Một là, Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương liên quan về công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Tăng cường vai trò chủ động tham mưu trong việc rà soát, đề nghị cắt giảm giấy tờ thủ tục không cần thiết, cắt giảm thời gian thực hiện, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và thực hiện nhằm bảo đảm các quy định về thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, huy động hệ thống chính trị ở các cấp chung tay và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 4030/QĐ-UBND ngày 23/12/2020 của UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2021.
Hai là, Đối với những sở, ban, ngành, UBND các cấp để xảy ra tình trạng xử lý hồ sơ quá hạn, hồ sơ quá hạn chưa xử lý cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổ chức thực hiện kịp thời việc xin lỗi bằng văn bản đối với cá nhân, tổ chức theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ba là, Nâng cao hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về sử dụng các ứng dụng để thực hiện các thủ tục hành chính công mức độ 3,4 bằng nhiều biện pháp như: UBND huyện, thành phố, thị xã phát huy vai trò trách nhiệm trong việc chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông tuyên truyền, phổ biến để người dân thực hiện các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ https://dichvucong.thainguyen.gov.vn và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung tâm thông tin tỉnh Thái Nguyên cần đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương và của tỉnh liên quan đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Thường xuyên đổi mới tạo sự đa dạng về hình thức, phương pháp và mở rộng phạm vi tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích.
Bốn là, Xây dựng phần mềm đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hướng tới sự tiện dụng cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và xử lý công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là công chức trực tiếp làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.
Năm là, UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã thông qua hình thức thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó cần huy động tối đa sự giám sát và phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Kiểm soát thủ tục hành chính và kiểm soát quyền lực có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau và nhằm ngăn chặn sự lạm quyền, tùy tiện trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong cơ quan hành chính nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Chính vì vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị của tỉnh phải vào cuộc; trên những căn cứ pháp lý và tình hình thực tiễn, đưa ra hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính ở Thái Nguyên trong thời gian tới./.
ThS. Hồ Sĩ Bách
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 223/BC-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn