Ngày 24/02/1848, tác phẩm kinh điển “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (sau đây gọi tắt là Tuyên ngôn) do Các Mác và Ph. Ăng-ghen soạn thảo được xuất bản lần đầu tại Anh. Ngay sau khi ra đời, tác phẩm đã trở thành cương lĩnh cách mạng đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và là ngọn cờ dẫn dắt con đường cách mạng trên toàn thế giới.
Đánh giá khái quát giá trị toàn diện của Tuyên ngôn, V.I.Lênin khẳng định: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” chứa đựng những nội dung bất hủ không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
- Ý nghĩa lịch sử trọng đại của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản
Trong tác phẩm, Các Mác và Ph. Ăng-ghen đã trình bày một cách sáng tỏ cơ sở lý luận, thực tiễn về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân; chỉ ra những nguyên tắc chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản; đấu tranh phê phán các trào lưu xã hội chủ nghĩa phản động, bảo thủ, không tưởng và những lời xuyên tạc của giai cấp tư sản. Các Mác và Ph. Ăng-ghen luận giải khoa học, thuyết phục về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và tất yếu thành công của chủ nghĩa xã hội, khẳng định: trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng nhất, kiên quyết và triệt để nhất, có khả năng lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa; sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải là sự nghiệp đấu tranh lâu dài của chính giai cấp đó. Đồng thời, chỉ ra mục tiêu, phương pháp và lực lượng tiến hành cách mạng - giai cấp công nhân là người duy nhất có khả năng lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng.
Trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, giai cấp công nhân tất yếu phải lập ra chính đảng của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng - khẳng định mối quan hệ giữa giai câp công nhân với Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chân chính. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản với giai cấp công nhân được Các Mác và Ph. Ăng-ghen luận giải trước hết từ quan hệ lợi ích: “Những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản. Họ không đặt ra những nguyên tắc riêng biệt nhằm khuôn phong trào vô sản theo những nguyên tắc ấy”. Tuyên ngôn còn chỉ rõ: “về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên, về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”. Luận giải về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân đã trở thành cơ sở lý luận và phương pháp luận để những người cộng sản trên thế giới vận dụng phù hợp, sáng tạo trong quá trình thành lập và xây dựng Đảng Cộng sản của mình.
- Giá trị thời đại của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đối với cách mạng Việt Nam và sự vận dụng vào con đường đi lên CNXH ở nước ta
Những năm qua, những giá trị lịch sử và thời đại trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vẫn tỏa sáng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Dưới ánh sáng tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và Tuyên ngôn nói riêng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm xác định đúng đắn con đường cách mạng giải phóng dân tộc và những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam. Trung thành với tư tưởng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định con đường giải phóng dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Từ những tư tưởng vượt thời đại và nguyên lý cách mạng trong Tuyên ngôn, Đảng ta đã cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin năm 1920, bản Luận cương phát triển sáng tạo tư tưởng Tuyên ngôn trong điều kiện lịch sử mới, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Nhờ sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cách mạng vô sản được nêu trong Tuyên ngôn mà cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi trong công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành độc lập, thống nhất đất nước. Tư tưởng khoa học và phương pháp cách mạng của Tuyên ngôn cũng được Đảng ta vận dụng sáng tạo trọng công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Giá trị khoa học của Tuyên ngôn, trước hết, đã giúp cho Đảng ta có cơ sở, phương pháp luận đúng đắn trong phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn, nhằm làm sáng tỏ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực hiện công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới về tư duy nhằm loại bỏ những quan niệm sai lầm, khắc phục những nhận thức phiến diện về chủ nghĩa Mác-Lênin, về cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quán triệt tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn là: trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội cấu thành cơ sở lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy. Từ đó, xác định vai trò trước hết và trọng tâm của đổi mới, phát triển kinh tế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng ta ngày càng xác định rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó, có sự phát triển vượt bậc về tư duy kinh tế: từ kế hoạch hóa tập trung chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ tư duy kinh tế khép kín sang tư duy kinh tế mở, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế… Những thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới là minh chứng rõ ràng nhất cho sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo những tư tưởng của Các Mác và Ph. Ăng-ghen trong Tuyên Ngôn vào thực tiễn Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Xuất phát từ các giá trị về nhà nước và pháp luật trong Tuyên ngôn nói riêng về xây dựng nhà nước pháp quyền - đó là tư tưởng về xây dựng một nhà nước kiểu mới, hoạt động trên cơ sở pháp luật với một nền pháp chế dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; có trách nhiệm tổ chức cuộc sống chung của nhân dân, bảo đảm sự phát triển tối đa và tạo nên “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho tất cả mọi người”, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Phân tích bối cảnh ra đời và quá trình hình thành, phát triển đường lối đổi mới của Đảng ta mới thấy hết được giá trị to lớn được Các Mác và Ph. Ăng-ghen trình bày trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Tuyên ngôn là cương lĩnh có đầy đủ tiêu chí vừa về mặt lý luận, vừa về mặt thực tiễn của giai cấp công nhân toàn thế giới và chính đảng của nó. Với những giá trị lý luận bất hủ, Tuyên ngôn đã và vẫn tiếp tục định hướng đúng đắn cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung, tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam nói riêng.
Tài liệu tham khảo: Bài viết: Sức sống trường tồn của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, GS,TS Lê Hữu Nghĩa, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ma Trần Thu Hường - Ma Thị Hồng Minh
Khoa Xây dựng Đảng
V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 26, tr. 10
Các Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr.614.
Sđd, tập 4, tr.614-615, 626.
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.30.