Mối quan hệ giữa lực, thế, thời trong nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 27/08/2023 22:21
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hoá, mà còn là một nhà chiến lược quân sự thiên tài. Nét nổi bật trong nghệ thuật quân sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nghệ thuật tạo lực, lập thế, tranh thời, biết đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế, lấy ít thắng nhiều. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh lực, thế, thời là những yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật quân sự, mỗi yếu tố có tính độc lập riêng nhưng giữa chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau, thúc đẩy hoặc chế ước lẫn nhau. Vì vậy, để giành thắng lợi trong chiến tranh phải kết hợp chặt chẽ giữa lực, thế, thời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN).
Lực, là phát huy sức mạnh tổng hợp. Theo quan điểm của Bác, lực bao gồm cả lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần, cả tiềm lực kinh tế, quân sự, truyền thống dân tộc, trí tuệ con người. Hay nói cách khác là phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp: Chính trị và quân sự, tiền tuyến và hậu phương, dân tộc và thời đại. Người cho rằng, trong điều kiện cụ thể của nước ta, lực lượng để tiến hành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng không chỉ đơn thuần là dựa vào lực lượng vũ trang quân đội, mà trước hết và quan trọng nhất là lực lượng chính trị của quần chúng được giác ngộ, được tổ chức chặt chẽ và rộng khắp.
Thế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực phải luôn gắn liền với thế. Trong chiến tranh chỉ có lực mà không có thế thì không thể đánh thắng được quân địch. Thế bao giờ cũng lấy lực làm cơ sở và do lực quyết định, nhưng ở thế có lợi, thế hiểm thì một lực nhỏ cũng có sức mạnh rất lớn và ngược lại lực lớn ở vào thế bất lợi cũng dễ trở thành yếu. Người chỉ ra tầm quan trọng của thế trong tác chiến: "Quả cân chỉ một ki lô gam, ở vào thế lợi, thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm ki lô gam. Đó là thế thắng lực"[1].
Thời, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lực, có thế còn phải biết tạo thời và tranh thời. Nếu hành động đúng thời cơ thì lực lượng nhỏ cũng có thể giành thắng lợi lớn, còn hành động không đúng thời cơ thì lực lượng lớn cũng có thể không thành công. Người rất coi trọng vấn đề tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ. Tư tưởng đó được biểu hiện rõ trong bài thơ “Học đánh cờ”:
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
 Gặp thời, một tốt cũng thành công.
Người kịp thời hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao - Bắc - Lạng khi nhận định: Thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Còn khi thời cơ xuất hiện, Người lập tức chỉ thị: “Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”[2]. (Cách mạng Tháng Tám năm 1945). Người luôn nhấn mạnh phải biết đánh và biết không đánh nếu thời cơ chưa lợi, nếu chưa thật chắc thắng, không mạo hiểm, phiêu lưu.
Theo Hồ Chí Minh tạo lực, lập thế bao giờ cũng gắn liền với nghệ thuật tranh thời, xây dựng và phát triển thế và lực để tạo ra thời cơ, tranh thủ chớp thời cơ càng phát huy sức mạnh của thế và lực. Lực, thế, thời có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thời là thời điểm chuyển hoá của thế và lực. Thế và lực vận động tạo ra tình huống, tình huống phát triển đến độ chín muồi sẽ tạo ra thời cơ hành động. Khi thời cơ xuất hiện phải “chớp thời cơ” để giành thắng lợi. Trải qua một quá trình xây dựng, phát triển lực lượng, tạo dựng thế nước, Hồ Chí Minh đã lựa chọn và “chớp thời cơ” một cách chính xác. Người cho rằng: “tích cực chủ động nắm bắt thời cơ, không tích cực thì thời cơ không chờ mình”. Chính vì vậy, khi Nhật chưa đầu hàng, nếu khởi nghĩa nổ ra thì sẽ bị thiệt hại lớn về con người và cơ sở vật chất, thậm chí có thể bị thất bại. Hoặc khi Nhật đã đầu hàng, quân đồng minh sẽ tước vũ khí quân Nhật, chúng se thành lập chính phủ thân đồng minh, nếu khởi nghĩa nổ ra thì khó giành được thắng lợi. Hồ Chí Minh đã nắm chắc sự vận động, biến hoá của lực, thế thời để chớp thời cơ khi Nhật vừa đầu hàng và quân đồng minh chưa kịp vào để phát động tổng khởi nghĩa. Đó là thời cơ ngàn năm có một. Chính sự nhạy bén, sắc sảo đó của Hồ Chí Minh đã làm nên một thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Nghệ thuật tạo lực, lập thế, tranh thời của Hồ Chí Minh và sự nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa lực, thế, thời được vận dụng nhuần nhuyễn vào thực tiễn cách mạng Việt Nam thể hiện tư duy nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo, thiên tài của Người.
Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cũng như xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững vàng về chính trị, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cao. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”[3]. Thấm nhuần tư tưởng của Người cùng với sự quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 Vũ Thị Nhàn
 
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 567
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr 538.
 
[3]  ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 56.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê website
  • Đang truy cập132
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm131
  • Hôm nay17,724
  • Tháng hiện tại543,399
  • Tổng lượt truy cập21,025,792
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây