Phát triển kinh tế đối ngoại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế

Thứ năm - 08/10/2020 23:40
Kinh tế đối ngoại của một quốc gia là một bộ phận của kinh tế quốc tế, là tổng thể các quan hệ kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của quốc gia này với các quốc gia khác hoặc với các tổ chức kinh tế quốc tế. Vì vậy, hội nhập quốc tế là vấn đề tất yếu và cấp bách đối với các quốc gia. Để hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế, tất yếu phải đẩy mạnh và phát triển kinh tế đối ngoại. Có thể hiểu vai trò quan trọng của kinh tế đối ngoại thể hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế đối ngoại góp phần nối liền sản xuất và trao đổi trong nước với sản xuất và trao đổi quốc tế, nối liền thị trường trong nước với thị trường thế giới và khu vực. Hoạt động kinh tế đối ngoại góp phần đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở cửa hội nhập quốc tế, là phương thức hữu hiệu và cầu nối quan trọng trong việc đưa hàng hóa của các quốc gia thâm nhập vào thị trường nước ngoài; là điều kiện quan trọng để quốc gia tiếp cận và hợp tác với nhiều quốc gia khác, nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, các trung tâm kinh tế, công nghệ thế giới; góp phần nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy thị trường trong nước tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Thứ hai, hoạt động kinh tế đối ngoại thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm xây dựng và quản lý nền kinh tế hiện đại phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Thông qua kinh tế đối ngoại, chính phủ các nước tăng cường hoàn thiện pháp luật, chính sách đầu tư, kết cấu hạ tầng kinh tế... nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Thông qua kinh tế đối ngoại, các nước đang phát triển có điều kiện tiếp cận với nền khoa học, công nghệ tiên tiến và trình độ quản lý kinh tế hiện đại, từng bước nâng cao trình độ của lực lượng lao động trong nước.
Thứ ba, hoạt động kinh tế đối ngoại góp phần tích lũy vốn phục vụ phát triển đất nước, đặc biệt là các nước đang phát triển từ một nước nông nghiệp lạc hậu. Nhờ nguồn vốn FDI, ODA và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), tình trạng thiếu vốn của các nước đang phát triển được điều hòa, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách thông qua nộp thuế, góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy hình thành vòng tuần hoàn phát triển của kinh tế đất nước.
Thứ tư, hoạt động kinh tế đối ngoại góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Không chỉ tạo ra nhiều ngành nghề sản xuất mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở trong nước, hoạt động kinh tế đối ngoại còn thúc đẩy xuất khẩu lao động, thu hút khách du lịch nước ngoài mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài.
Có thể nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam trong từng thời kỳ cách mạng luôn thực hiện đường lối đối ngoại và kinh tế đối ngoại linh hoạt, sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Từ thực tế đất nước và những thành tựu đạt được sau gần 35 năm đổi mới về kinh tế đối ngoại, Đại hội XII (năm 2016) của Đảng bổ sung và hoàn thiện quan điểm về kinh tế đối ngoại: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, thống nhất “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển trong thời kỳ mới là: “Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và chủ động, tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực để mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển”.
Định hướng phát triển kinh tế đối ngoại trên đã đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đưa kinh tế nước ta vượt qua ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế, tiếp tục phát triển, trở thành điểm sáng ở khu vực và trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2019 của Việt Nam đạt 6,26% (bình quân thế giới là 3,69%), quy mô GDP từ 66,4 tỷ USD năm 2006 tăng lên 261,6 tỷ USD năm 2019, GDP theo đầu người từ 797 USD năm 2006 tăng lên 1.154 USD năm 2008, đưa Việt Nam bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, năm 2019 đạt 2.740 USD. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược, 14 đối tác toàn diện) và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn trên thế giới, có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của ta, có quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác khác với các nước và tổ chức quốc tế. Việt Nam chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc hợp tác và đóng góp có trách nhiệm tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, APEC... Thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác, đối thoại chiến lược và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế đối ngoại nước ta đã phát triển nhanh và mạnh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và tạo đà phát triển trong giai đoạn mới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế đối ngoại Việt Nam vẫn còn hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, giải quyết trong thời gian tới. Trong thời gian qua, kinh tế đối ngoại nước ta chưa thật chủ động, hiệu quả hợp tác chưa cao, ngoại giao đa phương chưa phát huy hết các lợi thế, chưa tận dụng tốt các cơ hội để kinh tế nước ta hội nhập quốc tế nhanh và sâu hơn.
Sau gần 35 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh các kết quả đạt được như đã nêu trên, nền kinh tế nước ta hiện nay bộc lộ những yếu kém cơ bản, như cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện về căn bản; hiệu quả đầu tư chưa cao như mong muốn, các chính sách liên quan đến thu hút FDI chậm được đổi mới; sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực; việc phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tuy có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng trong việc xác định hướng đi; vai trò của kinh tế tư nhân tuy đã được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng cần có thêm những chính sách cụ thể để phát huy trong thời gian tới; xuất hiện các nút thắt về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển kinh tế; làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế nước ta vào các nền kinh tế lớn trong khu vực về các nguồn nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị và công nghệ thấp, về đầu tư, công nghệ và tài chính; công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và quản trị của doanh nghiệp tuy có sự cải thiện nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; lĩnhvực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, như chậm đổi mới thể chế chính sách, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp; tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực chưa cao, công tác phối hợp về hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, doanh nghiệp chưa tốt; khả năng nhận định, đánh giá và dự báo tình hình chưa cao, các vấn đề về xây dựng cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm tác động trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhìn chung còn yếu, công tác tham mưu, tư vấn chính sách còn nhiều hạn chế.
Trước xu thế mới của thời đại, kinh tế đối ngoại ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế toàn cầu cũng như tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt đối với Việt Nam, với nền tảng là một nước nông nghiệp lạc hậu, giải pháp để phát triển chính là mở rộng và nâng cao hiệu quả của kinh tế đối ngoại thông qua tăng khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
 ThS Vũ Mạnh Hà
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
--------------------------
Tài liệu tham khảo:
  1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 108, 314
  2. Tạp chí mặt trận: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế”
  3. Tạp chí Cộng sản
  4. http://www.xaydungdang.org.vn/Home/giai_bua_liem__vang/2018/11291/Phat-trien-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia.aspx
  5.  http://www.qdnd.vn
  6. https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/khang-dinh-vai-tro-lanh-dao-cua-ang-trong-cong-cuoc-doi-moi-va-phat-trien-dat-nuoc-345144/
  7. https://laodong.vn/kinh-te/thay-doi-cach-tinh-gdp-co-thay-doi-duoc-chat-luong-tang-truong-772359.ldo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập76
  • Hôm nay25,550
  • Tháng hiện tại551,640
  • Tổng lượt truy cập21,034,033
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây