nghệ nhân Trần Văn Thảo  xóm Pháng 3, xã Phú Đô huyện, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; nghệ nhân Hầu Văn Đạo, Hầu Văn Tĩnh xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, ngành VH-TT huyện Phú Lương đã khảo sát, thu thập các nét cơ bản của múa Tác Xình, qua đó tiến hành phục dựng hoàn chỉnh các động tác của điệu múa. Khai thác điệu múa để tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng của tỉnh Bắc Thái (Thái Nguyên cũ) năm 1996 tại Bắc Cạn; Ngày hội văn hóa vùng đông bắc tại Lạng Sơn năm 1998; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2005; Giao lưu văn hóa Việt Nam- Thụy điển năm 2005; Khai mạc liên hoan dân ca toàn quốc năm 2008.
Đặc biệt năm 2005 điệu múa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND huyện Phú Lương tổ chức phục dựng Lễ hội cầu mùa của người Sán Chay ở xóm Đồng Tâm xã Tức Tranh là một trong 10 lễ hội dân tộc thiểu số của toàn quốc được phục dựng, trong đó múa Tắc Xình là một nội dung được phục dựng nguyên gốc.
Năm 2005 Viện Dân tộc thuộc Ủy ban dân tộc Chính phủ đã phối hợp với UBND huyện Phú Lương thực hiện Dự án: Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Sán Chay (nhóm Sán Chí) tại xã Yên Lạc, huyện Phú Lương. Theo đó,  dự án này đã giúp Bản Đồng Xiền, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương củng cố Nhà văn hóa; Phục hồi và củng cố Đền thờ Thổ công của bản; Định hướng và khôi phục một số bàn thờ tổ tiên của gia đình người Sán Chay; Khôi phuc một số bộ trang phục truyền thống của người Sán Chay; Sưu tầm và bổ sung một số nhạc cụ truyền thống của múa Tắc Xình; Xây dựng Câu lạc bộ Múa Tắc Xình của bản Đồng Xiền; Tổ chức thành công ngày hội văn hóa Sán Chay huyện Phú Lương thu hút đông đảo người dân Sán Chay của các địa phương trong huyện tham gia.
Từ năm 2005 đến nay, UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo phòng VH&TT huyện hướng dẫn các địa phương thành lập các Câu lạc bộ Múa Tắc Xình trong cộng đồng người Sán Chay và toàn huyện để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo phòng VH&TT huyện phối hợp với phòng GD&ĐT huyện xây dựng Kế hoạch liên tịch đưa dân ca, dân vũ vào chương trình hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường của huyện năm học 2013 – 2014. Theo đó các địa phương có đông người Sán Chay sinh sống thành lập các Câu lạc bộ múa Tắc Xình để duy trì việc truyền dạy và bảo tồn Múa Tắc Xình trong các nhà trường trong toàn huyện. Điệu dân vũ đặc sắc này đã có mặt tại nhiều sựu kiện văn hóa quan trong trong nước như : Giao lưu văn hóa quốc tế Việt Nam – Thụy Điển tại Hà Nội ; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam ; Khai mạc liên hoan dân ca toàn quốc…Đặc biệt năm 2013, Múa Tắc Xình tham gia Liên hoan Dân ca – Dân vũ Việt Nam và đã xuất sắc đạt giải A toàn quốc.
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Múa Tắc Xình vào hệ thống giáo dục ở các cấp học trên địa bàn huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên ; tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá để Múa Tắc Xình có cơ hội trình diễn trước bạn bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập các câu lạc bộ Múa Tắc Xình trong cộng đồng Sán Chay và người dân.
Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản phi vật thể này, nghành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho tỉnh xây dựng Dự án về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đã được xếp hạng cấp Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, chú trọng định hướng việc bảo tồn gắn với phát triển du lịch nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
3.1. Một số khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy:
Mặc dù múa dân gian Tắc Xình cũng như các nghi lễ tín ngưỡng khác được thể hiện trong lễ hội Cầu mùa của cộng đồng tộc người Sán Chay ở Thái Nguyên vẫn đang tồn tại và phát triển với quy luật riêng, gắn với lĩnh vực văn hoá. Mặc dù sức sống của nó là vậy, trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước Nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của đồng bào Sán Chay cũng đã xuất hiện những nguy cơ đang dần bị mai một và biến đổi dưới nhiều sự tác động khác nhau là không thể tránh khỏi, và đã xuất hiện từ lâu. Sự mai một đó là do những nguyên nhân sau:
Một là: Do các thế hệ cha, ông hoặc những người lưu giữ các điệu múa dân gian Tắc Xình cao tuổi lần lượt ra đi theo quy luật của cuộc sống, ngày càng ít dần thế hệ kế thừa.
Hai là: Do điều kiện sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chỗ cho các nghi lễ tín ngưỡng được sinh hoạt bình đẳng với các sinh hoạt văn hóa chính thống khác.
Ba là:  Do chịu sự chi phối của nền kinh tế thị trường, tác động mạnh đến đời sống của mỗi gia đình và cộng đồng, đời sống vật chất của người dân còn thấp cho nên người dân tập trung vào phát triển kinh tế là chính, cho nên vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể chưa được người dân quan tâm.
Bốn là: Do sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương tây, gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần và nhận thức của giới trẻ, lớp trẻ hiện nay nhận thức về văn hoá dân gian truyền thống còn hạn chế, rất ít quan tâm đến di sản văn hóa phi vật thể, do bị chi phối của các trò chơi giải trí, các thể loại âm nhạc, múa, trò chơi hiện đại sẵn có trên mạng Internet và các phương tiện thông tin truyền thông.
Thực tế cho thấy ngoài những yếu tố tác động nêu trên, một yếu tố có phần quyết định đó là: Các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc đang  trong tình trạng thiếu sự quan tâm của con người, thiếu sự định hướng thiết thực để lớp trẻ kế tục cha ông, gìn giữ  những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống dân tộc trong đó có nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của người Sán Chay ở tỉnh Thái Nguyên.
3.2. Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Múa Tắc Xình trong quá trình hội nhập văn hóa:
Trải qua nhiều biến đổi của lịch sự, trước sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, ngày nay lớp thanh niên trẻ dân tộc Sán Chay không còn nhiều người biết múa Tắc Xình, chỉ có số ít già làng, trưởng bản là có thể nhớ và phục dựng lại các điệu múa Tắc Xình. Theo quy luật của cuộc đời khi họ mất đi những điệu múa dân gian đó cũng theo họ ra đi mãi mãi và không còn tồn tại trong dân gian nữa. Chính vì vậy, nếu không có những biện pháp khôi phục, bảo tồn kịp thời, nghệ thuật múa  dân gian tắc Xình sẽ mai một dần theo dòng chảy của thời gian.
Đứng trước thực trạng đó, nhiều năm trở lại đây ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã có những biện pháp khẩn cấp nhằm bảo tồn và phát huy Nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của cộng đồng tộc người Sán Chay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên kịp thời hiệu quả đó là:
Khảo sát và thống kê thực trạng múa Tắc xình ở các địa phương Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa nơi có đông đồng bào Sán Chay tập chung sinh sống.
Thống kê số lượng nghệ nhân dân gian còn biết và nhớ lại các điệu múa Tắc Xình để làm nòng cốt cho việc khôi phục và truyền dậy các điệu múa Tắc Xình đó trong cộng đồng người Sán Chay và trong học đường
Hỗ trợ tạo điều kiện các địa phương đó xây dựng nội dung các điệu múa Tắc Xình để tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ để lưu giữ bảo tồn vốn văn hóa dân gian cổ truyền của dân tộc mình.
Tổ chức khôi phục lại lễ hội cầu mùa đầu năm mới hàng năm cho các làng bản có cộng đồng người Sán Chay sinh sống, thông qua lễ hội nghệ thuật múa dân gian Tắc xình sẽ được bảo tồn phát huy một cách bền vững, trường tồn theo thời gian.
Ngoài ra nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình còn được ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngành giáo dục Tỉnh Thái Nguyên phối hợp với UBND các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, lưu giữ bảo tồn truyền dạy thông qua các học đường. Điển hình là Ủy ban nhân dân huyện Phú Lương đã đưa nghệ thuật múa Tắc Xình vào chương trình hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường trên địa bàn huyện. Nghệ nhân được nhà trường mời về truyền dạy cho các em những kỹ thuật cơ bản của điệu múa, đồng thời giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa trong bước nhảy độc đáo của dân tộc. 
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của người Sán Chay, ở các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ đã có nhiều cách làm thiết thực: Trong phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, xã khuyến khích đồng bào Sán Chay gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình, vận động các gia đình dạy cho con em học tiếng dân tộc mình, làm cơ sở để từng bước khôi phục lại múa dân gian Tắc Xình. Bằng việc làm thiết thực như  hàng tuần, cứ vào thứ bảy, chủ nhật hoặc các ngày lễ, Tết, các cụ già và nhiều thanh thiếu niên người Sán Chay ở các địa phương lại đến tập trung ở nhà văn hoá thôn, bản để học và tập luyện các điệu múa Tắc Xình, người già truyền cho người trẻ, người biết nhiều truyền cho người biết ít. Trong những năm gần đây cứ tết đến xuân về, trong lễ hội...bà con nơi đây lại tổ chức nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình để giao lưu, thể hiện tâm tư tình cảm và nhắn nhủ, khuyên răn con cháu nhớ đến công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, tổ tiên. Đến nay vũ điệu múa Tắc Xình đã dần ăn sâu vào tâm trí của bà con và được thế hệ trẻ yêu thích.
Nhiều năm trở lại đây UBND huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thường  tổ chức cho các câu lạc bộ đi giao lưu với nhau và giap lưu với các huyện khác trong tỉnh. Đặc biệt là được Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam nhiều năm trở lại đây luôn mời trình diễn nghệ thuật múa Tắc Xình trong ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, tại thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khác như Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc...
Để có thể phát huy những giá trị văn nghệ dân gian của người Sán Chay sinh sống tại Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nói riêng và người Sán Chay sống ở những tỉnh khác nói chung, chúng ta cần phải có những giải pháp thích hợp, kịp thời như:
- Cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa. Tăng cường đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ tri thức, nâng cao học vấn đối với đồng bào nơi đây. Mở lớp truyền dạy các làn điệu cho hạt nhân văn nghệ trong xã, huyện, tỉnh, tổ chức quay phim, chụp ảnh lưu giữ những làn điệu tiêu biểu.
-Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục rộng rãi văn hóa dân tộc Sán Chay cho đồng bào nhất là lớp trẻ để nâng cao lòng tự hào dân tộc, để đồng bào nhận thấy rõ giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Bởi vì bản sắc dân tộc chỉ có thể được bảo tồn, phát huy khi mọi di sản văn hóa quý báu được lưu giữ vững chắc trong bảo tàng và ý thức của mỗi người dân, do chính họ là người thực hiện. Việc tuyên truyền này không chỉ thông qua việc giáo dục trường học mà còn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài phát thanh, đài truyền hình,…
-Tiếp tục đẩy mạnh nghệ thuật quần chúng trong cộng đồng dân tộc Sán Chay, làm cho vốn văn nghệ dân gian tiếp tục đâm chồi nảy lộc ngay trên mảnh đất mà nó đã sinh ra. Đó là việc duy trì, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, duy trì các đội văn nghệ ở thôn bản, khai thác các tiết mục dân gian Tắc Xình, tranh thủ sự trao truyền của các bậc nghệ nhân, già làng để những giá trị văn hóa có thể được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
-Tìm kiếm các bài dân ca, các làn điệu dân gian, các trò chơi dân gian để đưa vào những lễ hội truyền thống bổ trợ cho nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, thu hút mọi người tham gia cùng, đưa nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình song hành cùng văn hóa hiện đại.
- Để phát huy giá trị văn hóa của nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình, gìn giữ cho muôn đời sau, các sở ban ngành, các cơ quan hữu quan phải cùng chung tay góp sức mình để bảo tồn, phát huy và gìn giữ những giá trị đó trong lòng dân tộc.
Việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể ở đất nước ta hiện nay là một việc làm cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Chính vì thế, chúng ta cần hướng tới việc tổ chức, phát huy những giá trị độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể trong đó có múa Tắc Xình, trên cơ sở kế thừa, khai thác một cách sáng tạo và hiệu quả các giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể, kết hợp hài hòa các giá trị ấy trong những yếu tố mới để phát huy tối đa vai trò giáo dục và phát triển toàn diện cho con người, phù hợp với những điều kiện môi trường thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể, giữ vững chức năng các giá trị văn hóa trong cộng đồng xã hội.
    Múa Tắc Xình hay các làn điệu dân ca trong Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay là những giá trị văn hoá độc đáo thật đáng trân trọng có sức sống lâu dài trong tâm trí người dân nơi đây. Đến nay, múa Tắc Xình của bà con dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã thêm khẳng định giá trị một điệu múa độc đáo của dân tộc mang nhiều giá trị văn hóa cần được bảo tồn và phát huy cho thế hệ mai sau.
                   ThS. Nguyễn Thành Chung - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở                     
Nguyễn Thị Tám - Cán bộ Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên

*TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dương Viết Á. “Nhạc cụ dân tộc Việt Nam”. NXB Âm nhạc. Hà Nội.
2. Đào Duy Anh (1950), “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam”. Nxb Thế giới, Hà Nội 1957.
3. Lê Ngọc Canh, “Văn hoá dân gian Việt Nam, những thành tố”. Trường Cao đẳng VH TPHCM, 1990.
4. Chu Xuân Diện, “Văn hóa dân gian, mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại”.  Nxb Khoa học – Xã hội, 2006
5. Tô Đông Hải “Nghi lễ và âm nhạc trong nghi lễ”, Nxb Văn hóa dân tộc, 2003.
6. Vũ Ngọc Khánh, “Truyền thống văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Tập I, II. Nxb Thanh niên, Hà nội, 2004.
7. Nông Thị Nhình “Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Lạng Sơn” Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
8. Tô Ngọc Thanh, “ Ghi chép về văn hóa và âm nhạc” Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 2007.
9.  Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, ‘Sáng tạo và bảo tồn giá trị văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam”, Hà Nội 1998
10. Hồ sơ khoa học công nhận Múa Tắc Xình là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
11. Nguồn gốc dân tộc Sán Chay Ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.
12. Người Sán Chay ở Thái Nguyên - thuộc nhóm Cao Lan hay Sán Chí – Kênh VOV, Đài tiếng nói Việt Nam.
13. Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay17,528
  • Tháng hiện tại542,202
  • Tổng lượt truy cập21,712,319
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây