Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên thực hiện hiệu quả nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận

Thứ sáu - 02/08/2024 04:34
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định rõ công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng; khẳng định công tác dân vận là một trong những nội dung quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó giữa Đảng với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác dân vận của tỉnh giai đoạn 2020-2025 là tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác dân vận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Đề án số 05-ĐA/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 903-QĐ/TU ngày 04/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên”; Quyết định số 1050-QĐ/TU ngày 24/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 23/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh”... Do vậy công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh đã có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả nổi bật trên một số nội dung sau:
1. Công tác phối hợp thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận
Quán triệt, triển khai thực hiện“Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên”. Công tác phối hợp thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Duy trì nền nếp chế độ giao ban, làm việc định kỳ giữa thường trực cấp ủy với ban dân vận, chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội về tình hình Nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận với 06 đơn vị; ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và Quy chế phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với 06 đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh. 100% huyện ủy, thành ủy ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa ban dân vận với UBND, công an, ban chỉ huy quân sự và phòng dân tộc…
Ủy ban nhân dân tỉnh tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng chương trình giám sát; chỉ đạo các sở, ban, ngành tham gia đoàn giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các nghị quyết, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; cử cán bộ tham gia các tổ giúp việc thực hiện các chuyên đề giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội khi có yêu cầu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh thường xuyên phối hợp với MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ chuyên trách công tác dân vận được quan tâm thực hiện thường xuyên
2. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo
Trong nhiệm kỳ, công tác dân vận của các cơ quan Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Các cơ quan nhà nước đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; tỉnh đã có Trung tâm Phục vụ hành chính công. các chỉ số đo lường, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước đều đạt thứ hạng cao so với cả nước. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, đạo đức công vụ cũng được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay, 99,79% xóm thuộc vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh nội trú; 100% xã có trạm y tế. Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS năm 2023 còn 5,85% (giảm 6,08% so với đầu nhiệm kỳ). Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo được coi trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo được quan tâm.
3. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; đa dạng hóa hình thức tổ chức và phương thức tập hợp, vận động, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp Nhân dân
Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, giai đoạn 2021-2025”, các cấp ủy đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để tập trung lãnh đạo về công tác MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; ngày càng thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã lựa chọn, tổ chức giám sát 37 chuyên đề, phản biện xã hội 21 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên, góp phần đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần củng cố niềm tin và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Toàn tỉnh hiện nay có 177 Ban Thanh tra nhân dân với 1.589 thành viên; 243 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.836 thành viên. Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát 1.125 cuộc, kiến nghị 207 vụ việc; các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 2.132 cuộc, kiến nghị 354 vụ việc.
4. Việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và quan tâm chăm lo đời sống của Nhân dân; thực hiện dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp dân, đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, giải quyết kiến nghị của Nhân dân và xử lý các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống Nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài
Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, từng bước cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của ban chỉ đạo các cấp để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp đã kịp thời nắm bắt nguyện vọng chính đáng của Nhân dân gửi đến Quốc hội, HĐND các cấp về những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc; những nội dung cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng phát huy có hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượt đoàn đông người và số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết giảm, không xảy ra “điểm nóng”, vụ việc nổi cộm về khiếu nại, tố cáo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế “Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh”. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân được được tăng cường, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân ngày càng được coi trọng, bảo đảm theo đúng quy định. Qua đó, góp phần giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Việc thường trực cấp uỷ ở các địa phương định kỳ tiếp dân; bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ và cấp uỷ viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư; đảng viên công tác tại xã, phường, thị trấn sinh hoạt đảng tại chi bộ khu dân cư được duy trì thường xuyên và đi vào nền nếp. Việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên theo định kỳ được thực hiện nghiêm túc. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Đảng và các cơ quan dân cử được tiến hành nghiêm túc, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, được Nhân dân giám sát và đánh giá cao.
5. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”; việc tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về công tác dân vận
Các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh ngày càng hướng mạnh về cơ sở với nhiều cách làm thiết thực, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp của Nhân dân, điển hình như: Phong trào “Dân vận khéo”, “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày hội quốc phòng toàn dân”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Nhiều mô hình có hiệu quả như tổ tự quản, tổ hòa giải, tổ an ninh quốc phòng, khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội… gắn với giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống của người dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cấp ủy, chính quyền các cấp coi trọng, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 1.759 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, trong đó có 1.468 mô hình tập thể; 291 mô hình cá nhân trên các lĩnh vực; trong nhiệm kỳ đã biểu dương 445 mô hình tập thể, mô hình cá nhân, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 70 tập thể, cá nhân tiêu biểu. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân “Dân vận khéo” có sức lan tỏa cao trong cộng đồng, góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở.
Có thể khẳng định rằng những năm qua, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án về công tác dân vận được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả; nhận thức của các cấp, các ngành về công tác dân vận được nâng lên. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt và thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” từng bước được thể chế hóa. Tuy nhiên công tác dân vận vẫn còn những hạn chế nhất định. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, kịp thời khắc phục những hạn chế, thời gian tới công tác dân vận cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là của cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội về phát huy vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; thực hiện tốt cơ chế và mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, để từ đó, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dân vận. Chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về công tác dân vận.
2. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy thành các nghị quyết, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn địa phương và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống cho Nhân dân khu vực nông thôn, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh. Tăng cường tiếp xúc đối thoại trực tiếp với Nhân dân và giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của người dân.
3. Đổi mới mạnh mẽ công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp theo Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày, 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, bảo đảm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm của từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng. Làm tốt công tác vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
5. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Thông qua hoạt động thực tiễn, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực; gắn công tác dân vận với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
6. Xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong giai đoạn cách mạng mới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân vận. Nâng cao năng lực dự báo, nắm chắc tình hình Nhân dân, nhất là vấn đề liên quan công tác dân tộc, tôn giáo và những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 513-BC/TU, ngày 25 tháng 6 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng
Lê Viết Chung
Khoa Xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay20,496
  • Tháng hiện tại424,067
  • Tổng lượt truy cập21,594,184
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây